Vườn Quốc gia Phước Bình ở Ninh Thuận (Kỳ 3): Độc đáo “thần dược” cây chuối mồ côi của người Raglai

Đức Cường Thứ sáu, ngày 24/03/2023 13:28 PM (GMT+7)
Trước chuyến hành trình khám phá Vườn Quốc gia Phước Bình, chúng tôi thường nghe cánh mày râu nói nhiều về “thần dược” ở đây là cây chuối mồ côi. Đây là loại chuối rừng được trồng bằng hạt; chỉ sống cô độc một mình từ khi sinh ra cho đến khi chết....
Bình luận 0

"Thần dược" chuối mồ côi ở Vườn Quốc gia Phước Bình

Theo thông tin từ bà con nông dân xã Phước Bình( huyện Bác Ái tỉnh Ninh Thuận), loại chuối mồ côi này không chỉ có giá trị cao về mặt dinh dưỡng, chữa bệnh... mà còn mang lại giá trị kinh tế, là nguồn thu nhập chính của nhiều bà con Raglai ở vùng này.

Dạo quanh dưới chân suối Đa Mây, phóng tầm mắt về núi rừng và nhận thấy, cây chuối hột mồ côi đã phủ một màu xanh bạt ngàn lên núi rừng Phước Bình. 

Khám phá vườn Quốc gia Phước Bình ở Ninh Thuận (Kỳ 3): Độc đáo “thần dược” chuối mồ côi của đồng bào Raglai - Ảnh 1.

Cây chuối mồ côi thường sinh trưởng trên các sườn dốc, núi cao ở Vườn Quốc gia Phước Bình. (Ảnh: Đức Cường)

Ông Đà Rót Hà Phước, Chủ tịch Hội nông dân xã Phước Bình cho biết, cây chuối mồ côi (còn gọi chuối cô đơn) chỉ sống một mình từ lúc nảy chồi cho đến khi chết đi, không nảy cây con như các loài chuối khác.

Chỉ tay về góc chuối to tròn đang độ chín trĩu buồng, ông Phước cho biết thêm, chuối thường sinh trưởng, phát triển tốt ở các vùng núi cao. Thân cây phình to như chân voi rồi nhỏ dần tới ngọn. Mỗi cây chuối chỉ trổ một buồng duy nhất có hình thù như bông hoa sen để ngược.

Mỗi buồng chuối thường trổ từ 6 - 10 nải, mỗi nải từ 11-15 quả nằm khít nhau. Quả chuối có nhiều hạt nên ít ai sử dụng làm trái cây. Hạt chuối có màu đen và to gấp 1,5 đến 2 lần so với hạt của chuối hột rừng. Mỗi buồng chuối có thể thu hoạch từ 2-3 kg hạt tùy vào kích thước buồng.

Khám phá vườn Quốc gia Phước Bình ở Ninh Thuận (Kỳ 3): Độc đáo “thần dược” chuối mồ côi của đồng bào Raglai - Ảnh 3.

Khác với các giống chuối thông thường, buồng chuối mồ côi trổ ra hệt như búp sen để ngược. (Ảnh: Đức Cường)

"Ngày xưa người dân Raglai chúng tôi cũng chưa biết về tác dụng của loài chuối này nên chỉ dùng bẹ của thân chuối để nhai lấy nước uống mỗi khi lên rẫy, đi rừng. Sau khi biết được tác dụng của hạt chuối, người dân bản làng bắt đầu thu hái về để sử dụng làm thuốc hoặc ngâm với rượu để chữa các bệnh về đau lưng, xương khớp, tráng dương bổ thận… rất hiệu quả." ông Phước tiết lộ.

Cũng theo ông Đà Rót Hà Phước, từ tác dụng của chuối mồ côi, bà con Raglai bắt đầu truyền tay nhau "bí kíp" tăng cường sức khỏe, đời sống chăn gối vợ chồng bằng cách: rang vàng hạt chuối mồ côi trên bếp lửa rồi hạ thổ xuống đất. Sau đó cho vào ngâm với rượu gạo.

"Sau khi ngâm khoảng 3 tháng sẽ cho ra loại rượu hảo hạng với màu sắc bắt mắt. Nhiều người miền xuôi lên đây thưởng thức rượu thấy vị thơm ngon, màu sắc hệt như rượu ngoại Chivas nên gọi vui là Chivas Phước Bình…", ông Phước cười nói.

Clip Chuối hột mồ côi, thần dược - tráng dương bổ thận của người Raglai ở Phước Bình. Thực hiện: Đức Cường

Xây dựng thương hiệu "Chuối hột mồ côi Phước Bình"

Thích thú dẫn chúng tôi tham quan vườn thực vật trong khuôn viên vườn Quốc gia Phước Bình, anh Tô Quốc Phát, nhân viên phòng khoa học và hợp tác quốc tế vườn Quốc gia Phước Bình cho biết, đi Phước Bình mà không tìm hiểu và thưởng thức rượu chuối mồ côi thì coi như chưa đi!

Khám phá vườn Quốc gia Phước Bình ở Ninh Thuận (Kỳ 3): Độc đáo “thần dược” chuối mồ côi của đồng bào Raglai - Ảnh 5.

Trái chuối mô côi sau khi chín được người dân hái về phơi khô để tách lấy hạt. (Ảnh: Đức Cường)

Nói rồi anh Phát dẫn chúng tôi tham quan để được xem tận mắt, sờ tận tay và chụp hình lưu niệm với cây chuối hột mồ côi Phước Bình.

Cũng theo anh Phát, chuối này mọc nhiều trên các cánh rừng dọc sông Đa Mây cũng như các dãy núi trong khu vực Vườn Quốc gia Phước Bình. Vào mùa nắng, rảnh rỗi việc đồng áng, đồng bào Raglai nơi đây thường lên rừng tìm hái chuối mồ côi mang về tách hạt rồi phơi khô để bán cho thương lái để tăng thu nhập. Thậm chí có nhiều người coi đây là thu nhập chính nuôi sống gia đình.

"Tùy theo chất lượng mà hạt chuối sau khi phơi khô có giá bán 60.000 – 70.000 đồng/kg, có thời điểm giá cao nông dân còn bán được giá 100.000 – 120.000 đồng/kg. Có khi còn cao hơn thế…", anh Phát cho hay.

Khám phá vườn Quốc gia Phước Bình ở Ninh Thuận (Kỳ 3): Độc đáo “thần dược” chuối mồ côi của đồng bào Raglai - Ảnh 7.

Hạt chuối mồ côi to gần bằng đầu ngón tay, hình tròn, màu đen có công dụng chữa một số bệnh xương khớp... (Ảnh: Đức Cường)

Theo lời anh Phát cho biết, để tránh bị thu hái cạn kiệt, chục năm trở lại đây, Vườn Quốc gia Phước Bình đã lấy hạt chuối hột cô đơn tự nhiên trên rừng mang về nghiên cứu nhân giống tại vườn ươm để bảo tồn.

Một số nông dân xã Phước Bình đã được chuyển giao kỹ thuật nhân giống để trồng chuối hột trên đất rẫy. Đến nay, nhiều hộ đồng bào Raglai đã trồng thành công chuối hột trên đất rẫy của gia đình. Sản phẩm hạt chuối sau khi thu hoạch đã xuất bán đi khắp các thị trường trong nước, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình bà con dân tộc Raglai.

Theo ông Đà Rót Hà Phước, Chủ tịch Hội nông dân xã Phước Bình, năm 2020 chuối hột mồ côi Phước Bình được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Ninh Thuận. Sản phẩm này có tiềm năng lớn để phát triển thành sản phẩm đạt chuẩn 5 sao và đã được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Chuối hột mồ côi Phước Bình".

"Đây là tin vui đối với nông dân vùng núi cao Phước Bình chúng tôi, nhờ đó mà nhiều người biết đến chuối hột cô đơn Phước Bình và hiểu hơn về đồng bào Raglai nơi núi rừng Bác Ái này...", ông Phước tự hào nói.

Khám phá vườn Quốc gia Phước Bình ở Ninh Thuận (Kỳ 3): Độc đáo “thần dược” chuối mồ côi của đồng bào Raglai - Ảnh 8.

Giới thiệu sản phẩm hạt chuối mồ côi tại triển lãm hàng OCOP vừa qua tại tuần lễ lướt ván diều năm 2022. (Ảnh: Đức Cường)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, nhằm phát triển sản phẩm chuối hột mồ côi Phước Bình lên một "tầm cao mới" tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức: Đưa sản phẩm vào các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thành phố, điểm du lịch để phục vụ người tiêu dùng, du khách; xúc tiến đưa sản phẩm vào siêu thị; tăng cường các hoạt động quảng bá, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ...

Song song đó là tiếp tục đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết trồng chuối hột mồ côi theo chuỗi giá trị với các hợp tác xã, doanh nghiệp, phấn đấu phát triển diện tích chuối mồ côi lên khoảng 100 ha vào năm 2025.

Công dụng của chuối mồ côi với sức khỏe và tác dụng chữa bệnh đã được các nghiên cứu của Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận phối hợp cùng Trung tâm Dược liệu Thành phố Hồ Chí Minh chứng minh.

Thành phần của hạt chuối mồ côi bao gồm các hợp chất chính: flavonoid, saponin, tannin, alkaloid, anthraquinone, coumarin, proanthocyanidin, anthocyanosid, triterpenoid.

Flavonoid là một hợp chất chống oxy hóa, kháng các gốc tự do gây tế bào ung thư, bảo vệ thận, gan, kháng viêm, giảm đau. Thành phần Saponin giúp kháng viêm, kháng nấm, tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ thần kinh.

Hợp chất Tannin có tính chất kháng virus, kháng khuẩn và chống oxy hóa. Alkaloid là hợp chất chống oxy hóa, kháng khuẩn có tác dụng với chứng rối loạn lo âu, và các bệnh lý về thần kinh như thoái hóa.Thành phần anthraquinone có đặc tính kháng khuẩn và có lợi cho hệ tiêu hóa.

Còn nữa

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem