Dân Việt

Năm 2030, Việt Nam sẽ đứng thứ 3 trong ASEAN về chuyển đổi số

Thế Anh 12/03/2023 09:51 GMT+7
Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) vừa công bố báo cáo thường niên FDI năm 2022 nhằm phân tích, đánh giá tình hình và tiềm năng, cơ hội đầu tư trong các ngành, lĩnh vực vào Việt Nam.

Năm 2030, Việt Nam sẽ đứng thứ 3 trong ASEAN về chuyển đổi số

Thông tin những tiềm năng, cơ hội đầu tư vào Việt Nam, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, báo cáo thường niên FDI 2022 được tiếp tục sau thành công của báo cáo đầu tiên năm 2021 mà VAFIE đã công bố lần đầu vào tháng 5/2022.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, dáo cáo được xây dựng dựa trên 3 nguồn tư liệu. Thứ nhất là báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Tổng cục Thống Kê về thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2022.

Thứ 2 là kinh nghiệm thế giới qua báo cáo của nước ngoài về đầu tư toàn cầu và ASEAN để so sánh thu hút đầu tư của Việt Nam với thế giới, ASEAN.

Thứ 3 là khảo sát thực tế các doanh nghiệp FDI lớn tại 12 tỉnh, thành phố và các khu công nghiệp để đánh giá về thế mạnh, nhược điểm của môi trường đầu tư Việt Nam.

Năm 2030, Việt Nam sẽ đứng thứ 3 trong ASEAN về chuyển đổi số - Ảnh 1.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE). Ảnh: Trong Hiếu

Đáng chú ý, báo cáo có 350 trang gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh. Chủ đề báo cáo năm 2022 là FDI gắn với tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.

GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết, từ năm 2014, Chính phủ đã nhận thấy cần phải nâng cấp chính sách thu hút FDI và kiến tạo, không chỉ là thu hút về số lượng mà quan trọng là chất lượng.

Trong chất lượng có những thước đo để đánh giá đúng hiệu quả của khu vực FDI, góp phần vào tăng trưởng kinh tế theo định hướng kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Đặc biệt, gần đây Chính phủ chú trọng chiến lược chuyển đổi số, từ doanh nghiệp số tới xã hội số, Chính phủ số và kinh tế số. Chiến lược của Việt Nam là tới năm 2030 sẽ đứng thứ 3 trong ASEAN về chuyển đổi số.

Đối với những lĩnh vực đang thu hút đầu tư, GS.TSKH Nguyễn Mại cho hay, năm 2021 - 2022, Việt Nam đã bước đầu đạt được mục tiêu đề ra, có chuyển dịch tốt trong thực hiện kinh tế tuần hoàn. Trong đó, ở nhiều ngành công nghiệp, công nghệ, các khu kinh tế dần chuyển sang khu kinh tế sinh thái, hình thành khu công nghiệp đô thị sinh thái, thu hút nhiều tập đoàn lớn thế giới đầu tư vào sản phẩm công nghệ cao như Samsung, LG, Intel, Toyota...

Gần đây là Lego đã đầu tư 1 tỷ USD vào Bình Dương và thiết lập nhà máy không rác thải, khí thải, không dùng năng lượng ngoài, toàn bộ là tự cung tự cấp. Việt Nam coi trọng đầu tư vào nhà máy với công nghệ số, như là sản xuất chất bán dẫn đầu nguồn.

Năm 2022, chúng ta đã thu hút 5,2 tỷ USD của các tập đoàn lớn như Samsung, Intel, LG để biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất Smartphone, máy tính bảng, laptop, chip nguồn... Tổng Giám đốc Intel công bố đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD vào nhà máy để sản xuất chip nguồn.

Đây là nhà máy thứ 3 của Intel ngoài Mỹ, bên cạnh Scotland và Israel. Đây là những kết quả đáng khích lệ. Các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng đánh giá cao Việt Nam có ưu thế về đầu tư vào năng lượng tái tạo, cụm cảng logistics...

Với mục tiêu định hướng FDI xanh và chuyển đổi số, GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết, trước đây, chúng ta coi Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới và Việt Nam rất khó cạnh tranh với Trung Quốc về công nghệ, khi nước này hơn chúng ta rất nhiều cả về nhân lực chất lượng cao, quy mô thị trường, thu nhập đầu người.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng có chiến lược hấp dẫn với nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, gần đây cơ hội đã đến với Việt Nam. Do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và mâu thuẫn Trung Quốc với EU, một vài nước G20, chính phủ Trung Quốc trở nên coi trọng thị trường trong nước để khích lệ doanh nghiệp trong nước phát triển, giảm thiểu ưu đãi với nhà đầu tư nước ngoài.

Hai tác động từ mâu thuẫn chiến lược các nước lớn và chính sách của Trung Quốc với trong nước đã tạo ra xu hướng Trung Quốc +1. Mỹ, Nhật, EU đã có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc, đưa về nước hoặc các nước lân cận, như Việt Nam và Indonesia.

Năm 2030, Việt Nam sẽ đứng thứ 3 trong ASEAN về chuyển đổi số - Ảnh 2.

Việt Nam đang thu hút được vốn đầu tư từ nước ngoài. Ảnh: TA

Việt Nam cần tìm cách vượt qua thử thách

GS.TSKH Nguyễn Mại lưu ý, hiện nay Việt Nam có 2 đối thủ cạnh tranh lớn là Ấn Độ và Indonesia. Ấn Độ dân số sắp vượt Trung Quốc và công nghệ rất cao. Ấn Độ cũng có đội ngũ nhân lực dồi dào, đào tạo nhiều kỹ sư nhất thế giới, trong khi tiền lương thấp hơn nhiều, khoảng 60-70% so với Việt Nam, đây là những lợi thế rất lớn của Ấn Độ. Chính sách của Thủ tướng Ấn độ Narendra Modi là rất coi trọng hội nhập với thế giới, năm nào cũng xúc tiến đầu tư với Mỹ và EU 2 - 3 lần.

Trong ASEAN, đối thủ cạnh tranh của Việt Nam là Indonesia, vì có dân số và GDP gấp 3 lần Việt Nam. Tổng thống Indonesia cũng coi trọng đầu tư nước ngoài và nước này có quan hệ tốt, nhận nhiều đầu tư từ EU và Mỹ. Nhân chuyện doanh nghiệp rời Trung Quốc, Indonesia đã công bố nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư FDI.

Nói những điều trên để thấy, nếu Việt Nam không tìm cách vượt qua thách thức thì không thể tận dụng cơ hội. Ngoài ra, còn có các thách thức trong nước khi chúng ta chuyển sang thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới nhưng thể chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn chỉnh, thực thi thể chế chưa nghiêm, các ưu đãi chưa chuyển biến sang ưu đãi mà các tập đoàn lớn cần... thì rất khó thu hút đại bàng về xây tổ, giữ chân các tập đoàn lớn, công nghệ cao.

Cùng với những thách thức trên là yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, gần đây, dù được đánh giá tốt nhưng vẫn còn khó khăn ở một số khu vực, chính sách nhập cảnh với chuyên gia nước ngoài cũng rất hạn chế.

Tiếp theo là về công nghệ. Việt Nam coi trọng công nghệ, có thành tựu lớn về nghiên cứu phát triển và thành lập trung tâm phát triển, trong đó có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước như Hòa Phát, Sungroup, Vingroup nhưng công nghệ vẫn chưa đủ để đáp ứng chuyển sang kinh tế số.

Cuối cùng là thủ tục hành chính rườm rà, còn nhiều loại hình giấy phép con, tình trạng sách nhiễu của bộ máy nhà nước làm giảm niềm tin đầu tư vào Việt Nam; hạ tầng của Việt Nam đã phát triển khá hiện đại, nhưng chưa có đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, đường thủy chưa phát triển, cảng biển chưa thành hệ thống logistics, và đặc biệt là công nghệ số đòi hỏi dịch vụ số, dữ liệu mở, Big data, chính sách để toàn dân và doanh nghiệp tham gia bồi đắp sử dụng dịch vụ số... còn yếu.