Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 7/3 vừa qua, thay mặt cán bộ, hội viên nông dân tỉnh Ninh Bình, ông Hoàng Ngọc Chinh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã góp ý với 2 nội dung cụ thể.
Thứ nhất: Quần thể Danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới từ năm 2014, trở thành Di sản hỗn hợp đầu tiên ở Việt Nam. Đó là niềm vinh dự tự hào của địa phương đồng thời cũng là trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị Di sản một cách bền vững.
Vùng lõi của Di sản có diện tích 6.200 ha nằm trên địa bàn 5 xã huyện Hoa Lư. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi phát triển các dịch vụ du lịch, từ đó nâng cao đời sống nông dân, một thực tế là người dân sống trong khu vực vùng lõi di sản gặp khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Bởi khi con cái trưởng thành, lập gia đình, tách hộ thì có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất ao vườn gắn liền với đất thổ cư sang đất ở.
"Trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại Điều 202 đã quy định về Đất có di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên. Tuy nhiên để phù hợp với thực tế, đề nghị cần quy định chi tiết cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích vườn ao, vùng thửa ở tại các khu vực làng xóm hiện hữu trong vùng lõi Di sản để đảm bảo gìn giữ văn hoá làng, xã truyền thống kết hợp hài hoà với việc bảo tồn Di sản, tạo điều kiện cho nhân dân có nhu cầu đất ở ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống" - ông Hoàng Ngọc Chinh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình nêu ý kiến.
Thứ 2: Điều 166. Đất sử dụng có thời hạn
Tại khoản 5 quy định: "Thời hạn cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn là không quá 05 năm". Thực tế áp dụng đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích đất công ích (hay còn gọi là đất 5%) nếu chưa sử dụng vào các mục đích quy định tại khoản 2 Điều 173 dự thảo Luật thì UBND cấp xã cho cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để cho thuê.
Thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 5 năm. Và khi thu hồi thì không được bồi thường về đất, chỉ được bồi thường về chi phí đầu tư vào đất còn lại, như: chi phí san lấp mặt bằng; cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp; chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh…
Như vậy với quy định thời gian cho thuê ngắn (5 năm) cùng với việc bồi thường chi phí đầu tư chưa tương xứng đã hạn chế sự đầu tư của người có nhu cầu sử dụng (vì chưa kịp thu lợi thì đã hết thời gian thuê đất gây lãng phí nguồn đất công).
Phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ông ông Hoàng Ngọc Chinh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đề nghị xem xét tăng thời gian cho thuê quỹ đất công ích lên 10 năm (hoặc xem xét thời gian cho thuê trong hợp đồng giao khoán căn cứ vào mục đích sử dụng đất của bên được giao khoán). Trong trường hợp xem xét mục đích sử dụng khi cho thuê đất cần định khung thời gian đối với các nhóm ngành nghề đầu tư, kinh doanh.