An Giang: Nhờ chiếc máy "thần thánh" tuy nhỏ mà có võ, bà con nông dân Bảy Núi nấu đường thốt nốt "khỏe re"

Thứ hai, ngày 20/03/2023 11:00 AM (GMT+7)
Cây thốt nốt là sản vật quý báu, là văn hóa đặc trưng của vùng đất Bảy Núi, tỉnh An Giang. Nấu đường thốt nốt cũng vì thế mà trở thành nghề truyền thống, được người dân nơi đây bảo tồn.
Bình luận 0

Hiện nay, nghề nấu đường thốt nốt của đồng bào Khmer ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang được công nhận là làlng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Dù vậy, người trong phum, sóc không ai biết nghề nấu đường này có từ bao giờ, chỉ biết rằng có một truyền thuyết.

Giọt nước trên cao

Chuyện kể về nghề nấu đường thốt nốt là một truyền thuyết được đồng bào Khmer truyền tụng qua nhiều đời. Bà Néang Kim Hương (50 tuổi) kể: "Hồi đó, có người đàn ông chăn bò, nằm ngủ trưa dưới gốc cây thốt nốt. Đang nằm ngủ thì có giọt nước rơi xuống ngay miệng. Nếm được vị ngọt nên người này leo lên cây thốt nốt xem thử, phát hiện nước chảy ra từ đọt hoa bị gãy. Sau đó, ông mang ống tre đến hứng nước, rồi đem về gia đình uống. Nhưng nước thốt nốt để lâu sẽ bị chua nên người ta mới nghĩ đến cách chế biến thành rượu và cô đặc lại thành đường tán như ngày nay".

Những ngày này ở phường An Phú (thị xã Tịnh Biên) - nơi được ví là "thủ phủ" thốt nốt của cả vùng Bảy Núi, đang vô cùng nhộn nhịp. Bà Néang Kim Nel (phường An Phú) nói cứ vào mùa khô, nghề nấu đường thốt nốt chính thức vào vụ. "Mùa này, thốt nốt cho nước ngọt, nấu ra nhiều đường, lại rất thơm. Không chỉ vậy, mùa khô thì ít mưa, nên việc leo lên cây lấy nước cũng ít nguy hiểm hơn" - bà Kim Nel nói.

An Giang: Nhờ chiếc máy "thần thánh" tuy nhỏ mà có võ, bà con nông dân Bảy Núi nấu đường thốt nốt "khỏe re" - Ảnh 1.

Người dân địa phương lấy nước thốt nốt từ trên cây

Việc lấy nước thốt nốt, anh Chau Thanh (con bà Kim Nel) đã làm quen hơn 10 năm nay. Từ 4-5 giờ, anh đã bắt đầu công việc. Mất khoảng 3-4 giờ, anh đã leo lấy nước xong hơn 30 cây thốt nốt. "Tôi dùng cây tre làm thang để leo lên ngọn cây. Sau đó, dùng dao bén gọt bỏ phần ngọn của cuống hoa, rồi lấy chai nhựa hứng nước chảy ra từ đó. Nói thì nghe dễ nhưng thật ra nghề leo trèo này nguy hiểm lắm" - anh Thanh bộc bạch.

Nước thốt nốt sau khi đem về được lọc sạch rồi cho vào nồi nấu. Quá trình nấu phải chỉnh lửa cho đều và dùng chiếc đũa dài thường xuyên khuấy nước. "Mệt nhất là khuấy đường, phải khuấy liên tục, nếu để lửa lớn mà khuấy chậm thì đường bị đỏ, không còn ngon nữa. Tôi làm nghề đã hơn 20 năm, khuấy cũng quen tay nhưng lần nào cũng mệt và mỏi tay lắm. Ai nấu đường cũng đều sợ nhất công đoạn này. Nhưng đường có ngon hay không cũng nhờ công đoạn này" - bà Kim Nel chia sẻ.

