Vì sao ở Cà Mau dân bắt được nhiều cá rô đồng nhất là vào sáng sớm hoặc chiều tối?
Vì sao ở Cà Mau dân bắt được cá rô đồng nhiều nhất là vào sáng sớm hoặc chiều tối?
Thứ hai, ngày 02/01/2023 18:49 PM (GMT+7)
Về vùng ngọt Cà Mau mùa này, thú vui không thể bỏ qua là đi giăng lưới cá rô đồng, rồi thưởng thức những món ăn tuy dân dã nhưng rất ngon lành từ con cá rô, ngay trong gian bếp nhà quê thân thương, ấm áp.
Thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa hè thu ở Cà Mau đã thu hoạch xong, đất được nghỉ ngơi một thời gian, chờ tới vụ đông xuân.
Những mảnh ruộng chìm trong mênh mông nước với màu vàng đục của phù sa, là môi trường ưa thích cho các loài cá đồng kiếm ăn. Chỉ với một tay lưới neo qua đêm, người ta có thể bắt được khá nhiều cá, mà nhất là rô đồng.
Lưới giăng cá rô thường xài mắt cỡ 5 phân là vừa, mắt lưới nhỏ hơn dễ dính các loại cá giống. Chiều cao lưới (dân nông thôn hay gọi là dạo) từ phao nổi cho đến giềng dưới từ 5-6 tấc, độ dài ngắn của tay lưới tuỳ theo bề rộng mặt ruộng.
Lưới ở tiệm bán thường được bắt giềng sẵn, nhưng những tay “sát cá” có hạng ít khi nào vừa ý. Khi mua lưới thường mua kèm dây gân, về nhà tự bắt giềng lại, rồi thêm bớt phao, chì, chỉnh độ chùng của lưới… để khi giăng bắt được nhiều cá hơn.
Thời điểm giăng lưới cá rô lý tưởng nhất là lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Người đi giăng lưới chọn nơi ưng ý, dùng tay vẹt cỏ, gốc rạ, rong rêu tạo thành một khoảnh trống đủ rộng cho giềng dưới chìm tới đáy ruộng.
Lưới giăng không quá thẳng, cũng không quá chùng, vừa đủ cho cá mắc vào, vùng vẫy rồi dính chặt vào lưới. 2 đầu lưới được cố định bằng 2 cây nhỏ cỡ ngón tay cái, cắm chặt xuống đất ruộng, gọi là “đài”. Cây đài vừa có tác dụng giữ lưới không cho trôi đi, vừa là dấu hiệu nhận diện cho người đi thăm lưới có thể nhìn thấy từ xa.
Nông dân vùng ngọt Cà Mau thường chọn thời điểm chiều tối hoặc sáng sớm để giăng lưới bắt cá rô đồng.
Những chỗ cá đi nhiều, người đi giăng có thể neo lưới 2, 3 đêm mới dời sang chỗ khác, nhưng lưới cũng cần được cuốn vô nhà, giặt sạch cho sợi lưới bén thì mới nhạy cá. Lưới neo một chỗ lâu quá đóng rong, hoặc cá đi tránh luồng khác.
Cá rô đồng bình thường ẩn náu dưới các ao đìa, hoặc kênh mương sâu; ban đêm, hoặc khi trời mát thì mò lên ruộng, lên trảng kiếm ăn, rồi mắc lưới, có khi cả chùm. Một tay lưới giăng phủ kín bề ngang mặt ruộng, sau một đêm thu hoạch được 2-3 ký cá rô là chuyện bình thường.
Người dân nông thôn thường giăng lưới vào chiều hôm trước, sáng sớm hôm sau thì đi thăm. Cá cũng lên ruộng nhiều khi trời mưa. Giăng tay lưới mà đêm hay sáng sớm có đám mưa lớn được coi là điềm may.
