Lá lốt là loại cây thuộc họ Hồ tiêu, lá có hình tim trông khá giống với lá trầu không, gân lá hình mạng lưới chân vịt. Rễ của cây lá lốt thuộc loại rễ phụ, xuất phát từ các mắt của thân ở sát mặt đất và các mắt của thân bò. Lá lốt là loại rau gia vị rất quen thuộc, thường được sử dụng cùng nhiều món ăn phổ biến trong các gia đình.
Lá lốt rất dễ kiếm, có thể mua ngoài chợ, khoảng 10.000 đồng là được mớ lá lốt to. Hoặc bạn cũng có thể trồng trong góc vườn nhà, trồng lá lốt trong thùng xốp, chậu cây đặt ban công. Điều đặc biệt, lá lốt là rau gia vị nhưng cũng là một loại thảo dược quý, có tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe con người.
Lá lốt là cây ưa ẩm, dù sống dưới bóng các tán cây trong vườn vẫn có thể phát triển xanh tốt. Vì thế, ở nông thôn, hầu như gia đình nào cũng trồng vài khóm lá lốt trong góc vườn, trồng gần bờ tường, trồng quanh sân giếng, bờ ao,... Chỉ cần có hom là có thể trồng được lá lốt rồi.
Đối với những người nội trợ, lá lốt chính là loại lá không thể thiếu trong các món ăn hấp dẫn, như măng xào lá lốt; bò nướng cuốn lá lốt; thịt lợn cuốn lá lốt chiên; mít non xào lá lốt thịt ba chỉ; chả ốc lá lốt; hến xào lá lốt; canh lá lốt thịt viên; gà rang lá lốt...
Các món om như cà bung, ốc chuối đậu, lươn om nếu mà thiếu hương vị của lá lốt thì ăn mất cả ngon.
Đặc biệt, lá lốt có tác dụng khử hàn, nên rất hợp với các món hải sản như mực hấp lá lốt; nghêu xào lá lốt..., ăn vào sẽ không sợ bị lạnh bụng.
Theo Đông y, công dụng của cây lá lốt là Ôn trung (làm ấm bụng), Tán hàn (trừ lạnh), Hạ khí (đưa khí đi xuống), Chỉ thống (giảm đau), Yêu cước thống (đau lưng, đau chân), Tỵ uyên (mũi chảy nước tanh thối kéo dài), trị nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu...
Do đó, lá lốt được dùng để điều trị các chứng phong, hàn, thấp và tê bại chân tay. Lá lốt còn chuyên điều trị các chứng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đầy hơi, nôn mửa, bệnh thận, chữa đau nhức xương khớp, đau đầu, đau răng và chảy mồ hôi.
Trong dân gian, người dân thường dùng lá lốt đơn lẻ hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác như rễ cỏ xước, lá xương sông, rễ bưởi bung... để sắc lấy nước uống hoặc ngâm tay chân nhằm chữa các chứng đau nhức xương khớp, chứng ra nhiều mồ hôi tay, chân, đau vùng ngực và bụng do lạnh, mụn nhọt, đau đầu, đau răng...
Có rất nhiều bài thuốc có thể sử dụng để tận dụng hết tất cả các bộ phận của lá lốt, chẳng hạn như:
Lá lốt chữa đau bụng:
Công dụng của cây lá lốt giúp cải thiện tình trạng đau bụng, bạn có thể lấy khoảng 20g lá lốt tươi và rửa thật sạch, sau đó cho vào nồi nấu với 300ml nước cho đến khi còn 100ml thì tắt bếp. Chia ra 2 phần và dùng hết trong ngày.
Lá lốt chữa bệnh tổ đỉa:
Để chữa bệnh tổ đỉa ở bàn tay, bạn có thể thực hiện bài thuốc từ cây lá lốt như sau: Lấy khoảng 30g lá lốt đem đi rửa sạch. Giã nát phần lá vừa chuẩn bị rồi vắt lấy nước cốt uống hết trong ngày. Đối với phần bã thì cho khoảng 3 chén nước vào rồi nấu sôi lên, sau đó lấy nước lá lốt ngâm rửa vùng da bị tổ đỉa trong khi bã thì đắp lên chỗ vết thương. Thực hiện 2 lần mỗi ngày, sau khoảng thời gian 1 tuần sẽ thấy cải thiện triệu chứng.