Nghề nấu đường thốt nốt: Ngày càng chuyên nghiệp

Một mẻ đường thường mất 6-7 giờ để nước cô đặc. Sau đó, người ta nhắc chảo ra khỏi lò, khuấy phần mặt đường liên tục 30 phút để tách phần bọt trắng, đường lúc này có màu vàng tươi đặc trưng. Bình quân khoảng 7 lít nước thốt nốt sẽ thu về 1 kg đường. Xưa nay, các công đoạn nấu đường thốt nốt được đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi thực hiện chủ yếu bằng phương pháp thủ công như vậy.

Hiểu được khó khăn của những người thợ nấu đường và cũng là người con của vùng Bảy Núi, ông Phạm Quốc Huy (SN 1985; ngụ thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn) đã chế tạo thành công máy khuấy đường, một sản phẩm góp phần bảo tồn nghề nấu đường thốt nốt của bà con Khmer.

An Giang: Nhờ chiếc máy "thần thánh" tuy nhỏ mà có võ, bà con nông dân Bảy Núi nấu đường thốt nốt "khỏe re" - Ảnh 2.

Ông Phạm Quốc Huy (thứ 2 từ phải qua) giới thiệu về chiếc máy

Ông Huy cho biết chiếc máy khuấy đường khá đơn giản, chỉ có khung bằng kim loại, trục xoay, cánh quạt và motor điện. Máy tiêu thụ khoảng 1 KW trong 5 giờ hoạt động. Đặc biệt, máy giúp tăng tốc độ sản xuất lên gấp 4-5 lần; sản phẩm làm ra có độ đồng nhất về chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó là những yếu tố quan trọng góp phần quảng bá và bảo tồn đặc sản đường thốt nốt Bảy Núi.

"Phụ nữ Khmer thường đảm nhận việc nấu đường. Vài lần được xem bà con nấu đường, tôi thấy mệt nhất là khâu khuấy đường, càng khuấy đường càng sệt thì càng nặng tay. Vì thế, chiếc máy này có thể giúp bà con đỡ vất vả phần nào" - ông Huy chia sẻ.

Còn bà Néang Kim Nel cho hay: "Từ lúc có máy khuấy đường, tôi được rảnh tay để làm việc khác, so với trước thì khỏe hơn nhiều. Mỗi mẻ khoảng 10 kg, máy khuấy khoảng 30 phút là xong, đường lên màu đẹp lắm" - bà Nel tíu tít khen.

Nói về hiệu quả của chiếc máy khuấy đường, ông Chau Kim Son, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn, cho rằng chiếc máy đã thiết thực góp phần giúp bà con dân tộc Khmer tiếp tục lưu giữ, bảo tồn và phát triển nghề nấu đường thốt nốt truyền thống tại địa phương.

"Hiện nay, gần 100 hộ ở Tri Tôn và Tịnh Biên nhận được chiếc máy này thông qua dự án bảo tồn nghề nấu đường thốt nốt. Mỗi chiếc máy khoảng 6 triệu đồng nhưng tôi nghĩ, giá trị thực của nó mang lại cho việc bảo tồn làng nghề nấu đường thốt nốt vùng Bảy Núi này là rất lớn" - ông Son khẳng định.

Tăng thu nhập cho bà con

Ông Nguyễn Văn Nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang, cho biết: "Chỉ người dân địa phương có nhiều gắn bó với đời sống của bà con dân tộc Khmer mới thấu hiểu được nghề nấu đường thốt nốt vất vả thế nào.

Chiếc máy của anh Phạm Quốc Huy chế tạo có thể khá đơn giản nhưng thực tế đã góp phần đáng kể cho việc bảo tồn nghề nấu đường thốt nốt. Bởi sản phẩm đường làm ra được đồng nhất về chất lượng, lại tiết kiệm được thời gian, công sức và hơn hết là tăng thu nhập cho bà con. Nghề này đã nuôi sống bao thế hệ người Khmer ở vùng Bảy Núi và nó sẽ còn gắn bó lâu dài với đồng bào dân tộc tại đây".

Vĩnh Kỳ (Người Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem