Thấy gì khi người Việt tung tiền mua hơn 550.000 chiếc xe miễn thuế của Thái Lan, Indonesia?

An Linh Chủ nhật, ngày 12/03/2023 06:45 AM (GMT+7)
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 4 năm qua từ 2018 đến 2022, hơn 550.000 chiếc xe hơi dưới 9 chỗ ngồi không chịu thuế nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia đã được nhập vào Việt Nam.
Bình luận 0

Xe không chịu thuế từ Thái Lan, Indonesia cấp tập đổ bổ Việt Nam

Lượng xe con nhập từ các thị trường không chịu thuế nhập khẩu hiện chiếm hơn 80% số xe con nhập vào Việt Nam qua các năm. Theo Hiệp định ATIGA, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN (chủ yếu là Thái Lan và Indonesia) vào các thị trường trong khối đều bằng 0%, khi thoả mãn điều kiện tỷ lệ nội địa hoá trên 40%.

Thấy gì khi người Việt đã tung tiền mua hơn 550.000 chiếc xe miễn thuế của Thái Lan, Indonesia? - Ảnh 1.

Hơn nửa triệu chiếc xe miễn thuế nhập khẩu của Thái Lan, Indonesia được nhập vào Việt Nam trong hơn 5 năm qua.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2016 và 2017, xe nhập từ Thái Lan vào Việt Nam chỉ đạt 34.200 chiếc và 38.300 chiếc; lượng xe Indonesia nhập vào lần lượt là 3.400 chiếc và 16.800 chiếc.

Sang năm 2018, lượng xe hập từ hai nước này tăng khá mạnh, xe Indonesi tăng lên 17.800 chiếc, tăng hơn 1.000 chiếc so với năm trước; xe Thái Lan tăng lên 55.800 chiếc tăng 17.500 chiếc, tương ứng hơn 45%.

Năm 2019, sau một năm thử nghiệm nhập khẩu xe miễn thuế, xe nhập từ hai nước này tăng kỷ lục. Xe Indonesia đạt hơn 46.500 chiếc, tăng hơn 28.700 chiếc so với năm trước, tăng hơn 160% so với năm trước; xe nhập từ Thái Lan đạt hơn 74.120 chiếc, tăng hơn 18.300 chiếc, tăng hơn 32%.

Từ năm 2020 - 2021, dù trải qua đại dịch Covid-19, các loại xe nhập từ Indonesia, Thái Lan vào Việt Nam vẫn giữ tỷ lệ rất cao, có hơn 52.600 dến 80.900 chiếc xe Thái nhập vào trong vòng 2 năm qua; còn xe Indonesia đạt từ 35.000 đến hơn 44.250 chiếc. Năm 2022, lượng xe nhập từ Thái lan và Indonesia đều đạt tương đương nhau hơn 71.000 chiếc.

Nhiều mẫu xe Thái Lan và Indonesia đã và đang có doanh thu rất tốt tại Việt Nam như Mitsubishi Xpander, Honda CRV, Ford Everest, Ranger... 

Thống kê cho thấy, từ năm 2018 đến 2022, có hơn 550.000 chiếc xe Thái Lan, Indonesia được nhập khẩu vào Việt Nam. Nếu các năm 2016 đến 2017, lượng xe nhập từ Thái Lan chỉ chiếm từ 33 đến 56% tổng lượng xe nhập về Việt Nam, đến năm 2018 xe nhập từ hai thị trường này luôn duy trì ở mức 82-88% tổng lượng xe nhập về Việt Nam.

Trong báo cáo mới đây gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phân tích, khi Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN có hiệu lực, các xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN và từ các nước, khu vực khác nhập khẩu về Việt Nam với giá rất cạnh tranh. 

Từ năm 2018, cơ hội cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước lại càng bị thu hẹp với sự chiếm lĩnh thị trường từ xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN của các doanh nghiệp FDI dẫn đến quy mô sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp, không đảm bảo tính hiệu quả kinh tế trong sản xuất. 

Công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô trong nước vốn đã kém cạnh tranh sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn khí đầu ra bị thu hẹp. Các doanh nghiệp FDI ngoài việc tăng cường nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ kéo theo tăng cường nhập khẩu các linh, phụ kiện, phụ tùng với thuế suất 0%. 

Bộ Công Thương nhận định, đây là xu hướng không có lợi cho sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và Việt Nam sẽ trở thành thị trường để các quốc gia khác có nền công nghiệp ô tô phát triển hơn như Thái Lan, Indonesia khai thác.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tỷ trọng xe nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN (thực chất là từ Thái Lan và Indonesia) tăng liên tục cả về số lượng và giá trị từ năm 2018 đến nay, sản lượng ô tô nhập khẩu hàng năm của giai đoạn từ 2019 đến nay bình quân đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước 2018. 

Hầu hết các công ty nước ngoài (FDI) trong Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), mặc dù đã đầu tư nhà máy tại Việt Nam từ rất lâu nhưng hiện nay đều có lượng xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu chiếm tỉ trọng lớn, thậm chí tới 80%, 90% tổng lượng xe bán ra, cùng với đó là rất nhiều hãng xe của Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam (VIVA) cũng nhập khẩu 100% xe ô tô nguyên chiếc và các hãng xe đang tiếp tục gia tăng nhập khẩu xe vào Việt Nam.

Xu hướng này cũng gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế vĩ mô. Với dự báo nhu cầu ô tô của nước ta năm 2025 theo phương án trung bình khoảng 800-900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5-1,8 triệu xe, nếu không phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, toàn bộ thị trường xe con là xe nhập khẩu; xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hoá 50%, thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD.

Với dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam hiện là thị trường ô tô tiềm năng hàng đầu khu vực ASEAN. Và việc mỗi năm có hàng trăm nghìn chiếc xe miễn thuế nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia vào thị trường Việt Nam cho thấy xu hướng sở hữu ô tô ngày càng tăng nhanh chóng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, miếng bánh này có được doanh nghiệp Việt khai thác hay không còn phụ thuộc vào năng lực doanh nghiệp và định hướng chính sách ưu tiên của Chính phủ. Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương khẳng định, so với các nước trong Khu vực về phát triển công nghiệp sản xuất ô tô,  Việt Nam chịu thiệt thòi là đã phải hội nhập khu vực khi thị trường còn nhỏ để tổ chức sản xuất kinh doanh quy mô lớn, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá xe ô tô cao.

Theo Bộ Công Thương, tại Việt Nam, xu thế ô tô hóa (motorization) dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới do GDP bình quân đầu người đã vượt mức 4.000 USD và số xe trung bình trên 1.000 dân đã đạt khoảng 50 xe mặc dù vậy, tỷ lệ này vẫn thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan (280 xe/1.000 dân), Malaysia (542 xe/1.000 dân)...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem