Bắp cải vốn được biết đến là một loại rau rất quen thuộc, có thể chế biến được rất nhiều món ăn hàng ngày: từ ăn sống, làm salad, nấu canh xào hay luộc… Ngoài giá trị dinh dưỡng bắp cải có khá nhiều công dụng chữa bệnh khác mà ít ai biết.
Loại rau chống béo phì, giảm cân: Bắp cải có tác dụng ngăn glucid chuyển hóa thành lipid (chất béo) là một trong những nguyên nhân gây tăng cân, béo phì.
Loại rau ngăn ngừa táo bón: Theo tin tức trên tờ The Health, bắp cải rất tốt cho người bị táo bón, người phải làm công việc ngồi nhiều hoặc "máu nóng". Loại rau này giúp nhuận tràng, giảm táo bón, làm mềm phân và thúc đẩy nhu động ruột. Công dụng này có được là nhờ vào hàm lượng chất xơ vô cùng phong phú trong bắp cải. Chất xơ tồn tại ở ruột, hấp thu nước và làm tăng kích thước phân nên khiến chất thải mềm hơn, dễ kích thích đại tiện hơn.
Loại rau có lợi cho dạ dày: Qua nội soi, các chuyên gia Ấn Độ đã chứng minh được sự hình thành một lớp màng nhầy ở dạ dày với hai chức năng che chở và tái tạo niêm mạc dưới tác dụng của một số hoạt chất có trong rau bắp cải tươi.
Loại rau ngừa bệnh tiểu đường: Các chất trong bắp cải có tác dụng làm giảm quá trình đồng hóa glucid và giảm đường huyết, vì thế có tác dụng phòng bị tiểu đường týp 2.
Loại rau ngừa ung thư: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tất cả các loại rau cải đều có tác dụng phòng chống ung thư, trong đó rau bắp cải nổi trội hơn cả. Nghiên cứu cho thấy, mỗi tuần ăn rau bắp cải 3-4 lần có tác dụng giảm nguy cơ ung thư dạ dày, ung thư ruột, ung thư bàng quang và ung thư tiền liệt tuyến.
Nghiên cứu mới nhất của nhà khoa học Mỹ cho thấy, phụ nữ mỗi tuần ăn 2-3 lần rau bắp cải dưới dạng luộc, ăn sống, sẽ làm giảm nguy cơ ung thư vú 20% so với những người chỉ ăn loại rau này vài lần/tháng. Lý do, trong rau bắp cải còn chứa hoạt chất indol có tác dụng phòng chống ung thư vú.
Loại rau trị đau họng: Khi bị đau họng, uống hỗn hợp nước bắp cải và củ cải cho thêm chút mật ong nửa giờ trước bữa ăn. Bạn sẽ thấy tác dụng nhanh chóng.
Loại rau trị đau khớp: Khi bị đau nhức, lấy lá bắp cải hơ nóng rồi đắp lên chỗ đau. Mỗi chỗ đau đắp 3-4 miếng bắp cải, rồi dùng vải buộc lại. Làm vài lần, chỗ đau sẽ hết. Trong bắp cải có chứa kháng sinh nên có thể dùng bắp cải để đắp lên vết mụn nhọt và vết sâu bọ đốt. Vì thế, khi bị mụn nhọt hoặc bị sâu bọ đốt, hãy giã lá bắp cải ra và đắp lên, sẽ thấy hiệu quả nhanh chóng. Lấy lá bắp cải cán dập gân lá, hơ nóng rồi áp lên chỗ đau. Mỗi chỗ đau đắp 3 – 4 miếng lá cải bắp, bên ngoài dùng vải dày áp lên rồi cột lại.
Đồng thời, đây cũng là loại rau có chứa nhiều vitamin C giúp làn da bạn trẻ trung và làm chậm quá trình lão hóa.
Hơn thế nữa, ngày nay chúng ta có thể ăn bắp cải quanh năm nhờ công nghệ trồng trong nhà kính hoặc ở những khu vực mát mẻ.
Rau quả mang đến cho chúng ta một cách ấn tượng những lợi ích sức khỏe to lớn, và bông cải xanh cũng không ngoại lệ. Khi bạn ăn bông cải xanh (súp lơ xanh), bạn đang nhận được hàng chục, thậm chí hàng trăm siêu chất dinh dưỡng hỗ trợ cho sức khỏe cơ thể.
Những nghiên cứu gần đây trên các biểu mô, tế bào và chuột cho thấy một lượng sulfur rất lớn có trong bông cải xanh (sulforaphane) có tác dụng phong tỏa các enzyme phá hoại và làm tổn thương sụn. Người ta cho rằng việc đưa loại rau vào chế độ ăn uống của bạn có thể giúp làm chậm và thậm chí ngăn ngừa thoái hóa khớp.
Hơn nữa, hợp chất Sulforaphane trong bông cải xanh cũng đã được nghiên cứu cho thấy có tác dụng tiêu diệt các tế bào gốc ung thư, là nguyên nhân tăng trưởng khối u. Hơn nữa, hợp chất glucoraphanin - tiền thân của sulforaphane - có trong bông cải xanh có tác dụng tăng enzym tế bào bảo vệ chống lại những tổn thương từ các hóa chất trị liệu.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí PLoS One, cho thấy chỉ cần ăn bốn lần bông cải xanh mỗi tuần có thể bảo vệ người bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Sulforaphane trong bông cải xanh cũng có thể cải thiện đáng kể huyết áp và chức năng thận, theo một nghiên cứu khác được nêu ra. Các hợp chất tự nhiên có trong bông cải xanh cải thiện chức năng thận và hạ huyết áp của chúng.
