Dân Việt

Loạt dự án cao tốc Bắc - Nam khó về đích đúng hẹn ngày 30/4

Thế Anh 24/03/2023 06:05 GMT+7
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, 3 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45; Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến hẹn về đích ngày 30/4/2023. Thời điểm này, các chủ đầu tư cũng như nhà thầu đang gồng sức theo tiến độ.

Cao tốc Bắc - Nam gặp khó vì vật liệu

Tất cả sự nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu đều gặp phải khó khăn do thiếu hụt vật liệu đất đắp. Nhằm đưa dự án về đích đúng tiến độ, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép các nhà thầu tiếp tục được khai thác ngay vật liệu đất đắp trong phạm vi trữ lượng các mỏ đã được cấp phép để thi công các gói thầu đến khi hoàn thành dự án.

Vì sao loạt dự án cao tốc Bắc - Nam gặp khó về địch đúng hẹn ngày 30/4? - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: CTV

Điển hình tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang thiết hụt vật liệu đất đắp. Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét giao UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện, đảm bảo không gián đoạn việc khai thác vật liệu đất đắp tại các mỏ đã được cấp.

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2/2023 (Nghị quyết số 31/NQ-CP, ngày 7/3/2023), Chính phủ đã có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ dự án cao tốc Vĩnh Hảo -Phan Thiết.

Qua đó, Nghị quyết đồng ý cho phép UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản đất đắp cho nhà thầu đã khai thác trước đó để tiếp tục cung cấp vật liệu cho dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết trên cơ sở trữ lượng khoáng sản còn lại và hồ sơ, tài liệu hiện có (không phải lập lại dự án đầu tư, không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường).

Đồng thời, yêu cầu nhà thầu điều chỉnh tiến độ đầu tư khai thác khoáng sản cho phù hợp với thời gian cấp lại giấy phép.

Đến nay, Bộ GTVT đã trực tiếp làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận và các sở, ban, ngành đồng thời chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu khẩn trương làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận để triển khai các thủ tục nhằm tiếp tục khai thác các mỏ đất đã cấp cho dự án.

Lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận nếu thực hiện đúng quy định trên, thời gian nhanh nhất cho đến khi được cấp phép vật liệu đất đắp mất khoảng 6 tháng và dự án không thể đáp ứng tiến độ hoàn thành đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, do chưa được gia hạn nên từ ngày 10/12/2022 đến nay, các nhà thầu không có vật liệu đất đắp để thi công, máy móc, thiết bị, nhân lực đã huy động phải chờ đợi, gây lãng phí.

Ông Huy cho rằng: "Với khối lượng còn lại, nếu trong tháng Ba này sớm cho phép khai thác các mỏ vật liệu đất đắp và nhà thầu triển khai thi công 3 ca, 4 kíp thì dự án mới kịp hoàn thành toàn vào ngày 30/4/2023.

"Trong thời gian 3 tháng 10 ngày vừa qua, nhà thầu mong ngóng, chờ đợi nguồn vật liệu đất đắp, trong khi máy móc thi công nằm chờ nên khấu hao, tiền chi trả nhân công khiến thiệt hại lên tới 30 tỷ đồng", ông Huy nêu rõ.

Vì sao loạt dự án cao tốc Bắc - Nam gặp khó về địch đúng hẹn ngày 30/4? - Ảnh 2.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: N.H

Cần cấp phép khai thác mỏ đất

Cũng theo ông Huy, các nhà thầu cũng đã khảo sát được mỏ đất nhưng cách dự án 38km, giá đất mua tại mỏ 80.000 đồng/m3 (trong khi giá đấu thầu dự án chỉ 45.000 đồng/m3), "cõng thêm" cước vận chuyển 2.000 đồng/km.

"Với đơn giá đấu thầu trước đó, nhà thầu lỗ quá nên không thể bỏ thêm tiền để mua đất. Nhà thầu mong muốn Chính phủ, các bộ ngành sớm giải quyết dứt điểm nguồn cung vật liệu đất đắp để dự án về đích đúng tiến độ đề ra," ông Huy nói.

Trong khi đó, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết: "Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ dự thảo Nghị quyết cho phép tiếp tục tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Theo dự thảo Nghị quyết này, với các mỏ được cấp cho dự án theo Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ về áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam đã hết hạn khai thác nhưng còn trữ lượng.

UBND tỉnh Bình Thuận và các tỉnh có dự án cao tốc đi qua căn cứ chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết để cho phép các nhà thầu tiếp tục khai thác các mỏ vật liệu cung cấp cho dự án theo trữ lượng ghi trong giấy phép đã cấp.

Sau khi kết thúc khai thác, các nhà thầu thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, bàn giao đất cho địa phương quản lý theo quy định.

"Dự án cần được cho phép khai thác các mỏ vật liệu đất đắp trong tháng Ba mới có thể về đích vào 30/4. Bộ Giao thông Vận tải cam kết sẽ chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu đảm bảo việc khai thác đất đắp tại các mỏ chỉ được dùng để thi công cho các gói thầu của dự án," lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Tương tự, tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) cho biết, quá trình thi công dự án bị thiếu khoảng trên 600.000m3 đất đắp.

"Số đất đắp này phục vụ thi công các hạng mục đường gom dân sinh, đường song hành, đường dẫn các đầu cầu vượt qua đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai", đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cho hay.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long, từ đầu năm 2023, sau khi các dự án hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi đất dôi dư sử dụng làm vật liệu san lấp phục vụ dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hết thời hạn được cấp phép (hết hạn 31/12/2022), Ban Quản lý dự án Thăng Long cũng đã kiến nghị tỉnh Đồng Nai cho gia hạn thời gian khai thác đến ngày 30/4. Tuy nhiên kiến nghị này đến nay vẫn đang được xem xét và chưa có kết quả.