Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 21/3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự; ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Chung – cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự.
Đây là vụ án thứ 4 mà ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố. Ở vụ án này, theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, ông Chung được xác định đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của Nhà nước để Công ty Sinh Thái Xanh, Công ty cây xanh Hà Nội và Nguyễn Tuấn Nghĩa (là các công ty, cá nhân có mối quan hệ thân thiết với ông Chung) được UBND TP.Hà Nội chỉ định đặt hàng thực hiện công tác trồng cây trên địa bàn TP.Hà Nội trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2018, từ đó được hưởng lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã bị khởi tố bị can trong 4 vụ án.
Vụ án đầu tiên mà ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố, bắt giam về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước". Thời điểm ông này bị khởi tố, bắt giam là cuối tháng 8/2020.
Ở vụ án đầu tiên, để nắm thông tin, tài liệu về quá trình điều tra vụ án "Buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu", xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan (gọi tắt là vụ án Công ty Nhật Cường) mà ông Nguyễn Đức Chung và vợ có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, ông Chung đã thông qua một người thứ ba để làm quen với 1 người được trưng dụng tham gia hỗ trợ điều tra vụ án Nhật Cường.
Sau khi bị cáo Chung đề nghị, người đó nhiều lần cung cấp các tài liệu liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường thuộc danh mục bí mật Nhà nước (ở mức độ "Mật").
Ngày 24/9/2021, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành cáo trạng, truy tố ông Chung và 2 bị can khác ra trước TAND TP.Hà Nội để xét xử trong vụ án liên quan đến việc mua sắm, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm nước hồ ở Hà Nội)
Sau khoảng 3 tháng bị bắt, trưa 11/12/2020, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội 5 năm tù về tội danh nêu trên. Ông chung không kháng cáo trong vụ án này.
Vụ án thứ 2 mà người từng đứng đầu UBND TP.Hà Nội bị khởi tố, đưa ra xét xử là vụ mua sắm, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm nước hồ ở Hà Nội.
Cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung và 2 đồng phạm bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Bản án sơ thẩm tuyên cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội 8 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Tổng hợp với bản án 5 năm tù về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước", bị cáo Nguyễn Đức Chung bị tuyên hình phạt chung là 13 năm tù.
Ông Chung kháng cáo. TAND Cấp cao tại Hà Nội sau đó chấp nhận đơn kháng cáo của ông Chung, sau xét xử phúc thẩm thì tuyên bị cáo 5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", tại vụ án mua chế phẩm Redoxy 3C.
Vụ án thứ 3 ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố là vụ sai phạm ở các gói thầu số hóa năm 2016, 2017 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội làm chủ đầu tư.
Ở vụ án liên quan các gói thầu số hóa này, ông Chung bị cáo buộc đã chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 trái quy định. Đồng thời, cơ quan truy tố cũng cáo buộc Công ty Minh Hoa do vợ ông Chung làm Giám đốc đã ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty Nhật Cường, có cơ sở xác định là hợp đồng khống để liên danh Nhật Cường - Đông Kinh hợp thức hóa hồ sơ năng lực để dự thầu và trúng thầu.
Bản án sơ thẩm ngày 31/12/2021, TAND TP.Hà Nội tuyên ông Nguyễn Đức Chung 3 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", theo Điều 281 Bộ luật hình sự 1999. Ông Chung kháng cáo.
Chiều 13/7/2022, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm. Theo phán quyết của Tòa phúc thẩm, ông Chung được giảm 1 năm tù do nộp nhiều bằng khen và chuyển từ kháng cáo kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt.
Trước ông Nguyễn Đức Chung, một vị lãnh đạo cấp cao cũng đã vướng lao lý trong 4 vụ án và hiện đang thi hành án, đó là ông Đinh La Thăng - cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Từ khi bị bắt vào tháng 7/2017, ông Đinh La Thăng đã 4 lần hầu tòa và lĩnh tổng cộng 30 năm tù giam (mức án cao nhất với tù có thời hạn), đồng thời phải bồi thường tổng cộng 830 tỷ đồng.
Ở vụ án thứ nhất, sai phạm của ông Đinh La Thăng khi còn giữ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN. Bản án phúc thẩm ngày 14/5/2018, tòa tuyên phạt ông Đinh La Thăng 13 năm tù, buộc phải bồi thường 30 tỉ đồng về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Tháng 6/2018, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên phạt ông này trong bản án thứ 2. Theo đó, Tòa phúc thẩm y án 18 năm tù, buộc ông Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng trong vụ án PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Oceanbank.
Đến năm 2020, cụ thể là ngày 22/12/2020, TAND TP.HCM đã tuyên phạt ông Đinh La Thăng 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" ở vụ án thứ 3. Trong vụ án sai phạm tại cao tốc TP.HCM - Trung Lương này, ông Thăng với tư cách là cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã bị cáo buộc để xảy ra nhiều vi phạm.
Ở vụ án thứ 4 xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ, ngày 15/3/2021, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng". Tòa cũng tuyên buộc bị cáo Đinh La Thăng phải bồi thường hơn 200 tỷ đồng.
Ở một diễn biến mới nhất, khi nhắc đến vấn đề không thu hồi được tài sản tham nhũng, trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 20/3), Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nhắc đến trường hợp của ông Thăng. Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, ông đánh giá việc thu hồi tài sản lên đến hàng trăm tỷ của ông Đinh La Thăng là một bản án khó thi hành. Và ông cũng bày tỏ hiện chưa nghĩ ra cách nào để thi hành được bản án đó, nhưng không tuyên như vậy không được.
Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó chánh án Tòa án nhân dân Tối cao từng chia sẻ với báo giới, về nguyên tắc, khi phạt tiền thì cơ quan thi hành án căn cứ vào hoàn cảnh, định giá tài sản của người phạm tội để tịch thu, thu giữ tài sản.
Bị cáo Đinh La Thăng phạm tội thì bắt buộc phải bồi thường, còn bồi thường được hay không là do bên cơ quan thi hành án thực hiện.
Giả sử bị cáo không bồi thường được thì khó được xem xét tha tù trước thời hạn. Trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng chỉ có cơ quan điều tra mới đủ thẩm quyền kê biên, phong tỏa tài sản của người bị điều tra. Còn với những vụ có quá trình thanh tra, kiểm tra thì dễ bị tẩu tán tài sản, sau này cũng không còn tài sản mà bồi thường.
Do đó, khi vụ án có dấu hiệu của tham nhũng, phải chuyển cơ quan điều tra ngay để kịp thời kê biên, phong tỏa tài sản. Với tài sản của người thân ông Thăng, nếu chứng minh được những người đó có dấu hiệu tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì phải khởi tố vụ án để tịch thu, sung công quỹ Nhà nước.
Một cách thứ 2 là khởi kiện vụ án dân sự để đòi lại tài sản. Khi đó, cơ quan tố tụng sẽ thay mặt để đòi lại và những người hưởng thừa kế đều phải trả lại tài sản sau đó mới được hưởng quyền thừa kế.
Nếu sau này ông Thăng không bồi thường hết phần dân sự, sẽ không được xóa án tích và suốt đời sẽ là người có tiền án.