Cuộc chiến này đã không mang lại lợi ích cho bất cứ ai ở hiện tại hoặc tương lai. Không ai thắng cuộc chiến này và chiến tranh không phải là giải pháp cho những mâu thuẫn, xung đột, Eurasiareview bình luận.
Vì vậy, tốt hơn hết là các bên ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết vấn đề và thiết lập hòa bình. Để làm được điều đó, tất cả các bên bao gồm Liên Hợp Quốc, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Ukraine nên tích cực tham gia. Nhưng trước hết, cả hai nước trực tiếp tham chiến đều phải chủ động. Những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới không muốn chiến tranh. Tất cả họ đều muốn sống với nhau trong hòa bình.
Nga và Ukraine là hai quốc gia láng giềng. Ukraine từng là một phần của Liên Xô cũ. Cả hai quốc gia đều có diện tích rất lớn. Hai nước có chung đường biên giới dài 2.295 km. Nga đã chiếm đóng một số khu vực của Ukraine, ước tính vào khoảng 1/5 diện tích nước này.
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã khiến nhiều thành phố ở Ukraine đã bị biến thành đống đổ nát. Khoảng 1 triệu người Ukraine phải sống tị nạn ở các quốc gia khác. Các chiến dịch phản công của Ukraine cũng đã gây thương vong cho phía Nga. Nhiều binh lính và người dân Nga đã thiệt mạng trong cuộc chiến.
Thế giới phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đang hỗ trợ về chính trị, kinh tế và quân sự cho Ukraine. Như mọi cuộc chiến, thế giới lại một lần nữa bị chia thành hai phe.
Mỹ và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với Nga. Mặt khác, các quốc gia ủng hộ Nga đã đưa ra quan điểm chống lại nỗ lực phong tỏa này của Mỹ. Kết quả là ngoài sự chia rẽ về chính trị, thế giới còn bị chia rẽ về kinh tế do cuộc chiến này. Hậu quả là, giá cả của nhiều loại hàng hóa trên khắp thế giới đã tăng lên rất nhiều, chi phí sinh hoạt cũng tăng vọt trên toàn cầu.
Một cuộc khủng hoảng mới và một sự bất ổn mới đã xuất hiện trên thế giới. Hiện cuộc chiến này không còn giới hạn giữa Nga-Ukraine. Bây giờ nó đã mang hình thức của một cuộc chiến đa phương và các siêu cường đã trở thành một phần trong đó. Như mọi khi, Liên Hợp Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm thiết lập hòa bình trên thế giới, cho đến nay đã thất bại trong việc ngừng cuộc chiến này lại.
Nhiều quốc gia đang có chiến tranh bao gồm Ukraine đang đứng bên bờ vực diệt vong do chiến tranh. Những quốc gia này đã từng rất tiên tiến và hòa bình.
Theo Liên Hợp Quốc, số người tị nạn trên thế giới hiện nay là khoảng 60 triệu. Đây là những hệ quả của chiến tranh. Về cơ bản, chiến tranh không mang lại bất cứ điều gì ngoại trừ tổn thất về người và của. Nạn đói nghèo và mù chữ sẽ bị xóa khỏi thế giới từ lâu nếu số tiền chi cho chiến tranh được sử dụng cho phúc lợi của nhân loại.
Liên Hợp Quốc không thể ngăn chặn các cuộc chiến tranh khác nhau. Vì các cường quốc chưa bao giờ đứng ở vị trí trung lập và chấp nhận các quyết định của Liên Hợp Quốc. Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp là năm quốc gia có quyền phủ quyết tại Liên Hợp Quốc. Họ luôn phủ quyết tất cả các đề xuất trái với ý muốn của họ. Kết quả là, Liên Hợp Quốc chưa bao giờ có thể đạt được một quyết định thống nhất để chấm dứt một cuộc chiến.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 195 quốc gia độc lập, tất cả đều là thành viên của Liên Hợp Quốc. Độc lập và chủ quyền của tất cả các quốc gia này phải được tôn trọng và phẩm giá của họ phải được bảo vệ. Tương tự như vậy, tất cả người dân của tất cả các quốc gia trên đều có quyền sống tự do. Đây là một quyền con người phổ quát được Liên Hợp Quốc công nhận. Vì thế, chúng ta cần làm việc cùng nhau để thiết lập hòa bình chứ không phải chiến tranh để giành quyền thống trị.
Ngày nay chúng ta đều phải chiến đấu chống lại đói nghèo, mù chữ và bệnh tật. Hàng trăm triệu người trên thế giới vẫn sống dưới mức nghèo khổ. Thay vì tiêu tiền vào việc chế tạo vũ khí, số tiền đó nên được dùng để cải thiện chất lượng cuộc sống của nhóm người này. Những người đang sống trong các trại tị nạn ở các quốc gia khác nhau trên thế giới nên được đưa trở lại quốc gia của họ. Mọi người trên thế giới nên được soi sáng bởi ánh sáng giáo dục. Lòng nhân đạo phải được lan tỏa khắp nơi.