Lá lốt trị đau nhức xương khớp khi trời lạnh:
Lấy khoảng 30g lá lốt tươi đem nấu cùng với 2 bát nước cho đến khi còn nửa bát thì tắt bếp. Dùng để uống sau bữa tối. Duy trì liên tục, đều đặn trong khoảng 10 lần để thuyên giảm các dấu hiệu.
Lá lốt chữa sưng đau ở đầu gối:
Chuẩn bị 20g lá lốt và 20g ngải cứu, đem rửa thật sạch các nguyên liệu đã chuẩn bị rồi giã nát. Tiếp tục chưng trên bếp với giấm rồi đắp lên vùng đầu gối bị sưng đau. Áp dụng 10 ngày liên tục để cải thiện tình trạng bệnh.
Lá lốt điều trị ra mồ hôi chân, tay nhiều: Điều trị ra mồ hôi chân, tay nhiều là một trong những câu trả lời cho câu hỏi: Ăn lá lốt có tác dụng gì?
Đem 30g lá lốt thái nhỏ rồi đem sao vàng hạ thổ, sau đó cho vào nồi sắc cùng với 3 bát nước cho đến khi còn 1 bát thì tắt bếp. Chia ra uống hết trong 2 lần, duy trì dùng liên tục và đều đặn 1 tuần rồi nghỉ khoảng 4 ngày và tiếp tục với chu kì 1 tuần tiếp theo.
Lá lốt chữa bệnh gút (gout):
Chữa bệnh gout bằng lá lốt là cách được lưu truyền trong dân gian từ lâu. Các nghiên cứu dược lý hiện đại cũng tìm thấy một số thành phần hoạt chất trong lá lốt có dược tính rất tốt. Nhất là flavonoid và alcaloid có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, làm giảm viêm và ức chế truyền phát tín hiệu đau từ khớp lên não bộ, từ đó làm giảm các triệu chứng bệnh gout.
Hơn nữa, lá lốt khi được dùng theo đường ăn uống còn đem lại rất nhiều lợi ích khác. Điển hình như lợi tiểu, tiêu độc và tốt cho quá trình tiêu hóa. Nhờ đó mà có thể làm giảm một lượng đáng kể acid uric dư thừa trong máu. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng với việc kiểm soát tiến triển của bệnh gout.
Cách chữa bệnh gout bằng lá lốt được áp dụng phổ biến như sau:
Thay vì nấu nước để ngâm chân thì người bệnh có thể dùng lá lốt tươi giã nát để đắp trực tiếp lên khớp tổn thương. Cách này phù hợp với việc bệnh ảnh hưởng đến nhiều vị trí khác nhau. Việc đắp thảo dược có thể giúp làm dịu cơn đau và giúp người bệnh thoải mái hơn.
Việc ngâm chân trong nước sắc lá lốt có thể giúp cải thiện triệu chứng. Ngoài tác dụng giảm đau thì còn giúp tăng tuần hoàn máu để thúc đẩy sửa chữa các tổn thương trong khớp. Ngoài ra, người bệnh còn có thể kết hợp lá lốt với muối biển, lá trầu không để ngâm chân, giảm các triệu chứng của bệnh gout.
Chữa bệnh gout bằng lá lốt ngâm rượu
Rượu là nguyên liệu có thể kết hợp cùng lá lốt để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh gout tại nhà. Rượu có đặc tính sát trùng mạnh, đồng thời còn làm giảm sưng đau, chống viêm nhiễm tại khớp. Hơn nữa nguyên liệu này còn đóng vai trò như một chất dung môi giúp các hoạt chất trong lá lốt thẩm thấu nhanh hơn vào trong khớp. Cách này còn giúp giảm đau trong các trường hợp bị thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, đau lưng…