Chánh án Nguyễn Hòa Bình: "Có tòa án mang cả ti vi của nhà lên để xét xử"

Nguyễn Hoà Thứ hai, ngày 20/03/2023 09:37 AM (GMT+7)
Sáng nay (20/3), Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Người đứng đầu Tòa án nhân dân Tối cao đã có những thông tin mới nhất về việc xét xử trực tuyến.
Bình luận 0

Thẩm phán xử nhiều án dẫn đến ảnh hưởng chất lượng

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về kết quả triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến và giải pháp khắc phục khó khăn trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến hiện nay.

Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành kế hoạch triển khai, cùng với các bộ liên quan ký thông tư liên tịch số 05 để hướng dẫn thi hành luật.

"Chúng tôi đã tổ chức tập huấn trong phạm vi toàn quốc về xét xử trực tuyến, yêu cầu các địa phương đều có phiên tòa trực tuyến mẫu để các thẩm phán tham khảo. Kết quả cho đến nay, chúng tôi đã bố trí một phần trang bị hiện có cho xét xử trực tuyến, cũng đã báo cáo với Chính phủ đề án trang bị xét xử trực tuyến. Chúng ta đã xét xử hơn 5.400 vụ trực tuyến, có 647 các tòa án bao gồm 63 tỉnh và 581 cấp huyện đã có phiên tòa xét xử trực tuyến" – Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Cũng theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, xét xử trực tuyến có rất nhiều tác dụng. Một là đảm bảo cho công lý được thực thi không chậm trễ. Thứ hai những người ở vùng dịch, ở xa, những người ở nước ngoài, có bệnh có điều kiện tham gia phiên tòa mà không phải đến trực tiếp.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: "Có tòa án mang cả ti vi của nhà lên để xét xử" - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về kết quả tổ chức phiên tòa trực tuyến. Ảnh chụp màn hình/VTV

Một điều rất quan trọng là tiết kiệm cho xã hội rất lớn, kể cả cho Công an, cho Viện Kiểm sát, Tòa án, nhất là các vụ án hình sự mà phải dẫn giải bị can, bị cáo với quãng đường dài.

Ông Nguyễn Hòa Bình cũng đề cập đến vấn đề khó khăn khi thực hiện việc xét xử trực tuyến. Theo đó, tất cả các tòa án đã xét xử trực tuyến thì tận dụng các cơ sở hiện có, thậm chí có tòa án mang cả ti vi của nhà lên để xét xử.

"Hiện nay rất là hạn chế, đề nghị Thường vụ Quốc hội có duyệt chương trình này để hỗ trợ cho Tòa án" – ông Nguyễn Hòa Bình đề nghị.

Vấn đề khó thứ hai theo ông Nguyễn Hòa Bình là xét xử trực tuyến, nhất là các vụ án hình sự không phải chỉ trang bị cho tòa án mà cần có hạ tầng vật chất cho các trại giam, hiện nay các trại giam chưa có điều này.

Việc xét xử đối tượng nguy hiểm ngồi trong trại có nhiều tác dụng rất lớn, mong Quốc hội duyệt cho Tòa án, các cơ sở giam giữ. Kỹ năng của các thẩm phán thì Tòa án sẽ tiếp tục bồi dưỡng thêm, nâng cao kỹ năng giải quyết, điều hành các phiên tòa xét xử trực tuyến.

Về vấn đề biên chế hạn chế, làm cách nào nâng cao chất lượng xét xử, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho biết, biên chế của hệ thống Tòa án so với công việc thì ít, năm 2012 là 15300 người, khi đó tổng số vụ việc tòa án phải xử lý trong toàn quốc là 250 nghìn vụ/năm.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: "Có tòa án mang cả ti vi của nhà lên để xét xử" - Ảnh 2.

Theo Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc xét xử trực tuyến gặp một vấn đề khó khăn là cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Ảnh chụp màn hình/VTV

Kết thúc năm 2022, hệ thống tòa án phải giải quyết khoảng 570 nghìn vụ, biên chế giảm 10% theo quy định chung, điều này tạo lên áp lực cho hệ thống tòa án.

"Chất lượng xét xử cũng ảnh hưởng, trung bình mỗi thẩm phán phải xử 5 đến 6 vụ/năm, nhưng cá biệt có địa phương 12 vụ, 10 vụ… Một tháng xử nhiều như thế phần nào ảnh hưởng đến chất lượng.

Vừa qua chúng tôi đã báo cáo, được các cấp cho thẩm quyền thông qua giữ lại biên chế của tòa án là 15.300 người như năm 2012, không phải giảm 10% nữa, chúng tôi đang khẩn trương phân bổ biên chế này" – ông Bình nói.

Về cơ chế bảo vệ thẩm phán, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, quả thực chế độ chính sách, cơ chế bảo vệ thẩm phán của chúng ta hiện nay so với nhiều nước là kém hơn. Nhiều nước, nhiều quốc gia người ta có cơ chế bảo vệ rất rõ ràng.

Ví dụ như ở những có quốc gia nền trật tự không tốt, thậm chí thẩm phán có bảo vệ, các phiên tòa xét xử có bảo vệ, có chính sách, chúng tôi hiện chưa có sự bảo vệ cho đầy đủ lắm, tuy nhiên trách nhiệm thì vẫn làm, Tòa án nhân dân Tối cao sẽ có đề xuất để có chính sách tốt hơn.

Có đạo luật riêng về tư pháp thành niên là cần thiết

Cũng trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thủy về việc UNICEF đã nhiều lần gửi văn bản cho các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, đề nghị Quốc hội ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên cũng như đề nghị Chánh án cho biết, việc ban hành đạo luật này có khắc phục được những bất cập trong giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên hiện nay hay không, ông Nguyễn Hòa Bình trả lời hiện đang trình dự án luật, theo chương trình làm việc của Quốc hội, dự án luật sẽ được thảo luận, hồ sơ đã làm đầy đủ.

Theo vị Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, hiện nay, trong 10 đạo luật khác nhau thì có quy định về tư pháp hình sự thành niên, nhưng xu hướng của thế giới là có đạo luật chuyên biệt về tư pháp hình sự thành niên.

Ông Bình cho biết, các nước khác cho rằng tư pháp hình sự thành niên có đặc thù riêng, không thể lấy tư pháp của người lớn để áp dụng cho trẻ em, điều này là không phù hợp.

"Việc xây dựng một đạo luật riêng, thể hiện cam kết của chúng ta là một trong hai quốc gia đầu tiên của Châu Á tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về bảo vệ quyền trẻ em.

Ở ASEAN, 10 nước thì 9 nước có luật tư pháp thành niên rồi, Việt Nam thì chưa, chúng ta đang làm tản mạn ở 10 đạo luật khác nhau, rất khó khả thi, thực tiễn tư pháp thế giới có rất nhiều giải pháp nhân ái, hết sức nhân đạo cho các cháu khi tiếp cận cơ quan tư pháp. Đây là đối tượng dễ bị tổn thương, nên có một đạo luật riêng là hết sức cần thiết" – Chánh án Nguyễn Hòa Bình trả lời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem