Thuế tối thiểu toàn cầu: Để không bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế

VGP Thứ hai, ngày 27/02/2023 19:17 PM (GMT+7)
Trong trường hợp không có những hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế, vì khi đó các quốc gia đầu tư thuộc khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác sẽ thực hiện thu Thuế bổ sung theo nguyên tắc Trụ cột 2 từ năm 2024.
Bình luận 0
Thuế tối thiểu toàn cầu: Để không bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế - Ảnh 1.

Ông Thomas McClelland, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư Vấn Thuế, Deloitte Việt Nam cho rằng Việt Nam nên ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi theo chi phí

Đây là nhận định của ông Thomas McClelland – Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam tại hội thảo khoa học "Giải pháp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư trong bối cảnh thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu" diễn ra cuối tuần qua.

Bước vào cuộc đua…

Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và hiện nay đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận. Trong đó, Trụ cột 2 quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu cho phép nước đầu tư đánh thuế tối thiểu 15% đối với thu nhập được miễn, giảm thuế tại tại nước nhận đầu tư.

Hiện tại, Chính phủ các nước đầu tư và nhận đầu tư đều đã và đang có những động thái quyết liệt trong việc cân nhắc và đưa ra các chính sách liên quan đến Thuế tối thiểu toàn cầu.

Liên minh Châu Âu (EU) đã chính thức thông qua kế hoạch áp dụng thuế tối suất tối thiểu 15% từ 2024. Quốc hội Hàn Quốc cũng đã thông qua Đạo luật điều chỉnh Thuế trong đó sẽ áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu từ 2024. Chính phủ Nhật Bản cũng đã thông báo Dự thảo cải cách thuế, tiến tới việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm tài chính 2024 và sẽ trình Quốc hội phê duyệt.

Vì vậy, trong trường hợp Việt Nam không có những hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế.

Ngoài ra, thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài của các chính sách ưu đãi thuế hiện tại của Việt Nam.

Nếu Việt Nam không có những cải cách hợp lý và kịp thời về chính sách ưu đãi thuế, trong trường hợp các đối thủ cạnh tranh là các quốc gia đang thu hút và nhận đầu tư nước ngoài cân nhắc các biện pháp và chính sách ưu đãi đầu tư thuận lợi để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam có thể bị bỏ lại phía sau trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Khi đó, không chỉ các doanh nghiệp đa quốc gia lớn mà các doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp phụ trợ thuộc chuỗi giá trị có thể chuyển dịch đầu tư từ Việt Nam sang các quốc gia khác hoặc không tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, ông Thomas McClelland lưu ý.

Thuế tối thiểu toàn cầu: Để không bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế - Ảnh 3.

Ông Son Won Sik, đại diện Kocham: Việt Nam cần tích cực đưa ra các ưu đãi mới giúp tăng tính hấp dẫn đầu tư

Để giành thế chủ động

Những bước đi chủ động gần đây của Malaysia và Singapore trong việc dự kiến áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu và cơ chế Thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT – Qualified Domestic Minimum Top-up Tax) là những tín hiệu cảnh báo ban đầu cho Việt Nam. Đây là một giải pháp trước mắt cần cân nhắc để Việt Nam có thể bảo vệ quyền đánh thuế của mình thông qua việc giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác.

Hiểu một cách đơn giản, quốc gia thực hiện QDMTT sẽ được ưu tiên đầu tiên để thu thuế bổ sung từ các đối tượng nằm trong khu vực tài phán của mình. Nếu không có QDMTT, nguồn thu đó sẽ được chuyển đến một quốc giá khác như được xác định theo thứ tự quy tắc Trụ cột 2.

Như vậy, nếu áp dụng QDMTT, Việt Nam sẽ giữ được quyền đánh thuế và các nhà đầu tư cũng xác định được nghĩa vụ phải đóng thuế bổ sung tại Việt Nam thay vì chuyển đến một quốc gia khác để nộp khoản thuế bổ sung này.

Liên quan đến các giải pháp trong dài hạn, ông Thomas McClelland cũng cho rằng Việt Nam nên ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi theo chi phí nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang áp dụng ưu đãi thuế chịu tác động từ Trụ cột 2. Hiện tại, các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam tập trung chủ yếu vào ưu đãi theo thu nhập như ưu đãi về thuế suất và miễn giảm thuế, chưa phổ biến các ưu đãi theo chi phí, đặc biệt là hình thức ưu đãi trợ cấp bằng tiền.

Ưu đãi bằng tiền có thể theo diện hỗ trợ một phần chi phí của nhà đầu tư vào các cơ sở vật chất máy móc nhà xưởng, nhân lực, hoặc đầu tư vào các hoạt động chất xám như Nghiên cứu và Phát triển…

Đồng quan điểm, ông Son Won Sik, đại điện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) kiến nghị Việt Nam cần tích cực đưa ra các ưu đãi mới giúp tăng tính hấp dẫn đầu tư.

Theo ông, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, bảo vệ quyền đánh thuế của mình, điều này rất cấp thiết. Có một số giải pháp như ưu đãi dựa trên chi phí phù hợp với tình hình Việt Nam hiện tại. Điểm mạnh của nó sẽ ngăn chặn chuyển giá, chuyển lợi nhuận, giúp khuyến khích đầu tư thực chất vào Việt Nam, đưa ra phương án đầu tư dài hạn tại Việt Nam.

Ngoài ra, hình thức ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư có thể chi trả nhiều lần, giúp doanh nghiệp được hỗ trợ sẽ tạo ra doanh thu, từ đó nộp thuế và dựa trên khoản thuế sẽ tạo thành vòng tuần hoàn giúp Việt Nam tháo gỡ các khó khăn tài chính.

Khẩn trương, khẩn trương và khẩn trương…

Thách thức lớn nhất lúc này là thời gian. Tính đến đầu năm 2024, thời gian hành động không còn nhiều để tận dụng cơ hội giữ quyền đánh thuế, tăng thu ngân sách nhầ nước mà vẫn đảm bảo chủ trương thu hút đầu tư.

Cho ý kiến tại hội nghị, bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc EY Việt Nam cho biết, về việc giành quyền đánh thuế, Việt Nam không thể bị động mà hãy giành quyền chủ động. Chủ động ở đây là luật nên thông qua, tuy nhiên thông qua một bộ luật thì không đơn giản.

"Liệu chúng ta có thể nghĩ đến phương án đơn giản hơn luật – đấy chính là Nghị quyết của Quốc hội. Nếu như giành quyền đánh thuế trở thành ý chí thông suốt của cả Chính phủ, Quốc hội thì chúng ta nên làm để đúng hạn là năm 2023", bà Hương gợi mở thêm.

Về lộ trình ban hành văn bản pháp luật, bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã chia sẻ thêm một số thông tin về quy trình sửa đổi nội luật. "Để đưa ra quyết sách của mình, để thay đổi nội luật hóa có thể sửa bộ luật hoặc đưa ra thành văn bản hoặc Nghị quyết có lợi nhất về thời gian vì thời gian không còn nhiều".

"Mong Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ hành động quyết liệt, không thể làm luật thông thường vì đây là trường hợp khẩn cấp, để từ đó có kết quả đáp ứng yêu cầu bức thiết của nhà đầu tư đang quan tâm tới Việt Nam", bà Quỳnh Anh nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem