Ông Nguyễn Xuân Năm (sinh năm 1957, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) đã 40 năm tự nguyện trông coi, quét dọn khu mộ vua Đinh Tiên Hoàng trên đỉnh Mã Yên Sơn.
Clip: Ông Nguyễn Xuân Năm (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), 40 năm tự nguyện chăm mộ vua Đinh Tiên Hoàng
Ngoài quét dọn khu vực lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng, ông Năm còn chuẩn bị hương, nến và mâm lễ nhỏ cho du khách hành hương. Mỗi lần có khách xa đến dâng hương, ông Năm còn rành rọt kể về lịch sử vua Đinh cho du khách như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp.
Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Nguyễn Xuân Năm kể: "Nhà tôi cách khu mộ vua Đinh Tiên Hoàng khoảng 150 mét, lúc nhỏ, mỗi lần đi chăn trâu, tôi cùng đám bạn trèo lên đỉnh núi Mã Yên, nơi có lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng để cắt cỏ cho trâu ăn rồi bày trò đánh trận giả".
"Chúng tôi lấy khu vực lăng vua làm trung tâm hoàng cung, các hang đá xung quanh được bố trí là nơi ẩn nấp của quân ta và giặc. Sau những trận giao tranh quyết liệt đội nào thua phải quét dọn sạch sẽ khu lăng mộ vua Đinh rồi mới được ra về", ông Năm nhớ lại.
Cũng theo ông Năm, khu mộ vua Đinh Tiên Hoàng trước kia vì không có người trông coi nên hơi vắng vẻ, cây cối, cỏ dại mọc um tùm, lại được táng trên đỉnh núi cao nên khách về hành hương cũng vắng.
Năm 1983, Ban quản lý di tích cố đô mới thông báo tuyển người trông coi, quét dọn lăng mộ nhưng không lương nên không ai nhận. Ông Nguyễn Xuân Năm lúc đó tự nguyện đến xin làm rồi trở thành quản trang cho đến bây giờ.
Lúc tiếp nhận và trở thành quản trang chăm mộ vua Đinh Tiên Hoàng, ông Nguyễn Xuân Năm mới 26 tuổi, thời điểm đó, quanh khu mộ vua Đinh cây cối, cỏ dại mọc um tùm,…
Ông Nguyễn Xuân Năm tâm sự: "Lúc đó, nhiều người bảo tôi "dở người". Tôi chẳng quan tâm người khác nói gì, nghĩ gì về mình…Tôi được gia đình ủng hộ, thế là yên tâm làm việc rồi".
"Hàng ngày tôi quét lá, dọn cỏ…quanh khu mộ vua Đinh Tiên Hoàng vì cái tâm, làm vì niềm vui, xem đó là cái duyên, số với vua Đinh. Một số khách đến đây vãng cảnh thấy tôi họ cũng "phát lộc" 10.000-20.000 đồng, tôi không xin, hay có bất cứ từ ngữ gì gợi ý hết", ông Năm nói.
Nhiều du khách quốc tế, Việt Nam khi lên lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng (tỉnh Ninh Bình) không khỏi trầm trồ, thán phục trước hình ảnh người đàn ông hàng ngày chống gậy vượt núi chăm mộ vua Đinh Tiên Hoàng.
Ông Năm nói với phóng viên Báo điện tự DANVIET.VN: "Năm 1995, tội bị tai nạn dẫn đến chân, tay bị co lại,…nhưng tôi quyết tâm tập luyện, dùng gậy chống và tập leo núi. Sau 2 năm kiên trì tập luyện, tôi lại tiếp tục chinh phục đỉnh Mã Yên Sơn và làm tiếp công việc chăm mộ vua Đinh Tiên Hoàng đến nay".
"Tôi thường đi bộ lên khu mộ vua Đinh Tiên Hoàng từ sáng sớm, leo đến đâu mệt thì nghỉ ngơi rồi lại đi tiếp. Hiện nay đường lên được sửa chữa, nâng cấp lên 330 bậc thang nên tôi đi gần 1 giờ đồng hồ mới đến nơi", ông Năm bộc bạch.
Đinh Bộ Lĩnh quê ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là huyện Gia Viễn,tỉnh Ninh Bình), từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh kiệt xuất. Năm 968 sau khi dẹp loạn 12 xứ quân, thống nhất giang sơn ông lên ngôi hoàng đế xưng vương là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, Ninh Bình.
Trị vì đất nước được 12 năm nhà vua bị gian thần hãm hại. Sau khi mất, thi hài ông được an táng trên đỉnh núi Mã Yên (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư). Năm 1840, dưới thời vua Minh Mạng thứ 21, lăng Đinh Tiên Hoàng được xây dựng lại bằng đá với quy mô nhỏ, kiến trúc đơn giản. Phía trước dựng bia đá có dòng chữ: "Đinh triều - Tiên Hoàng đế chi lăng". Từ lăng vua Đinh nhìn ra xa phía tay trái là núi Ngọc, núi Rồng, trước mặt là sông Hoàng Long và toàn bộ Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư.