Từ phong trào, có nhiều tấm gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, tiêu biểu là ông Trần Hoàng Thái, Bí thư Chi bộ ấp Phú Nhuận, xã Nguyễn Huân huyện Đầm Dơi.
Đến địa phận ấp Phú Nhuận, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau), hỏi thăm ông Trần Hoàng Thái ai cũng đều biết, bởi ông không những là Bí thư Chi bộ ấp Phú Nhuận nhiệt tình, hăng say trong công việc, còn là một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình nuôi tôm chuyên canh và nuôi tôm dưới tán rừng.
Mô hình nuôi tôm sú kết hợp nuôi cua dưới tán rừng của ông Trần Hoàng Thái, ấp Phú Nhuận, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau).
Gia đình ông Trần Hoàng Thái là một trong những gia đình gương mẫu, các con của ông đều thành đạt, nhà cửa khang trang.
Xuất thân trong gia đình cần cù, chịu khó làm ăn, tiếp nối truyền thống của cha mẹ khi lập gia đình ông rất chăm chỉ, chịu thương chịu khó và đã có được 8,7 ha đất. Nhưng lúc đó làm lúa, lại nuôi 8 người con ăn học, nên gia đình không dư nhiều, chỉ tạm đủ lo cho các con ăn học.
Mô hình nuôi cua kết hợp nuôi tôm sú dưới tán rừng của gia đình ông Thái và nhiều hộ gia đình khác đã góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo ở xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau).
Với nỗ lực của bản thân, khi nhà nước chuyển dịch chuyển từ vùng trồng lúa sang nuôi tôm và nuôi tôm dưới tán rừng, gia đình ông dần dần khá lên.
Khi mới bắt đầu làm vuông tôm, mỗi nước xổ tôm, mỗi đêm ông thu hoạch mấy vỏ lãi tôm, cua, cá. Lúc đó giá tôm, cua, cá các loại đều rẻ, không đắt như bây giờ, nhưng bù lại giá vàng lúc đó cũng rẻ, chỉ vài trăm nghìn đồng 1 chỉ vàng.
Mỗi khi bán tôm, cua có tiền là ông Thái mua vàng tích lũy, lâu ngày ông dành dụm sang thêm đất của những hộ lân cận và mở rộng diện tích nuôi tôm, nuôi cua. Hiện nay ông có 30 ha “nuôi tôm dưới tán rừng” và 15 ha đất nuôi tôm chuyên canh.
Nhờ có thời gian nuôi cua, nuôi tôm khá lâu, rút ra nhiều kinh nghiệm, cộng thêm ông tìm hiểu khoa học kỹ thuật trên sách báo, qua công nghệ thông tin và một phần nhờ con ông (tốt nghiệp đại học ngành thủy sản) hướng dẫn thêm, ông Thái càng giữ vững lòng tin trong việc cải tạo nuôi tôm chuyên canh, nuôi tôm dưới tán rừng. Từ đó, mỗi năm gia đình ông có thu nhập khoảng 3,5 tỷ đồng, trừ chi phí còn lại lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng.
Bản thân là Bí thư chi bộ ấp Phú Nhuận, trong xây dựng nông thôn mới, ông Thái đã hiến đất của gia đình cho nhà nước xây dựng trụ sở sinh hoạt văn hóa ấp Phú Nhuận, cho Điện lực Cà Mau cắm bảng an toàn về điện, nhằm tuyên truyền cho mọi người sử dụng an toàn, tiết kiệm điện.
Mỗi khi họp Chi bộ hoặc sinh hoạt Chi Hội Nông dân, trong quá trình nuôi thủy sản, có những cách làm hay, sáng tạo ông đều truyền đạt cho mọi người nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân về kiến thức nuôi tôm, nuôi cua.
Ông Trần Hoàng Thái cho biết: “Năm nay tôi đã 62 tuổi, với cuộc sống như hiện nay tôi không có niềm vui nào lớn hơn khi thấy các con mình thành đạt và tôi luôn khuyên dạy các con rằng khi các con đã chọn ngành nghề cho mình thì phải găn bó với nghề mà đã chọn, không được bỏ cuộc giữa chừng. Hiện tại 8 người con nhưng 5 người con tôi đã tốt nghiệp đại học”.
Căn nhà khang trang của gia đình ông Trần Hoàng Thái, ấp Phú Nhuận, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau).
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Huân cho biết thêm: Từ năm 2020 đến nay, ông Thái đều đạt hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương...
Ông Thái luôn là một trong những người tiêu biểu, nhiệt tình trong các phong trào của Hội Nông dân và có nhiều đóng góp trong hoạt động xây dựng nông thôn mới của xã; được UBND xã tặng nhiều giấy khen.
Đối với gia đình ông Thái là một người cha mẫu mực, một người ông đáng kính, dạy dỗ các con cháu nên người. Mong rằng trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động của Hội, nhất là phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi để hội viên, nông dân học tập.