Từ vụ ông Đinh La Thăng phải bồi thường hàng trăm tỷ đồng, cần tách việc tư lợi và gây thất thoát

Gia Bình Thứ hai, ngày 04/07/2022 10:27 AM (GMT+7)
Chuyên gia nhận định, việc “đánh đồng” tội phạm tham nhũng có tư lợi với những người chỉ gây thất thoát nhưng không hưởng lợi bất chính sẽ rất khó trong công tác thi hành án.
Bình luận 0

Theo Ban Nội chính Trung ương, 10 năm qua, cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi được 61.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7%. Riêng các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt 41,3%.

Tỷ lệ thu hồi cao hơn so với giai đoạn trước, như năm 2013 chỉ đạt 10% nhưng " chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra" khi số tiền, tài sản bị thất thoát do tham nhũng rất lớn nhưng "tài sản để đảm bảo thi hành án nhỏ".

Từ vụ ông Đinh La Thăng phải bồi thường hàng trăm tỷ đồng, cần tách việc tư lợi và gây thất thoát - Ảnh 1.

Ông Đinh La Thăng bị tuyên bồi thường 830 tỷ đồng dù trong các vụ án, vị này đều được khẳng định không thu lời bất chính. Ảnh: X.A.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trương Việt Toàn, nguyên thẩm phán TAND TP.Hà Nội cho rằng, để nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, cần phân biệt rõ các vụ án, các bị can "tham nhũng có tư lợi hay không tư lợi". Ông cho rằng hiện nay, "2 số liệu bị đánh đồng vào một giỏ" nên cơ quan cấp dưới rất khó chạy theo, tìm giải pháp.

Như các ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông hoặc Nguyễn Duy Linh, cựu Tổng cục phó tình báo, họ tư lợi qua hành vi nhận hối lộ nên "hoàn toàn có thể thu hồi được". Ngược lại, trường hợp của ông Đinh La Thăng dù không chứng minh ông tư túi đồng nào "nhưng phải bồi thường 830 tỷ đồng sẽ rất khó thi hành án.

Trường hợp thứ nhất, biện pháp thu hồi tài sản hiệu quả, theo ông Toàn là: "Xử đúng người, đúng tội. Đặc biệt việc xác định đúng tội danh sẽ tác động lớn đến bị cáo".

Ngoài ra, tòa án cần kiên quyết đấu tranh với các bị cáo, buộc họ giao lại tài sản bất chính. Ông Toàn cho hay: "Như trường hợp ông Nguyễn Bắc Son, mình phải đấu tranh mãi mới thu hồi được tiền ngay tại phiên tòa".

Trường hợp thứ 2 khi bị cáo không tư lợi, chỉ có lỗi gây thất thoát, ông Toàn cho rằng sẽ rất khó thu hồi bởi phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng kinh tế của họ và: "Người ta không có đồng nào, bắt bồi thường hàng trăm tỷ, tòa hay ai cũng chịu".

Biện pháp tương đối khả thi là vận động người phạm tội tích cực khắc phục hậu quả để có tình tiết giảm nhẹ, hưởng khoan hồng. Có thể giảm án hơn nữa cho những người như vậy, ví dụ trước kia tội phạm nộp lại tiền được giảm từ tử hình xuống chung thân, giờ có thể giảm hẳn xuống 20 năm tù. "Biện pháp này chắc chắn có hiệu quả", ông Toàn nói.

Ngoài ra, với những tài sản tham nhũng là nhà đất "đã được bán cho người thứ 3 ngay tình, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ hợp pháp", ông Toàn cho rằng cần công nhận quyền sở hữu của họ, theo quy định của luật dân sự. Người thứ 3 này, rõ ràng chỉ cần biết mua bán, được nhà nước công nhận, họ không có nghĩa vụ phải tìm hiểu tài sản đó hợp pháp hay không.

Trường hợp này, chỉ cần thu hồi tiền mua bán giữa họ và đối tượng phạm tội, việc này sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc về mặt pháp lý trong công tác thi hành án.

Từ vụ ông Đinh La Thăng phải bồi thường hàng trăm tỷ đồng, cần tách việc tư lợi và gây thất thoát - Ảnh 2.

Khi ra tòa, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã nộp lại 66 tỷ đồng nhận hối lộ nên thoát án tử hình. Ảnh: X.A.

Sớm kê biên tài sản

Một biện pháp khác để nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, nguyên Chánh tòa Quân sự Trung ương cho rằng cần: "Chứng minh đúng hành vi phạm tội, cầm tiền phải là nhận hối lộ, không thể chuyển nó sang vi phạm đấu thầu hay các tội danh kinh tế khác".

Khi xác định đúng tội danh, sẽ giúp cá thể hóa trách nhiệm từng người, buộc họ chịu đủ trách nhiệm mình gây ra. Theo ông, việc này khó vì phụ thuộc năng lực của cơ quan tiến hành tố tụng nhưng cũng cần xem những cơ quan này "có muốn làm đến cùng hay không".

Trung tướng Độ nói thêm, kể cả khi tội phạm tham nhũng không tư lợi, vẫn cần bắt họ chịu trách nhiệm dân sự, nếu cố ý phải bồi thường toàn bộ, vô ý phải khắc phục một phần.

Ông nói: "Không thể nói không tư lợi không phải bồi thường, ông làm quản lý mà mắc lỗi gây thất thoát còn đổ cho ai? Giống các vụ gây tai nạn giao thông, làm cháy nhà, rõ ràng không ai tư lợi nhưng vẫn phải đền tiền".

Để nâng được tỷ lệ thu hồi tài sản, Trung tướng Trần Văn Độ nói thêm, phải tìm cách kê biên tài sản ngay khi có dấu hiệu phạm tội. Lý do, cơ quan kiểm tra, thanh tra muốn ra kết luận có khi tốn hàng năm trời, thừa thời gian cho tội phạm tẩu tán tài sản trong khi cơ quan duy nhất có quyền kê biên, phong tỏa là phía điều tra.

Do đó, ngay khi phát hiện dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra phải "nhanh chóng khởi tố vụ án, tiến hành phong tỏa tài sản, tài khoản; không cho người vi phạm tẩu tán hoặc chuyển họ hàng, người quen đứng tên".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem