Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi theo chân ông Nguyễn Thành Anh - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trường Thọ, xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) để chiêm ngưỡng cánh đồng lúa xanh, trải dài ngút tầm mắt. Thời điểm này, những cây lúa đang độ phát triển tươi tốt để trổ bông kết hạt.
Chỉ tay về cánh đồng ruộng lúa xanh mượt, ông Anh cho biết, cánh đồng này được bà con nông dân áp dụng mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường và vụ lúa Đông- Xuân này hứa hẹn cho vụ mùa bội thu…
Là một trong những người tiên phong áp dụng mô hình trồng lúa thân thiện với môi trường với diện tích 1 sào (1.000 mét vuông), nông dân Trương Thành Thái ở thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu cho biết, đây là vụ thứ hai gia đình ông trồng lúa theo phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường do Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ, chuyển giao.
Theo ông Thái, trước khi thực hiện mô hình, ông rất lo lắng bởi trước đây đã quen canh tác theo truyền thống là sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu để đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Tuy nhiên, qua thực tế áp dụng với các biện pháp kỹ thuật cơ bản như cấy mạ non; tưới ướt, khô xen kẽ; bón phân hữu cơ và xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh sau thu hoạch,… hiệu quả mang lại rõ rệt so với canh tác lúa truyền thống.
"Nhờ áp dụng hợp lý các biện pháp kỹ thuật nên năng suất lúa tăng cao chưa từng thấy. Trước đây nông dân làm 1 sào (1000 mét) thu hoạch từ 600 đến 600kg đã được coi là đạt năng suất cao. Nhưng nay áp dụng mô hình mới này 1 sào có thể đạt trên 8 tạ. Ngoài ra, các chi phí khác như công cán, phân bón, thuốc trừ sâu… đều giảm. Nhờ đó mà nông dân chúng tôi có lãi được nhiều hơn…", ông Thái cho hay.
Ông Nguyễn Hữu Thành ở thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước) cho biết, sau khi dự án thí điểm mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường kết thúc, dù không còn nhận được sự tài trợ nhưng ông vẫn tiếp tục áp dụng sản xuất 4 sào lúa thân thiện với môi trường.
Theo ông Thành, khi áp dụng phương pháp sản xuất này đã giúp gia đình ông giảm chi phí đầu tư (phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động), giúp giảm lượng giống gieo sạ nhưng năng suất lúa vẫn không giảm. Từ đó, nâng cao lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe và môi trường.
Ông Trượng Văn Tin - Chủ tịch Hội nông dân xã Phước Hậu cho biết, qua hơn 1 năm với 4 vụ lúa áp dụng mô hình canh tác thân thiện môi trường đã mang lại kết quả tích cực. Năng suất lúa tăng gần gấp đôi so với canh tác truyền thống, trung bình 1ha đạt khoảng 8,2 tấn. Bên cạnh đó, lúa được canh tác thân thiện môi trường có giá bán cao hơn so với lúa truyền thống từ 200 – 300 đồng/kg, tăng hiệu quả kinh tế từ 7- 8 triệu đồng/ha.
"Với việc tạo ra chất lượng và năng suất lúa cao hơn, lại góp phần bảo vệ môi trường nên nông dân rất hào hứng, áp dụng làm theo. Đến nay, tòa xã Phước Hậu đã thành lập câu lạc bộ khuyến nông với 20 thành viên trồng lúa thân thiện môi trường. Qua đó nhân rộng mô hình canh tác lúa thân thiện lên hơn 22ha. Việc này hứa hẹn tạo ra lúa thương phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng...", ông Tin cho biết.
Theo ông Phạm Hữu Luận - Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Phước, với hiệu quả mang lại từ mô hình canh tác lúa thân thiện môi trường cùng những kỹ thuật canh tác lúa hiện có đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng hạt gạo trên những cánh đồng của huyện Ninh Phước.
"Song song với công tác tuyên vận động nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa, Hội Nông dân cũng thường xuyên phối hợp với UBND huyện Ninh Phước thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp. Qua đó giúp các hợp tác xã và bà con nông dân có điều kiện sản xuất lúa theo quy mô hàng hóa, giúp bà con nâng cao thu nhập, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh…"
Được biết, huyện Ninh Phước là địa phương trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận trong phát triển nông nghiệp, trong đó có cây lúa với diện tích gieo trồng hàng năm vào khoảng hơn 12.000 ha, sản lượng đạt 83.000 tấn. Ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn huyện, mỗi năm còn cung cấp hàng trăm tấn gạo hàng hóa cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Nguyễn Hữu Đức - Phó chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, với mục tiêu xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo OCOP, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Huyện cũng sẽ phối hợp với các ngành chức năng khảo sát một số vùng sản xuất lúa ở các xã, thị trấn để triển khai xây dựng sản phẩm gạo OCOP trong thời gian tới.
Trước mắt, địa phương sẽ ưu tiện nhân rộng mô hình trồng lúa thân thiện môi trường tại xã Phước Hậu. Đồng thời, xây dựng vùng sản xuất từ 10 -20 ha lúa tại xã Phước Thái làm thí điểm sản xuất gạo theo chương trình OCOP.
"Để làm được điều đó, UBND huyện Ninh Phước đã chỉ đạo xã Phước Thái khảo sát khu vực sản xuất, phối hợp với ngành chức năng cấp tỉnh tập huấn kỹ thuật về quy trình sản xuất lúa sạch cho các HTX và nông dân. Bên cạnh đó là kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với các HTX tiêu thụ sản phẩm, đồng thời hỗ trợ kinh phí để các HTX và nông dân tham gia chương trình OCOP…", ông Đức cho hay.
Ông Nguyễn Văn Tính - Phó chủ tịch Hội nông dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, dự án Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam, giai đoạn 1 đã và đang được triển khai tại 8 tỉnh khu vực miền Bắc. Giai đoạn 2, 3 triển khai tại 16 tỉnh khu vực miền Trung và miền Nam trong đó có Ninh Thuận.
Hội nông dân tỉnh Ninh Thuận cũng đã chọn 2 xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước) và xã Bắc Phong (huyện Thuận Bắc) làm địa bàn cơ sở để triển khai thí điểm mô hình.
Qua đánh giá 2 mô hình đã đạt những kết quả tích cực, chi phí sản xuất được kéo giảm, tỷ lệ hạt lúa chắc hơn, năng suất cao hơn, đảm bảo môi trường hơn, thu nhập nông dân cao hơn.
"Thông qua đây chúng tôi cũng muốn tuyên truyền, vận động bà con nông dân mạnh dạn áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường, gắn với chế phẩm vi sinh cải tạo đất và xử lý nhanh rơm rạ tại đồng. Việc này nhằm giảm thiểu khí thải, nâng cao chất lượng hạt gạo, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích...", ông Tính cho hay.