Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) có mối quan hệ với hơn 1.500 công ty đang nghiên cứu các công nghệ nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Vì thế, khi hậu quả của sự sụp đổ của SVB tiếp tục lan rộng, rõ ràng là một số thương vong tồi tệ nhất là nằm ở các công ty đang phát triển các giải pháp cho cuộc khủng hoảng chống biến khí hậu.
Cụ thể Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng phá sản lớn nhất kể từ năm 2008, đã làm việc với hơn 1.550 công ty công nghệ đang tạo ra các dự án lưu trữ năng lượng mặt trời, hydro và pin để chống biến đổi khí hậu. Theo trang web của mình, ngân hàng SVB đã cho họ vay hàng tỷ đô la, đi kèm với các tài sản thế chấp lớn.
Kiran Bhatraju, giám đốc điều hành của Arcadia, nhà quản lý cộng đồng năng lượng mặt trời lớn nhất nước Mỹ cho biết: “Silicon Valley Bank theo nhiều cách hiểu thì đây cũng là một ngân hàng đầu tư vào công nghệ khí hậu. Và một khi bạn có phần lớn giao dịch ngân hàng trên thị trường chỉ thông qua một tổ chức như vậy, sẽ có rất nhiều thiệt hại về tài sản thế chấp”.
Các dự án năng lượng mặt trời cộng đồng dường như bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi trước đây, SVB cho biết họ đã dẫn đầu hoặc tham gia vào 62% giao dịch cấp vốn cho các dự án năng lượng mặt trời cộng đồng, vốn là những dự án năng lượng mặt trời quy mô nhỏ hơn thường phục vụ các khu dân cư có thu nhập thấp.
Sự sụp đổ mới nhất xảy ra vào thời điểm quan trọng đối với một ngành công nghiệp non trẻ vốn là trung tâm của nỗ lực cắt giảm khí nhà kính đang làm nóng hành tinh một cách nguy hiểm. Chính phủ liên bang Mỹ phụ thuộc vào các công ty công nghệ khí hậu để phát triển những đổi mới cần thiết và đã hứa giảm thuế hàng tỷ đô la để giúp họ phát triển và trưởng thành.
Daniel Firger, người sáng lập Great Circle Capital Advisors, chuyên tư vấn về các vấn đề tài chính bền vững, cho biết: “Nếu đà tài trợ cho công nghệ đổi mới khí hậu ở giai đoạn đầu dừng lại trong những năm quan trọng này, thì đó sẽ là một vấn đề lớn”.
Điều này đồng nghĩa, nhiều nguy cơ sự sụp đổ của SVB có nguy cơ làm chệch hướng lĩnh vực từng là một phần phát triển nhanh và mạnh của lĩnh vực quan tâm của các nhà đầu tư mạo hiểm. Theo HolonIQ, một nhà cung cấp dữ liệu, hơn 28 tỷ đô la đã được đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu vào năm ngoái, tăng mạnh so với năm trước đó.
Sarah Sclarsic, đối tác quản lý tại Voyager, một công ty đầu tư mạo hiểm với các khoản đầu tư vào các công ty công nghệ khí hậu, cho biết: “Công nghệ khí hậu là một trong số ít điểm sáng trong thời kỳ suy thoái công nghệ nói chung”.
Còn Gabriel Kra, giám đốc điều hành của Prelude Ventures, một công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào công nghệ khí hậu với 1,5 tỷ USD đang được quản lý chặt chẽ, đã dành cả cuối tuần qua để điều phối giúp các công ty trong danh mục đầu tư của mình có tiền để tạm thời đáp ứng nhu cầu tiền mặt tức thời của họ.
Ông nói: “Trong ngắn hạn, có những công ty có nguy cơ không trả được lương. Chúng tôi đang cố gắng cung cấp thanh khoản đó cho các công ty đó trong vài ngày tới”.
