Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, cán bộ, hội viên, nông dân Hà Tĩnh kiến nghị làm tốt việc dạy nghề, tạo việc làm

Đức Thịnh Thứ ba, ngày 14/03/2023 17:01 PM (GMT+7)
Liên quan đến vấn đề thu hồi, bồi thường đất và bố trí tái định cư, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đề nghị dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần thể chế hóa các quy định, các tiêu chí "tốt hơn nơi ở cũ". Cùng với đó là thực hiện đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân có đất bị thu hồi.
Bình luận 0

Phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân

Bà Nguyễn Thị Mai Thuỷ – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Ngay sau khi có văn bản của Trung ương, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo Ban Thường vụ Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai lấy ý kiến góp ý rộng rãi của cán bộ, hội viên nông dân và các tầng lớp nhân dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) (16 chương, 236 điều). Trong đó tập trung lấy ý kiến của cán bộ, hội viên nông dân về 9 nhóm vấn đề trọng tâm cần lấy ý kiến.

Các cấp Hội Nông dân Hà Tĩnh đã tập trung tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, hội viên nông dân thông qua tổ chức các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt chi hội, chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp; trên trang thông tin điện tử của Hội và các báo, đài của Trung ương và địa phương; trên các trang mạng xã hội facecboock, zalo…

Hội viên nông dân Hà Tĩnh đóng góp hơn 4.300 ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Mai Thuỷ – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Cán bộ, hội viên nông dân Hà Tĩnh đã đóng góp trên 4.500 ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ảnh: P.V

Đồng thời gửi văn bản xin ý kiến của các đồng chí Ủy viên BCH Hội Nông dân tỉnh, các đồng chí nguyên lãnh đạo Hội qua các thời kỳ; các ngành liên quan; yêu cầu cán bộ cơ quan Hội tập trung nghiên cứu sâu dự thảo Luật để tham gia góp ý.

Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức 1 cuộc Hội nghị cấp tỉnh lấy ý kiến góp ý Luật đất đai sửa đổi. Đến thời điểm này đã có 9 ý kiến phát biểu góp ý trực tiếp và 25 ý kiến gửi bằng văn bản tại hội nghị cấp tỉnh. 8/13 đơn vị tổ chức hội nghị lấy ý kiến cấp huyện, với trên 200 ý kiến của cán bộ Hội cấp huyện và cơ sở; có trên 4.300 ý kiến góp ý của hội viên nông dân.

Các ý kiến đều đồng tình với dự thảo luật và khẳng định dự thảo luật lần này rất công phu, đầy đủ, chi tiết, sâu sắc, sát thực tiễn, có khả năng khắc phục được những hạn chế của Luật đất đai 2013.

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đã tổng hợp ý kiến góp ý gửi Trung ương Hội và các ban ngành liên quan ở tỉnh Hà Tĩnh.

Hội viên nông dân Hà Tĩnh đóng góp hơn 4.300 ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi - Ảnh 2.

Ngày 7/3 vừa qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân

Phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 7/3 vừa qua, thay mặt cán bộ, hội viên nông dân tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh nêu ý kiến, cụ thể:

"Điều 20: Vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và sử dụng đất đai

Tại khoản 2 có 5 điểm (a,b,c,d,đ) thì chỉ ghi vai trò, trách nhiệm của MTTQ các cấp mà không nói đến các tổ chức thành viên, đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội trong đó có tổ chức Hôi Nông dân.

Đề nghị sửa đổi bổ sung: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội…".

Điều 89: Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất

Tại khoản 2, Đề nghị quy định rõ tái định cư phải hoàn thành trong thời gian bao nhiêu trước khi tiến hành thu hồi đất, hoặc phải ghi theo điều mấy của luật này….Tương tự tại điều 106 về lập và thực hiện dự án tái định cư…..cũng không nêu rõ quy định thời gian cụ thể…

Mặt khác Tại Khoản 2 Điều 89 quy định: Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đây là một việc làm có tính nhân văn của Đảng và Nhà nước ta, luật trước cũng đã quy định như vậy nhưng trong thực tế có những dự án chưa đáp ứng được kể cả tái định cư, việc làm cho người lao động, hỗ trợ cho người quá tuổi lao động, tạo bức xúc cho nhân dân. Vì vậy đề nghị lần này luật quy định cụ thể hơn và trách nhiệm của các cấp khi không thực hiện được điều này.

Góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân có đất bị thu hồi

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh nêu ý kiến về Điều 128. Sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất

"Về thỏa thuận quyền sử dụng đất để sử dụng các dự án nếu không thỏa thuận được thì sao? Luật cần quy định cụ thể hơn.

Hội viên nông dân Hà Tĩnh đóng góp hơn 4.300 ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi - Ảnh 4.

Theo ý kiến lãnh đạo Hội Nông dân Hà Tĩnh, HTX sản xuất nông nghiệp cần tích tụ ruộng đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Trong ảnh: Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thăm mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng của HTX rau củ quả và dịch vụ tổng hợp Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh.

Ví dụ: HTX sản xuất nông nghiệp cần tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao mà một số hộ không chịu thỏa thuận không chịu góp đất, không cho thuê đất gây ảnh hưởng hợp tác xã không thực hiện được dự án thì có biện pháp gì, chính quyền có thể cưỡng chế được không. Nhiều hợp tác xã hiện nay đang bế tắc trong vấn đề này"- bà Nguyễn Thị Mai Thuỷ cho biết.

Tại khoản 1 Điều 176. Đất trồng lúa, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đề nghị sửa đổi bổ sung: Đất trồng lúa gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại. Đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên.

"Vì đất trồng lúa 1 vụ trở lên cũng nên quy vào là đất trồng lúa để hạn chế việc chuyển đất trồng lúa sang mục đích khác. Khi có điều kiện có thể cải tạo để trồng 2 vụ lúa hoặc 1 vụ cá, 1 vụ lúa.

Mặt khác cần bổ sung thêm nội dung quy định xử lý việc người được giao đất trồng lúa nhưng bỏ hoang, không sử dụng trong khoảng thời gian nhất định"- bà Thuỷ nói.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh: Hiện đất đai là nguồn tài nguyên quý giá, là nguồn lực vô cùng to lớn để phát triển đất nước nhưng không phải là vô tận. Vì vậy đề nghị tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng đất đai.

Liên quan đến vấn đề thu hồi, bồi thường đất và bố trí tái định cư, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đề nghị dự thảo luật lần này cần thể chế hóa các quy định, các tiêu chí "tốt hơn nơi ở cũ" trong vấn đề bố trí tái định cư như diện tích nhà ở tối thiểu/người… Cùng với đó là thực hiện đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống lâu dài cho người có đất bị thu hồi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem