Dân Việt

UAV MQ-9 'Reaper' của Mỹ vừa bị rơi trên Biển Đen so với UAV 'Orion' của Nga có gì đặc biệt?

Lê Phương (Newsweek) 15/03/2023 14:01 GMT+7
Hôm 14/3, một máy bay không người lái (UAV) của Mỹ đã bị máy bay Nga bắn rơi trên vùng biển quốc tế. Chiếc máy bay này được coi là một trong những máy bay không người lái chiến đấu tiên tiến nhất trên thế giới.

Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ (EUCOM) cho biết hai máy bay chiến đấu Su-27 của Nga đã "tiến hành đánh chặn không an toàn và thiếu chuyên nghiệp" một máy bay không người lái MQ-9 "Reaper" của Washington, khiến nó rơi xuống Biển Đen.

Một trong những đối trọng của Nga với máy bay Reaper, "Orion", được xem là có sức mạnh tương đương và đã trở nên phổ biến hơn trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, bắt đầu vào ngày 24/2/2022. Lực lượng Vũ trang Ukraine tuyên bố đã bắn hạ 4 chiếc Orion trong năm chiến sự đầu tiên.

Tuy nhiên, theo Samuel Bendett, nhà phân tích Nga của Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ, UAV của Moscow không đáng sợ bằng của Washington.

Ông Bendett nói với Newsweek rằng Reaper "tốt hơn nhiều so với Orion vì chúng đã được sử dụng trong nhiều năm và được kiểm chứng trong thực chiến".

Trước khi Reaper bị bắn rơi, những chiếc Su-27 được cho là đã bay phía trước nó "một cách liều lĩnh, không thân thiện và không chuyên nghiệp".

"Máy bay MQ-9 của chúng tôi đang thực hiện các hoạt động thường lệ trong không phận quốc tế thì bị một máy bay Nga chặn và đâm trúng, khiến chiếc MQ-9 gặp nạn và mất tích hoàn toàn", Tướng Không quân Mỹ James B. Hecker cho biết. "Trên thực tế, hành động không an toàn và thiếu chuyên nghiệp này của người Nga đã suýt khiến cả hai máy bay gặp nạn".

MQ-9 Reaper

Máy bay không người lái MQ-9 'Reaper' của Mỹ so với UAV 'Orion' của Nga có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Máy bay điều khiển từ xa MQ-9 Reaper (RPA) của Mỹ. Ảnh: Getty

MQ-9 Reaper, còn được gọi là Predator B, là máy bay được điều khiển từ xa do General Atomics Aeronautical Systems (GA-ASI) phát triển và bay lần đầu tiên vào năm 2001. Máy bay bao gồm phi hành đoàn hai người: một phi công và một người điều khiển cảm biến.

Được Không quân Mỹ và Hoàng gia Anh đặt tên là "Reaper", chiếc máy bay được General Atomics mô tả là "một bước tiến hóa vượt bậc về hiệu suất tổng thể và độ tin cậy" so với người tiền nhiệm của nó, Predator.

Reaper có thể đạt tốc độ 240 KTAS, hoặc khoảng 276 dặm/giờ. Máy bay cũng có thể hoạt động trong không trung tới 27 giờ ở độ cao lên tới hơn 15.000m, khả năng tải trọng 1.746kg.

GA-ASI cho biết: "Máy bay mang trọng tải lớn hơn 500% và có mã lực gấp 9 lần, mang lại khả năng giám sát/tấn công bền bỉ, lâu dài cho máy bay chiến đấu".

Tướng Không quân đã nghỉ hưu T. Michael Moseley vào năm 2006 đã gọi Reaper là "máy bay không người lái sát thủ đầu tiên" của Lực lượng Không quân, do kích thước và sức mạnh lớn hơn so với mẫu MQ-1 Predator cũ hơn.

"Reaper đại diện cho một sự phát triển đáng kể trong công nghệ UAV", ông Moseley cho biết vào thời điểm đó. "Chúng tôi đã chuyển từ việc sử dụng UAV chủ yếu trong vai trò tình báo, giám sát và trinh sát trước Chiến dịch Tự do Iraq, sang vai trò sát thủ thực sự với Reaper".

Lực lượng Không quân Mỹ cho biết họ sử dụng Reaper chủ yếu "như một phương tiện thu thập thông tin tình báo và chống lại các mục tiêu" vì các cảm biến phạm vi rộng và vũ khí chính xác của máy bay "cung cấp khả năng độc đáo để thực hiện tấn công, phối hợp và trinh sát chống lại các mục tiêu tầm cao". 

Các nhiệm vụ khác bao gồm tình báo, giám sát và trinh sát, hỗ trợ trên không, tìm kiếm và cứu nạn chiến đấu, tấn công chính xác, theo dõi đoàn xe và đột kích, dọn đường,...

UAV 'Orion' của Nga

Máy bay không người lái MQ-9 'Reaper' của Mỹ so với UAV 'Orion' của Nga có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

Máy bay Orion của Nga. Ảnh: The Defense Post

UAV Orion, còn được gọi là Inokhodets, được phát triển bởi công ty Kronstadt cho Lực lượng Không quân, Hải quân và Lực lượng Đặc biệt của Nga.

Theo hãng thông tấn Nga Interfax, đây là máy bay không người lái hạng MALE (Độ bền trung bình dài) đầu tiên được phát triển hoàn toàn ở Nga và được chế tạo từ các bộ phận trong nước.

Trọng lượng cất cánh tối đa của nó là 1.150kg. Máy bay có thể ở trên không trong tối đa 24 giờ, bay với tốc độ khoảng 124 dặm/giờ với độ cao tối đa là 7.500m.

Vào tháng 12/2021, trong một cuộc tập trận tại thao trường Crimean, máy bay không người lái trinh sát và tấn công đã bắn vào một phương tiện không người lái cánh quay đang lơ lửng, "mô phỏng một mục tiêu trên không" và phá hủy nó, theo The Defense Post.

Vào tháng 8 /2021, các thành viên của Bộ Quốc phòng Nga đã gặp gỡ các quan chức Kronstadt để thông báo chính thức về thế hệ máy bay không người lái và máy bay trực thăng không người lái thế hệ mới.

Cơ quan truyền thông nhà nước Nga TASS sau đó đưa tin rằng một trong những mẫu mới hơn được công bố là Inokhodets-RU, phiên bản tiếp theo của Orion. Máy bay được trang bị hai động cơ, có trọng lượng cất cánh lớn và có thể mang trọng tải lớn hơn so với thế hệ tiền nhiệm. Các hệ thống mới nhất dự kiến sẽ được chuyển giao cho quân đội Nga trong năm nay.