Sáng 20/3, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận, tổ chức bộ máy của tòa án có những cái không hợp lý và đang khắc phục bằng các giải pháp căn cơ.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, không hợp lý khi một số loại án chuyên biệt đòi hỏi tính chuyên môn sâu, chúng ta không có thẩm phán chuyên biệt, tòa chuyên trách nên hiệu quả xử lý còn khiêm tốn.
Ông Bình đưa ví dụ như tòa phá sản, tòa xử lý trí tuệ (kinh nghiệm xét xử trí tuệ chưa nhiều). Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, chúng ta không cho phép tòa cấp huyện xử lý những vụ việc kiện hành chính ở huyện đó mà giao cho tòa cấp tỉnh, tuy nhiên các vụ kiện của cấp tỉnh, cấp sở thì vẫn giao cho tòa án tỉnh giải quyết, đó có những cái vướng.
"Chúng tôi đề nghị với Quốc hội để xây dựng các tòa chuyên biệt, miền Bắc có 2, 3 tòa chuyên biệt về án hành chính, chuyên xử án hành chính cấp tỉnh, điều này khắc phục được việc nể nang" – Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nói.
Thứ hai, theo ông Bình, tổ chức bộ máy tòa án chưa thực sự hợp lý theo quy mô nền kinh tế, quy mô dân số và số lượng các vụ việc.
"Chúng ta đang tổ chức đồng đều, các huyện thì tòa án có 8 người, trong khi nhiều huyện 1 năm xử án rất ít, chỉ 1 đến 2 vụ /1 thẩm phán 1 năm, trong khi đó ở khu khác là 10 đến 12 vụ/thẩm phán/năm. Theo quan điểm của chúng tôi, rất cần phải tổ chức tòa án theo khu vực để chúng ta có khả năng giải quyết các vụ việc một cách chuyên nghiệp hơn" – Chánh án Nguyễn Hòa Bình trả lời.
Cũng trả lời chất vấn của đại biểu về nguyên nhân án hành chính bị hủy, sửa, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, tỉ lệ hủy, sửa nhiều, thi hành ít, đây là các tồn tại của án hành chính.
Có nhiều nguyên nhân, năng lực của thẩm phán cũng có, khách quan thì UBND các cấp không tham gia hòa giải, không tham gia xét xử, không cung cấp tài liệu.
"Giải pháp thế nào, trước tiên đề nghị chúng ta về mặt chung phải tuân thủ pháp luật. Các chủ tịch UBND các cấp phải tham gia đối thoại đầy đủ, cung cấp tài liệu đầy đủ cho người dân và đặc biệt phải ra tòa" – ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Về vấn đề không thu hồi được tài sản tham nhũng, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, trên thực tế có những vụ án tài sản là ngôi nhà hình thành trong hôn nhân, có của vợ, của con, những người thân trong gia đình nên không tịch thu được những cái nhà đó của người ta, đó là quy định của luật, chúng ta buộc phải tuân thủ.
Ông Bình cho rằng, nếu như chúng ta có được cơ chế thu tài sản như nhiều nước đã áp dụng là cơ chế phi hình sự, yêu cầu đối tượng phải giải trình về tài sản.
"Khi làm điều này, một, hai, ba, bốn cái nhà gì đấy là tài sản, ông quan chức đấy mà không giải trình được là nó đã hình thành thế nào, nếu tính hợp lý không được công nhận thì tịch thu" – Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nêu.
Về việc bản án khó thi hành, ông Bình trả lời có hai vấn đề, một là bản án tuyên không rõ nên khó thi hành, hai là bản án tuyên đúng.
Với bản án tuyên không rõ nên khó thi hành, người đứng đầu Tòa án nhân dân Tối cao cho biết tỉ lệ đã được khắc phục rất nhiều. Từ nhiều năm trước cho đến nay tỉ lệ các bản án tuyên không rõ rất ít, một năm khoảng hơn 200 vụ. Bản án tuyên không rõ thì tòa án có giải pháp là giải thích bản án cho rõ. Bản án không rõ quá, nó sai thì kháng nghị để sửa lại và tất cả các bản án tuyên không rõ đều được giải thích, kháng nghị.
Còn về bản án tuyên đúng, rõ rồi nếu không thi hành được thì theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình là không có cách nào khác phải làm.
Ông Bình đưa ra 1 ví dụ 1 bị cáo được xác định làm mất của ngân hàng mười mấy nghìn tỷ, tòa tuyên buộc người này phải bồi thường, tuyên xong thì bị cáo chết nhưng nếu không tuyên thì không được.
Hay như trong một vụ án mà ông Đinh La Thăng bị xét xử, ông này bị buộc phải bồi thường 600 tỷ. Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nhận định đây cũng là một bản án khó thi hành nhưng không thể không tuyên.
"Cách nào để làm cho bản án này thực thi trên thực tế thì chúng tôi cũng chưa nghĩ ra các giải pháp nào" – Chánh án Nguyễn Hòa Bình trả lời.
Trước đó, trả lời chất vấn về áp dụng pháp luật trong các vụ án hình sự không đúng vẫn còn xảy ra, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, tỷ lệ hủy, sửa, áp dụng không đúng pháp luật do lỗi chủ quan dưới 1,5%...
Về chất lượng giải quyết các vụ án phá sản, Chánh án cho biết, Luật đang quy định tương đối ngặt nghèo về trình tự phá sản. Các thẩm phán rất giỏi trong vụ án hình sự, dân sự nhưng trong các vụ án phá sản là thiếu.
Khắc phục tình trạng này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng cần tiếp tục đề xuất Quốc hội sửa Luật Phá sản; nâng cao trình độ thẩm phán trong xét xử vụ án phá sản; tiến tới hình thành Tòa phá sản chuyên biệt ở các trung tâm kinh tế lớn, chuyên xét xử phá sản, không xét xử các vụ án khác.
Trong việc bảo mật phiên tòa trực tuyến, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng đây là vấn đề đã được đặt ra khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này.
Yếu tố bảo mật phụ thuộc vào việc đầu tư trang thiết bị, chất lượng đầu tư, kinh phí hợp lý để nâng cấp thường xuyên. Yếu tố thứ hai là trách nhiệm của người sử dụng.
"Tòa án đã có văn bản quy định rằng các thẩm phán phải đảm bảo các yêu cầu bảo mật khi sử dụng trang thiết bị xét xử trực tuyến, không cài các phần mềm lạ, để đảm bảo yêu cầu bảo mật trong thực hiện các công tác chuyên môn" – Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.