Sống sót trong trận chiến lịch sử Gạc Ma - Trường Sa và trở về sau gần 4 năm bị giam tại nhà tù Trung Quốc, cựu chiến binh Lê Minh Thoa vẫn nhớ như in trận hải chiến đẫm máu năm ấy đã cướp đi mạng sống của 64 đồng đội.
Anh là 1 trong 9 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam may mắn còn sống sót trong trận chiến Gạc Ma - Trường Sa (14/3/1988), quay về với cuộc sống đời thường, mở quán phở mang tên Gạc Ma - Trường Sa để mưu sinh cùng cha mẹ và vợ con.
Quán phở Gạc Ma - Trường Sa nằm nép mình nơi con phố Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, ngày ngày anh Thoa vẫn đều đặn bưng bê từng tô phở cho khách.
Tại quán phở Gạc Ma - Trường Sa luôn nườm nượp khách ghé thăm. Trong dòng người ấy vẫn có những đồng đội cũ từ các tỉnh lân cận về đây thăm anh Thoa và thưởng thức món phở Gạc Ma, do chính tay anh nấu.
Nói về những dòng chữ Gạc Ma - Trường Sa, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam in trên bảng hiệu của quán, anh Thoa bảo, đấy là những ký ức, hoài niệm về đồng đội, cuộc chiến Gạc Ma - Trường Sa.
"Tên quán Gạc Ma - Trường Sa chất chứa bao kỷ niệm trong tôi về những đồng đội đã hy sinh để bảo vệ quần đảo, những điều này tôi luôn khắc trong tim. Điều vui nhất là những đồng đội tôi còn sống vẫn hay giữ liên lạc, có điều kiện thì ghé ăn phở rồi ôn lại chuyện cũ ở Gạc Ma", anh Thoa nói.
Ngôi nhà nhỏ ở số 5D Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn, nơi cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa cùng gia đình sinh sống được gia đình bài trí rất đơn giản để dành chỗ để bàn ghế bán phở. Ngôi nhà nhỏ nay là quán phở với cái tên rất đặc biệt, phở Gạc Ma - Trường Sa.
Bên trong quán phở, những bức hình lưu niệm về cột mốc chủ quyền, người lính hải quân, bằng khen. Tấm hình anh chụp chung cùng những đồng đội trở về sau trận chiến lịch sử Gạc Ma được treo ở vị trí trang trọng.
Với anh Lê Minh Thoa, đó không đơn giản chỉ là kỷ niệm mà còn là những ký ức vô giá, nhắc anh nhớ về những người đồng đội đã mãi mãi ra đi không trở về.
Bà Trần Thị Mười (76 tuổi), mẹ anh Thoa nhớ lại, trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, ở quê nhà gia đình nghe tin tàu của con tôi đã bị Trung Quốc bắn chìm, các chiến sĩ bị chết, gia đình đau xót. Gia đình nhận giấy báo tử nên đã lập bàn thờ Thoa. "Thế mà gần 4 năm sau, Thoa còn sống quay trở về. Đó là điều kỳ diệu lớn nhất của gia đình tôi", bà Mười nghẹn ngào nhớ lại.
Suốt 35 năm qua, người cựu chiến binh vẫn chưa thôi đau đáu về những tháng ngày lịch sử.
"Làm sao có thể quên được, tôi hằng đêm vẫn mơ thấy những đồng đội tôi chiến đấu kiên cường đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ đảo Gạc Ma", anh Thoa bộc bạch.
Đã 35 năm trôi qua nhưng nỗi nhớ đồng đội không bao giờ nguôi trong lòng người cựu binh. Điều quý giá nhất với ông là còn được gặp đồng đội đã sinh tử có nhau, thắp nén hương thơm tưởng nhớ 64 người đã hy sinh.
Ông và đồng đội vẫn luôn giữ liên lạc, thăm hỏi, động viên nhau trong cuộc sống. "Chúng tôi luôn dặn dò động viên nhau phải luôn mỉm cười, sống kiên cường, sống sao để không phải hổ thẹn với đồng đội đã mất", ông Thoa bồi hồi.
Những ngày này, như mọi năm, ông Thoa nôn nao thu xếp công việc để vào Cam Ranh (Khánh Hòa) để dự lễ tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, tổ chức ngày 14/3 hàng năm.
"Tên quán Gạc Ma - Trường Sa nhắc nhở tôi phải sống kiên cường, để không hổ thẹn với những đồng đội đã ngã xuống. Và tôi muốn các thế hệ mai sau không bao giờ quên ngày 14/3/1988, không bao giờ quên những người đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc", ông Thoa tâm sự.