Đặc biệt, đây cũng là loại rau chống lão hóa và hệ thống miễn dịch: Sulforaphane cũng dường như kích thích một loạt các yếu tố bảo vệ chống oxy hóa trong cơ thể của bạn, có thể trực tiếp làm giảm căng thẳng và làm chậm sự suy giảm hệ thống miễn dịch. Về lý thuyết, điều này có nghĩa rằng ăn rau có chứa sulforaphane, chẳng hạn như bông cải xanh, có thể quay ngược thời gian.
Sulforaphane khuyến khích sản xuất các enzym bảo vệ mạch máu, và làm giảm số lượng của các phân tử gây tổn thương tế bào - gọi là Reactive Oxygen Species (ROS) - lên đến 73 %. Những người bị bệnh tiểu đường có đến năm lần nhiều khả năng phát triển bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ - cả hai đều được kết nối với các mạch máu bị hư hỏng. Ăn bông cải xanh có thể giúp đảo ngược một số thiệt hại này.
Những lợi ích của bông cải xanh dường như vô tận. Loại rau này cũng được biết đến trong việc hỗ trợ giải độc của cơ thể của bạn nhờ vào dinh dưỡng thực vật glucoraphanin, gluconasturtiian, và glucobrassicin; chống viêm (viêm là gốc rễ của nhiều bệnh mãn tính) và chống dị ứng do có chứa kaempferol flavonoid. Do có chứa một lượng đáng kể các chất xơ nên thuận lợi cho tiêu hóa được tốt hơn.
Bông cải xanh cũng hỗ trợ sức khỏe mắt, nhờ vào mức độ cao của carotenoid lutein và zeaxanthin hay cũng tốt cho làn da của bạn, vì sulforaphane giúp tái tạo tổn thương da và giàu chất dinh dưỡng có lợi như kali, canxi, protein và vitamin C. Loại rau này có thể làm giảm lượng đường trong máu, vì nó có chứa chất xơ hòa tan và crom.
Đặc biệt, bông cải xanh hỗ trợ sức khỏe tim mạch nhờ có chứa lutein, giúp ngăn ngừa sự dày lên của các động mạch.
Cũng giống như bắp cải, ngày nay chúng ta có thể tìm mua được bông cải xanh quanh năm trong các siêu thị vì Việt Nam là đất nước có nhiều kiểu khí hậu ở mỗi vùng miền nên chúng ta có thể trồng và thu hoạch được loại rau này quanh năm.
Khoai lang là thực phẩm quen thuộc được nhiều người ưa thích vì có giá trị dinh dưỡng cao, giá thành lại rẻ và dễ ăn, dễ chế biến.
Khoai lang là một loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe cùng nhiều khoáng chất và vitamin thiết yếu. Trong 100g khoai lang chứa 90kcal, 2g đạm, 7,05g tinh bột, 3,3g chất xơ, 0,15g chất béo, 38mg canxi…
Khoai lang là một nguồn cung cấp beta-carotene phong phú. Trong khoai lang có carotenoid, một chất chống oxy hóa giúp gan chuyển đổi beta-carotene tiêu thụ thành các loại vitamin giúp tăng cường sức khỏe.
Đặc biệt, ăn khoai lang cả vỏ sẽ giúp quá trình tiêu hóa diễn ra ổn định hơn. Khoai lang chứa lượng vitamin, khoáng chất, chất xơ và carbohydrate cao có tác dụng hỗ trợ chữa lành các vết loét dạ dày và ruột, điều trị hội chứng ruột kích thích nhờ chứa các chất chống ôxy hóa.
Ngoài ra, chất xơ trong khoai lang còn tạo môi trường để vi khuẩn có lợi trong ruột kết phát triển và giữ cho các tế bào niêm mạc ruột luôn khỏe mạnh.
Khoai lang chứa anthocyanin, một chất chống oxy hóa mạnh. Anthocyanin đã được chứng minh là có tác dụng hỗ trợ tăng cường trí nhớ cũng như tăng cường sự tập trung.
Không chỉ đối với người lớn, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ thực phẩm giàu anthocyanin giúp hỗ trợ tăng cường sự tập trung và chú ý ở trẻ em. Chế độ ăn giàu trái cây, rau quả trong đó có khoai lang có thể hỗ trợ giảm 13% nguy cơ suy giảm tinh thần và sa sút trí tuệ.
Khoai lang được cho là an toàn với người bệnh là vì nó có chỉ số đường huyết thấp. Vì thế chúng giải phóng đường trong máu chậm hơn các thực phẩm giàu tinh bột khác từ đó giúp hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu và giảm tình trạng kháng insulin.
Khoai lang chứa một lượng chất xơ có thể lên men và hòa tan nên sẽ giúp cơ thể có được cơ chế tự duy trì và điều chỉnh cân nặng tự nhiên. Các chất xơ trong đó có pectin sẽ giúp giảm lượng thức ăn hiệu quả và làm tăng hoạt động của các hormone trong cơ thể.
Khoai lang chứa những chất oxy hóa mạnh mẽ giúp hỗ trợ phòng ngừa ung thư. Và đương nhiên đây cũng là một loại củ có thể trồng và thu hoạch quanh năm. Hơn nữa khoai lang có giá thành rất rẻ và có thể tìm thấy ở mọi nơi.