Peter Reinhardt, giám đốc điều hành của Charm Industrial, một công ty phát triển công nghệ loại bỏ carbon đã hoạt động được 5 năm, cho biết ông đã rút vài triệu đô la tiền gửi từ ngân hàng SVB vào tuần trước trước khi sự cố khủng hoảng thanh khoản xảy ra.
Ông Reinhardt, người có công ty sử dụng thực vật để hấp thụ carbon dioxide, sau đó hóa lỏng và lưu trữ dưới lòng đất cho biết: “Chúng tôi đã rút hầu hết số tiền mặt của mình trước khi sự cố xảy ra. Khi rõ ràng là mọi người cùng nhau rút tiền của họ, tâm lý buộc bạn phải chạy theo để làm điều đó”.
Những công ty khác thì kém may mắn hơn. Ethan Cohen-Cole, giám đốc điều hành của Capture6, cho biết công ty của ông có khoảng 4 triệu đô la tiền gửi trong các tài khoản thị trường tiền tệ do SVB quản lý. Công ty này có trụ sở tại Berkeley, California, vốn chuyên chế tạo các thiết bị loại bỏ carbon khỏi khí quyển.
Ông Cohen-Cole cho biết ông dự kiến sẽ trả lương hàng tháng cho khoảng 20 nhân viên của mình, nhờ khoản bảo hiểm 250.000 đô la do Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang cung cấp.
Nhưng ngay cả khi bày tỏ sự tin tưởng rằng Capture6 cuối cùng sẽ thu hồi được phần lớn số tiền của mình, ông Cohen-Cole vẫn lo lắng rằng viễn cảnh chậm trễ trong việc tiếp cận phần tiền còn lại của công ty ông, hoặc thậm chí là mối đe dọa về một số khoản lỗ không thể thu hồi, có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ của công ty với một số nhân viên, nhà cung cấp và cả các đối tác.
Anh ấy nói: “Nếu tiền của bạn bị ràng buộc trong khủng hoảng hay bất kỳ sự cố nào, thì khả năng đó có thể khiến các đối tác sợ hãi. Tiếp xúc với điều này dẫn đến rủi ro thương mại”.
Đối với nhiều công ty, chính sự không chắc chắn về khả năng thực hiện các khoản đầu tư đáng kể trong vài tháng tới là mối quan tâm lớn nhất.
Ông Kra nói: “Chúng tôi không biết liệu mình có nên tiếp tục xây dựng phòng thí nghiệm của mình hay đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, hay cần phân chia số tiền còn lại cho vài tháng tới. Cũng không loại trừ khả năng các nhà cung cấp hoặc đối tác sẽ nhìn chúng tôi với tâm thế ngờ vực, hay mọi thứ có thể sẽ bị trì hoãn hoặc tốn kém hơn”.
Nhiều công ty đang mở rộng quy mô hoạt động của họ hiện đã sẵn sàng tận dụng các khoản tín dụng thuế có trong Đạo luật Giảm lạm phát, luật khí hậu liên bang do Tổng thống Biden ký vào năm ngoái.
Dimitry Gershenson, giám đốc điều hành của Enduring Planet, một công ty cho vay nhỏ đối với các công ty khí hậu, cho biết ông đang làm việc với các nhà đầu tư khác để tạo ra một quỹ cung cấp vốn ngắn hạn cho các công ty bị ảnh hưởng sau sự cố của SVB. Ông cho biết, chỉ trong 24 giờ, nhóm đã nhận được gần 100 đơn xin trợ giúp, đại diện cho hơn 500 triệu đô la tài sản có nguy cơ gặp rủi ro.
Anh ấy nói: “Có những dấu hiệu cho thấy, khi mọi chuyện lắng xuống, ngành công nghệ khí hậu sẽ có một người cho vay mới được lựa chọn tiềm năng hơn. Tôi đã nhận được cuộc gọi từ một số ngân hàng hỏi rằng: Chúng tôi có thể lấp đầy khoảng trống này không?”, Dimitry Gershenson nói thêm.