Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 29/8/2022, giá tiêu đen tại thị trường nội địa giảm từ 5.000 – 5.500 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 29/7/2022, xuống mức 66.500 – 70.0000 đồng/kg. Giá hạt tiêu trắng ở mức 105.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2022 và thấp hơn so với mức 117.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 66.500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai ở mức 67.000 đồng/kg. Giá tiêu tại khu vực Tây Nguyên, như Đắk Nông, Đắk Lắk ở mức 67.500 đồng/kg; Bình Phước 68.500 đồng/kg. Giá tiêu cao nhất hiện nay đạt 70.000 đồng/kg, tại vùng trồng tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại cảng khu vực TP.HCM, ngày 26/8/2022, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu cùng giảm 200 USD/tấn so với ngày 29/7/2022, xuống còn lần lượt 3.550 USD/tấn và 3.800 USD/tấn. Giá tiêu trắng xuất khẩu cũng giảm 200 USD/ tấn so với cùng kỳ tháng 7, xuống còn 5.600 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), nguồn cung hạt tiêu của Việt Nam năm 2022 ước đạt 280.000 – 290.000 tấn (bao gồm 175.000 tấn sản lượng; 40.000 tấn nhập khẩu và 80.000 tấn tồn kho từ năm 2021 chuyển sang).
Lý giải về tình hình thị trường hiện nay, VPA cho biết, giá tiêu trong nước giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhất là ở các nước tiêu thụ hạt tiêu lớn như Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc.
Từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Thống kê bộ sơ bộ của VPA cho thấy, trong tháng 7/2022 Việt Nam xuất khẩu được 18.623 tấn hồ tiêu, trong đó tiêu đen đạt 16.546 tấn, tiêu trắng đạt 2.077 tấn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu đạt 78,6 triệu USD, trong đó tiêu đen đạt 66,7 triệu USD, tiêu trắng đạt 11,9 triệu USD.
Trong tháng 7/2022, Việt Nam đã nhập khẩu 4.451 tấn hồ tiêu, trị giá 17,3 triệu USD, tăng mạnh 29,1%, kim ngạch tăng 26,5% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 25.750 tấn hồ tiêu (trong đó tiêu đen đạt 22.385 tấn, tiêu trắng đạt 3.392 tấn). So với cùng kỳ năm trước, lượng nhập khẩu tăng 37,8%, tương đương 7.066 tấn.
Trong danh sách doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, đơn vị có sản lượng nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất là Olam, đạt 8.312 tấn, so cùng kỳ giảm 1,7%; tiếp theo là Trân Châu 2.741 tấn, tăng 436,4%; KSS: 1.343 tấn, tăng 6,3%; Công ty Gia vị Sơn Hà nhập khẩu 1.326 tấn, giảm 23,9%.
3 doanh nghiệp ngoài VPA có lượng nhập khẩu lớn từ Campuchia là Thái Sang 3.160 tấn, Quỳnh Trung: 2.450 tấn, Hồng Vũ: 2.024 tấn.
Campuchia, Brazil và Indonesia là 3 quốc gia cung cấp chủ yếu hồ tiêu cho Việt Nam, tổng lượng nhập khẩu từ 3 thị trường này chiếm 88,6%.
Đáng chú ý là sản lượng nhập khẩu hồ tiêu từ Campuchia tăng tới 155,1%, đạt 11.356 tấn. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu 7.177 tấn hạt tiêu từ Brazil, tăng 32,1%. Đối với thị trường Indonesia, các doanh nghiệp cũng mua về 4.290 tấn, giảm 36,5%, chủ yếu là tiêu trắng.
Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cũng cho biết, xuất khẩu hồ tiêu của Campuchia tăng vọt hơn 79% trong 4 tháng đầu năm 2022. Đáng chú ý, điểm đến chính của sản phẩm hồ tiêu Campuchia là Việt Nam.
Ngoài hồ tiêu, Việt Nam hiện đang nhập khẩu hầu hết các loại nông sản chủ lực của Campuchia như gạo, hạt tiêu, hạt điều, sắn, cao su...
Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện một doanh nghiệp trong ngành hồ tiêu cho biết, những năm gần đây Việt Nam thường nhập khẩu khá nhiều hạt tiêu từ Campuchia.
Việc nhập khẩu hồ tiêu này không có gì đáng lo ngại, bởi hạt tiêu Campuchia nổi tiếng có chất lượng rất tốt, các doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu về để chế biến xuất khẩu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.