Bơi xuồng đi thăm lưới, hễ thấy cây đài giật giật liên tục, hoặc đổ nghiêng là biết cá nhiều. Dính nhiều cá thì vui, nhưng gỡ cá rô dính lưới cũng không phải chuyện dễ dàng gì, bởi rô đồng có nhiều gai và vảy cứng. Dân chuyên nghiệp giăng lưới hàng đêm, mà bàn tay vẫn chi chít những vết cá đâm.
Cá rô đồng đạt kích cỡ, thịt ngon nhất vào thời điểm cận Tết, sau khi chúng ăn no nê lúa ngậm sữa ở gần các con mương nội đồng. Mùa này, cá đã lớn cỡ 2, 3 ngón tay, được xem là vừa ăn. Cá rô đồng tuy hơi nhiều xương, nhưng bù lại có lớp thịt dày, lại thơm và ngọt, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon.
Ðơn giản nhất là nấu canh, kho tộ rắc tiêu, thêm ít tóp mỡ, hoặc đem cặp gắp nướng than. Món nào cũng hấp dẫn.
Hôm nào thăm lưới được vài con rô đồng chết ngộp thì đem muối sơ rồi chiên, hoặc kho lạt. Thịt cá rô chết ngộp có vị béo béo, bùi bùi rất đặc trưng. Món ăn này, ai chưa biết nghe qua có vẻ lạ, nhưng nó là một trời tuổi thơ của biết bao người, là nỗi nhớ khắc khoải của những người con xa xứ. Nhắc tới là nhớ, là thèm đến tê đầu lưỡi.
Cầu kỳ hơn, nhà bếp có thể chọn ra những con cá rô lớn, nấu nồi mắm kho với nấm rơm, rồi ăn với bông súng, rau đồng. Người ở chợ, hay những ai ngán thịt thà, gặp mấy món này thì ăn tới quên thôi.
Không biết tự bao giờ, “cá rô kho tộ, cá lóc nấu canh chua” đã trở thành câu cửa miệng, như một nét đặc trưng cho ẩm thực xứ Cà Mau. 2 món này mặc nhiên là ưu tiên số một của thực khách khi ghé Cà Mau, thậm chí người Cà Mau đi xa, khi vào quán xá cũng muốn ăn cho được!
Hôm trước về quê, thăm lưới được mấy con rô đồng, đăng lên Facebook chơi, ông thầy tôi ở tận Hà Nội cũng vào thả tim rồi bình luận “rô đồng là nhất”. Nhớ những dịp thầy vào Nam dạy, rồi đi thăm thú các nơi, được học trò đãi món cá rô kho tộ, thầy ăn mà khen tấm tắc mãi.
Nói đâu xa, ngay ông ngoại tôi là người xứ Cà Mau, mà vẫn mê mẩn món cá rô đồng. Xưa, mỗi lần chuẩn bị về thăm ngoại là ba má tôi lại kiếm thật nhiều cá rô, mang về biếu ngoại.
Món ưa thích nhất của ông ngoại là cá rô đồng nướng than, thơm nức mũi. Ngoại mất lâu rồi, mà giờ mỗi bữa cơm, thấy con cá rô đồng trên mâm là má tôi lại nhớ tới ngoại, nhớ về những kỷ niệm đẹp của ngày xưa.
Nếu thèm ăn cá rô, ra chợ bây giờ có thể dễ dàng mua được, nhưng không phải lúc nào cũng có cá rô đồng thứ thiệt. Cá rô nuôi tuy bự con, nhưng chất lượng thịt thì thua xa rô đồng ở xứ ngọt quê tôi.
TP Cà Mau dạo này ngày nào cũng mưa, thấy mấy ông hàng xóm chiều chiều vác lưới đi giăng bắt cá ở mấy cái ao trong hẻm, tôi cứ thèm một bữa về quê giăng lưới rô đồng. Bà chị ở quê thỉnh thoảng lại điện lên khoe, tối qua giăng được cả rổ cá rô, lớp ăn lớp rọng, nghe mà… tức tức.
Vài hôm hết giãn cách, việc đầu tiên tôi sẽ làm là phi xe về quê, đi giăng lưới kiếm mớ cá rô đồng, kho tộ một nồi ăn cho thoả thích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.