Thanh âm lạo xạo từ máy móc chuẩn bị cho cuộc hội làng cuối tháng này không đủ để phá vỡ đi không gian thanh bình nơi làng cổ. Từng nếp nhà cổ dường như đang im lìm trong giấc ngủ trưa.
Phía xa, từng đàn chim chao nghiêng ríu rít vờn nhau trên cánh đồng lúa đương mùa xanh mơn mởn uốn cong theo mấy ngõ đường làng. Lộc Yên - Thạnh Bình vốn dĩ êm ả như chính cái tên đất, tên làng có tự bao giờ.
Bà Nguyễn Thị Sành đang cặm cụi chăm chút lại vườn tược trong nhà cổ ông Nguyễn Đình Mẫn để chuẩn bị đón khách ghé thăm. Nơi đây cũng sẽ diễn ra hoạt động tái hiện câu chuyện lịch sử, văn hóa xứ Tiên nhân dịp hội làng.
“Thực ra khách cũng có ghé lai rai. Ngõ nhà mình cũng không rào khóa gì nên mọi người hay ra vô chụp hình vãng cảnh lắm. Thấy vậy cũng vui nhà, vui cửa chứ nói tạo nguồn thu từ du lịch thì chưa bao nhiêu” - bà Sành chia sẻ.
Sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc nhân dịp hội làng Lộc Yên lần thứ 2 - năm 2023 (từ ngày 24 - 26/3).
Nhưng đó là không gian thoáng qua thuộc về ngày hội. Nhịp sống của Lộc Yên bây giờ vẫn khoan thai, chậm rãi như bao mùa lặng lẽ đã qua.
Ông Hồ Công Luận - Trưởng phòng VH-TT huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) thông tin, trong dịp hội làng sắp tới, địa phương sẽ ra mắt sản phẩm du lịch Lộc Yên - Thạnh Bình với điểm nhấn là mở rộng không gian trải nghiệm cho du khách, trong đó sẽ bao gồm cả việc tham quan di tích Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Bên cạnh việc chuyển mình thích ứng với du lịch xanh, điều cốt lõi nhất du khách cảm nhận được khi về với Lộc Yên vẫn là không gian yên ả đặc trưng cùng với lối sống mộc mạc, bình dị của người nhà quê.
Lộc Yên rồi đây chắc chắn sẽ dập dìu du khách hẹn hò với cuộc hội làng. Nhưng để làng cổ không rơi vào trạng thái “ngày vui ngắn chẳng tày gang” như bao điểm đến khác khi vãn lễ hội chẳng phải là điều dễ dàng.
Con số thống kê chỉ ra, năm 2019 làng cổ Lộc Yên đón được khoảng 15 nghìn lượt khách nhưng chủ yếu là khách vãng lai và không tạo ra nguồn thu đáng kể cho địa phương hay cư dân bản địa.
Đầu năm 2020, huyện Tiên Phước đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Thiên Minh (chủ đầu tư TUI Blue Nam Hội An Resort) để thúc đẩy du lịch làng cổ Lộc Yên, rất tiếc là sự kết nối này gần như trùng với thời điểm xảy ra dịch COVID-19 nên ảnh hưởng khá lớn đến tính hiệu quả.
Dù vậy, như nhận định của các chuyên gia, để phát triển điểm đến bền vững cần xây dựng một lượng khách theo đoàn ổn định, phù hợp với lực tải của điểm đến cũng như tạo ra giá trị thực tế cho các chủ thể tham gia làm du lịch.
Với lợi thế vận hành mảng lữ hành quốc tế riêng của tập đoàn Thiên Minh, về lâu dài nguồn khách theo tour từ TUI Blue Nam Hội An (huyện Núi Thành) vẫn là một thị phần khách hàng giá trị để Lộc Yên tiếp cận và chuyển động.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Công ty du lịch La Palanche Voyagas (Hà Nội), Lộc Yên là một làng cổ rất đẹp nhưng là điểm đến rất mới mẻ trong “sổ tay” du lịch của các đơn vị lữ hành. “Gần 30 năm làm du lịch nhưng thú thực là tôi mới biết về Lộc Yên qua chuyến famtrip trong khuôn khổ hội chợ du lịch xanh Quảng Nam vào cuối năm 2022.
Một khi là sản phẩm mới thì phải tính chuyện ghép nó vào cái gì, kết nối vào tour du lịch sẵn có ra sao. Gắn kết Lộc Yên với phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn có thể là một gợi mở dù khá gian nan.
Vấn đề là phải làm sao để sản phẩm trở nên sinh động hơn ngoài những ý tưởng đang có như cooking class (dạy nấu ăn), đạp xe dạo trong làng, trải nghiệm nghề truyền thống… Một khi người dân quý trọng hơn những tài nguyên bản địa mà họ đang sở hữu thì tự khắc sẽ có những ý tưởng sáng tạo cuốn hút du khách” - ông Hải nhận định.