Để hạn chế dòng vốn chảy vào các quốc gia đang phát triển, nhiều quốc gia hát triển trên thế giới như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc (các quốc gia có doanh nghiệp sở hữu vốn đầu tư lớn tại nước ngoài) sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% lên các công ty đa quốc gia (TNCs) có doanh thu hơn 750 triệu Euro (tương đương 800 triệu USD)/năm bắt đầu từ năm 2024.
Đối với các nước nhận vốn đầu tư lớn, có doanh nghiệp FDI có doanh thu trên 750 triệu Euro hoặc hàng tỷ USD như Việt Nam, dù có áp dụng sắc thuế này hay không thì hoạt động đầu tư chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ.
Ngày 20/3 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gặp gỡ hàng loạt doanh nghiệp, hiệp hội để lắng nghe đề xuất, phương án của doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia đã và đang làm ăn tại Việt Nam có doanh thu lớn là đối tượng chịu thuế tối thiểu toàn cầu.
Theo đại diện của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), khi quyết định đầu tư, các doanh nghiệp ngoài quan tâm ưu đãi thuế, họ còn quan tâm các yếu tố khác như hỗ trợ của Chính phủ, quy mô thị trường.
Theo đại diện JETRO, kết quả khảo sát của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, tiềm năng tăng trưởng, quy mô thị trường Việt Nam là yếu tố quan trọng nhất giúp doanh nghiệp Nhật đầu tư và mở rộng thị trường.
"Chỉ 24% DN Nhật nhận thấy các chính sách ưu đãi về thuế hấp dẫn họ", đại diện JETRO cho hay.
Đại diện JETRO cho rằng, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ràng buộc các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs). Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần đón các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì họ có lợi thế công nghệ, chuỗi cung ứng.
Để đón chờ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chứng ta cần ưu đãi, còn các TNCs thì họ xem xét các lợi thế khác. Không chỉ Nhật Bản mà còn nhiều nước khác, họ có công nghệ và vốn đặc thù, dù vốn không nhiều nhưng có công nghệ hàng đầu, có thể thúc đẩy chuyển đổi công nghệ Việt Nam. Chính vì vậy, chúng tôi đề xuất, chúng ta không chỉ nên tập trung vào doanh nghiệp lớn mà còn chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian tới.
Theo trưởng ban Thuế Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) để thực hiện đúng quy định của thuế tối thiểu toàn cầu và hoạt động hiệu quả tại Việt Nam, JCCI có ba đề xuất: Chính phủ Việt Nam nên nới lỏng quy định về đánh thuế luỹ tiến thuế thu nhập cá nhân; kéo dài ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; và các ưu đãi cụ thể của Chính phủ cho công nghệ cao, lĩnh vực khuyến khích đầu tư.
Về nới lỏng luỹ tiến thuế thu nhập cá nhân, theo đại diện JCCI, khi một doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam họ sẽ nhìn vào tổng thuế phải chi trả cho quốc gia đó, đối với thuế thu nhập cá nhân hiện tại ở Việt Nam hiện nay bị đánh giá là khá cao so với các quốc gia khác trong khu vực.
Cụ thể, theo vị này, hiện với thu nhập hơn 80 triệu đồng sẽ chịu thuế suất thuế thu nhập cá nhân là 35%. Với việc luỹ tiến tăng cao hơn 100 triệu thì thuế sẽ cao hơn nhiều. JCCI cho biết, hiện Bộ Tài chính đang sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. "Chúng tôi đề nghị sửa đổi theo hướng bù trừ, giảm trừ cách đánh thuế luỹ tiến như hiện nay để đảm bảo lợi thế so với các quốc gia khác trong khu vực hiện nay".
Đối với ưu đãi đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, đại diện JCCI đề nghị Chính phủ Việt Nam cân nhắc có thể kéo dài ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 20 năm. "Áp dụng kéo dài thời gian hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp châu Âu có doanh thu 870 triệu USD; với doanh nghiệp Nhật Bản có doanh thu trên 100 tỷ Yen", JCCI đề xuất.
Về tăng cường cơ chế hỗ trợ những ngành nghề đặc thù, công nghệ cao, JCCI đề xuất giảm các thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, đơn giản hoá thủ tục cũng là ưu đãi, hỗ trợ DN đầu tư công nghệ, hạ tầng..
Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KoCham) tại Việt Nam cho rằng: Ngày 31/12/2022, Chính phủ Hàn Quốc ban hành chính sách thuế toàn cầu dự định 1/2024 sẽ áp dụng, đối với Việt Nam DN lớn Hàn Quốc sẽ phải nộp thuế tại Hàn Quốc vào năm 2024.
