Cả làng ở Phú Thọ nuôi con lúc non ăn lá, khi già biết bay, đẻ trong buồng tối, mang tiền ra cho dân

Hoan Nguyễn - Mạnh Thuần Chủ nhật, ngày 19/03/2023 05:25 AM (GMT+7)
Dân xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ kiếm khá tiền từ mô hình nuôi tằm ăn lá sắn. Con tằm khi già hóa ra con ngài (một dạng bướm), con ngài được dân đưa vào "giường tân hôn" là một buồng tối để ghép đôi. Cái kết là con ngài cái đẻ "vô tội vạ" mang tiền ra cho dân.
Bình luận 0

Clip: Mô hình ươm trứng tằm (thực ra là quá trình con tằm thoát xác thành con ngài) của ông Trương Hữu Trí, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) mang lại thu nhập cao, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 10 lao động địa phương. Video: Mạnh Thuần

Nuôi con ngài, ươm trứng tằm, nghề "một vốn bốn lời"

Ươm trứng tằm nhằm cung cấp con tằm giống ra thị trường từ lâu đã trở thành nghề đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân xã Đồng Lương (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ). Điển hình có thể kể đến ông Trương Hữu Trí (trú tại khu Thống Nhất, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) - Trưởng Làng nghề sản xuất trứng tằm ăn lá sắn Thống Nhất.

Ông Trí chia sẻ, để có được trứng tằm giống tốt đáp ứng được yêu cầu, ông thường xuyên lặn lội khắp các tỉnh thành trong cả nước để tìm kiếm. Do đó ông cho rằng, các tỉnh vùng cao như Sơn La, Yên Bái, Điện Biên là những nơi có trứng tằm giống khỏe, tốt.

Nuôi tằm trứng, lão nông thu lãi nửa tỷ một năm - Ảnh 2.

Trứng tằm giống được ông Trí chọn tuyển mua từ Sơn La về nuôi. Ảnh: Mạnh Thuần

"Vòng đời phát triển của con tằm từ khi còn là trứng cho đến lúc 'chín' khoảng 20 ngày. Khi tằm 'chín', người nuôi sẽ cho tằm làm kén rồi xâu chỉ thành chuỗi dài. Sau 20 ngày con tằm vào tổ, cuốn kén, nở thành con ngài. Tiếp đó, con ngài được đưa vào trong buồng tối để ghép đôi "hôn phối", cắt cánh. Lúc này, con ngài cái đã "thụ thai" sẽ đậu vào những thanh ngang trong khu vực nuôi riêng để đẻ trứng. Nhiều công đoạn là thế nhưng quá trình cho thu trứng tằm, mỗi lứa chỉ diễn ra trong 3 ngày…" - ông Trí nói.

Ông Trí cho biết, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng khi ấp trứng tằm đóng vai trò quyết định lớn nhất nhất đến tỷ lệ trứng tằm nở cao và nở tập trung. Do đó, để tăng hiệu quả và chất lượng trứng tằm nở ra, ông đã mạnh dạn đầu tư, lắp đặt hệ thống điều hòa nhiệt độ và phun sương tạo độ ẩm cho trứng tằm giống phát triển tốt nhất.

Trung bình mỗi năm gia đình ông Trí thu hơn 120 tấn kén tằm; tạo công ăn việc làm cho 5-12 lao động địa phương với mức lương ổn định từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.

Với giá bán trung bình 120 triệu đồng/tạ trứng tằm và 80 triệu đồng/tấn kén tằm, gia đình ông thu gần 500 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Thậm chí có năm trứng tằm được giá và nở tốt, ông thu về hơn 700 triệu đồng tiền lãi từ bán trứng tằm và kén tằm.

Nuôi tằm trứng, lão nông thu lãi nửa tỷ một năm - Ảnh 3.

Sau 20 ngày tằm vào tổ, cuốn kén, nở thành con ngài. Con ngài sau khi đưa vào buồng tối ghép đôi, cắt cánh sẽ cho ra các ổ trứng tằm...Ảnh: Mạnh Thuần

Ông Trí cho biết thêm, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và Hội Nông dân các cấp về vốn vay, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, kết nối thị trường tiêu thụ, việc nuôi trứng tằm ở xã Đồng Lương ngày càng được nhân rộng, phát triển, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình.

Ông Phan Trọng Lượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Lương cho biết, hiện địa bàn xã Đồng Lương có trên 100 hộ nuôi tằm để lấy nhộng tằm thương phẩm, chủ yếu mua trứng tằm giống từ hộ ông Trí.

Với mô hình này, nông dân không cần nhiều vốn, chỉ cần sắm sửa một số nong tre, dành một phần diện tích làm khu nuôi và trồng thêm sắn là có thể nuôi tằm được. Mỗi gói trứng tằm khi mua nặng 0,5kg, với giá 60.000 đồng. Người dân nuôi trứng tằm trong khoảng 15 ngày sẽ nở và cho thu hoạch khoảng 20kg tằm con, bán với giá 80.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, người nuôi tằm không lo đầu ra sản phẩm, bởi luôn có thương lái về tận nơi để thu mua. So với trồng lúa, ngô... nuôi tằm có thể gọi là nghề "một vốn bốn lời", mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con trong thời gian ngắn ngày.

Đưa trứng tằm trở thành sản phẩm OCOP

Năm 2018, UBND tỉnh Phú Thọ đã công nhận Làng nghề sản xuất trứng tằm lá sắn Thống Nhất xã Đồng Lương. Đến nay, các hộ gia đình đang tiếp tục đầu tư xây dựng mở rộng diện tích nuôi trứng tằm, vươn lên làm giàu, trở thành những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Nuôi tằm trứng, lão nông thu lãi nửa tỷ một năm - Ảnh 4.

Con ngài đậu vào những thanh ngang trong khu vực nuôi riêng để đẻ trứng. Ảnh: Mạnh Thuần

Ông Trương Hữu Trí nhấn mạnh: "Nuôi trứng tằm là nghề truyền thống ở xã Đồng Lương. Hiện nay, tôi đang tuyên truyền, vận động bà con chủ động đổi mới, chuyên nghiệp hóa các công đoạn sản xuất, mở rộng mô hình nuôi tằm con tập trung để bà con quản lý, theo dõi dịch bệnh ngay từ giai đoạn đầu nuôi. Đồng thời, vận động bà con đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất để nuôi tằm trong phòng điều hòa nhiệt độ, tránh rủi ro tằm hỏng trong mùa hè".

Nuôi tằm trứng, lão nông thu lãi nửa tỷ một năm - Ảnh 5.

Ông Trí đang đóng gói trứng tằm thu hoạch được để bán ra thị trường. Ảnh: Mạnh Thuần

Cũng theo ông Trí, hiện ông đang triển khai các giải pháp đưa trứng tằm và kén tằm trở thành sản phẩm OCOP của địa phương trong tương lai gần; nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết để tìm hướng đi bền vững cho làng nghề.

Ông Phan Trọng Lượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Lương (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) cho rằng: "Việc phát triển Làng nghề nuôi trứng tằm ở xã Đồng Lương đã mang đến làn gió mới cho phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở huyện Cẩm Khê. Qua đó góp phần tích cực vào nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, nông dân; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Từ đó, tạo động lực để xây dựng huyện Cẩm Khê sớm đạt chuẩn nông thôn mới, ngày càng giàu đẹp, phát triển".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem