Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 17 ngày đầu tháng 3/2023, giá tiêu đen trên thị trường thế giới biến động không đồng nhất so với cuối tháng 2/2023.
Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia ngày 17/3/2023, giá tiêu đen xuất khẩu giảm 103 USD/tấn so với ngày 28/2/2023, xuống còn 3.497 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm 49 USD/tấn so với ngày 28/2/2023, xuống mức 6.021 USD/tấn.
Tại Brazil, ngày 17/3/2023, giá tiêu đen xuất khẩu giảm 50 USD/tấn so với ngày 28/2/2023, xuống mức 2.950 USD/tấn.
Tại cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 17/3/2023, giá tiêu đen loại 500 g/l và 550 g/l xuất khẩu ổn định so với ngày 28/2/2023, ở mức 3.325 USD/tấn và 3.375 USD/ tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu cũng ổn định so với ngày 28/2/2023, ở mức 4.880 USD/tấn.
Dự báo giá tiêu thế giới sẽ không có sự biến động mạnh. Nguồn cung dồi dào, trong khi nhu cầu nhập khẩu tại Trung Quốc tăng.
Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam với 10.209 tấn trong 2 tháng đầu năm 2023, tăng 8,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái và bằng một nửa lượng hồ tiêu mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này trong cả năm ngoái.
Thị phần của Trung Quốc trong tổng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam theo đó đã tăng lên mức 25% so với khoảng 4% của cùng kỳ năm 2022.
Tính riêng trong tháng 2, khối lượng hồ tiêu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 6/2020 với 8.485 tấn, tăng 392,2% so với tháng 1 và chiếm 30,1% thị phần xuất khẩu.
Trong khi đó, giá tiêu đen tại thị trường nội địa nhìn chung khá ổn định. Nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc tăng mạnh nhằm tăng dự trữ trong kho chế biến, giúp giá mặt hàng này ổn định trong bối cảnh nguồn cung dồi dào.
Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu, giá tiêu có khả năng sẽ diễn biến khó lường khi thị trường liên tục xuất hiện những thông tin trái chiều. Ngày 18/3/2023, giá tiêu đen ổn định so với ngày 28/2/2023, quanh mức 64.000 – 66.500 đồng/kg. Giá hạt tiêu trắng ổn định ở mức 96.000 đồng/kg so với tuần đầu tháng 3/2023, nhưng thấp hơn nhiều so với mức 119.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 2/2023 đạt trên 28.000 tấn, trị giá 84,19 triệu USD, tăng 123,1% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với tháng 1/2023, so với tháng 2/2022 tăng 93,1% về lượng và tăng 27,6% về trị giá.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt tiêu đạt 40.500 tấn, trị giá 127,16 triệu USD, tăng 34,8% về lượng, nhưng giảm 8,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Mỹ, Ấn Độ, Đức, Anh giảm so với cùng kỳ năm 2022. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập … tăng từ 2 đến 3 con số.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam hiện là nguồn cung lớn nhất hạt tiêu cho Mỹ. Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, tháng 1/2023, Mỹ nhập khẩu 6.950 tấn hạt tiêu, trị giá 34,59 triệu USD, tăng 2,3% về lượng và tăng 4,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Các nguồn cung hạt tiêu chủ yếu cho Mỹ gồm: Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Brazil… Theo đó, tháng 1/2023, Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam 5.670 tấn hạt tiêu, trị giá 27 triệu USD, tăng 25,9% về lượng và tăng 21,9% về trị giá so với tháng 1/2022.
Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ tăng mạnh, từ 66,33% trong tháng 1/2022 lên 81,62% trong tháng 1/2023. Ngược lại, Mỹ giảm mạnh nhập khẩu hạt tiêu từ Ấn Độ trong tháng 1/2023, giảm 44,1% về lượng và giảm 28,1% về trị giá so với tháng 1/2022, đạt 518 tấn, trị giá 3,12 triệu USD.
Thị phần hạt tiêu của Ấn Độ trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ giảm mạnh, từ 13,65% trong tháng 1/2022 xuống 7,46% trong tháng 1/2023.