"Nếu các chính sách này được áp dụng sẽ khiến các nỗ lực ưu đãi thuế của Việt Nam có lợi cho doanh nghiệp Hàn không còn", KOCHAM cho hay.
KOCHAM đề xuất, Chính phủ Việt Nam cần giảm thiểu tối đa, tiếp tục chính sách ưu đãi thuế. Chính phủ Việt Nam có thể xem xét ưu đãi mới, trợ cấp tiền mặt, khấu trừ khoản đầu tư, các đầu tư hạ tầng, công nghệ được ưu đãi thuế.
Hiệp hội KOCHAM đề xuất Chính phủ Việt Nam có thể trả trợ cấp đầu tư theo từng đợt, trợ cấp tiền mặt, khấu trừ có thể tăng hiệu quả đầu tư, khuyến khích họ đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam khuyến khích.
Theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, các doanh nghiệp châu Âu không lo ngại thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng hơn 50% họ đề xuất Việt Nam đơn giản hoá thủ tục hành chính.
"Những tập đoàn có doanh thu 750 triệu USD thuộc diện nộp thuế TTTC, về lý thuyết có thể thu được thuế ở châu Âu, tổng chi phí thuế không thay đổi, nếu đóng ở Việt Nam cũng không thay đổi. Nếu Việt Nam áp dụng thuế này thì Chính phủ phải tính đến việc cần làm gì để thu hút đầu tư và cạnh tranh với khu vực.
"Trên thế giới xu hướng phổ biến như hỗ trợ tiền những lĩnh vực khuyến khích đầu tư. Doanh nghiệp Euro đề xuất, nếu có hỗ trợ thì Chính phủ cần cụ thể vào lĩnh vực, doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xanh - bền vững, điện tái tạo", ông Minh nêu.
Đại diện của Tập đoàn công nghệ hàng đầu của Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam đề nghị Việt Nam áp dụng các quy định về hỗ trợ doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam theo cơ chế mà Tổ chức hợp tác và phát triển (OECD) cho phép như tiền mặt, khấu trừ thuế đối với dự án công nghệ cao, chi phí đầu tư…
"OECD cho phép các nước nhận đầu tư được phép khấu trừ và hỗ trợ tiền mặt cho doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể gia tăng thêm doanh thư từ đó đảm bảo đầu tư trở lại nước nhận đầu tư. Theo phân tích của chúng tôi các chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ mới cần làm sao đảm bảo hiệu quả cho doanh nghiệp".
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền Phó Giám đốc, phụ trách đối ngoại của Canon Việt Nam cho rằng: Hiện nay, tỷ lệ nội địa hoá của Canon tại Việt Nam là 50%. Canon Việt Nam đang phải cạnh tranh rất mạnh với các sản phẩm tương đương đến từ Ấn độ và Philippines. Canon hiện có 130 nhà cung cấp vendor cấp 1 tại Việt Nam, nếu vì chính sách thuế tối thiểu toàn cầu mà họ chuyển đi sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Theo bà Huyền, thuế tối thiểu ảnh hưởng rất lớn, trường hợp từ Canon tại Thái Lan, Chính phủ Thái Lan đã nhanh nhạy hỗ trợ tiền điện cho doanh nghiệp canon tại nước này.
Vì vậy, để cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp, Canon đề nghị Chính phủ Việt Nam duy trì ưu đãi như hiện tại. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ thêm chi phí cho doanh nghiệp trong đó có hỗ trợ tiền mặt về chi phí điện cho doanh nghiệp có doanh thu lớn thuộc diện đối tượng bị đánh thuế tối thiểu toàn cầu.
"Đề xuất sau khi doanh nghiệp quyết toán thuế, Chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ chi phí tiền điện, phí quản lý mặt bằng, phí đưa đón nhân viên, chi phí đào tạo, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, đầu tư năng lượng tái tạo, hoặc chi phí đầu tư máy móc cố định….", bà Huyền cho hay.
Vị này cho rằng, đây là cách mà nhiều quốc gia đã và đang làm để hạn chế tác động của thuế tối thiểu toàn cầu và giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
Theo đại diện Foxconn tại Việt Nam, hiện một số các dự án đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian kéo dài. Điều doanh nghiệp quan tâm nhất chính là pháp luật Việt Nam có hồi tố các chính sách này hay không? và doanh nghiệp muốn lắng nghe các cam kết của Chính phủ, bộ ngành để yên tâm mở rộng đầu tư.
Bên cạnh đó, vị này đề nghị cần nhanh chóng giải quyết vấn đề là thủ tục hành chính. Riêng đối với Foxconn tại Việt Nam, thủ tục về phòng cháy chữa cháy phải kéo dài đến 2 năm mà không được thẩm định, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp.