Ninh Bình: "Cụ thị" ngậm ngọc nghìn năm tuổi giữa lưng chừng núi

Thứ tư, ngày 22/06/2022 06:13 AM (GMT+7)
Trên một khối đá lớn giữa lưng chừng núi Tướng (xã Sơn Hà, huyện Nho Quan) lại xuất hiện "cụ thị" tuổi đời lên tới nghìn năm vẫn xanh tốt mặc sự khắc nghiệt của thời tiết hay địa hình. Người dân nơi đây gọi cây là "thị ngậm ngọc".
Bình luận 0

Thị là loại cây lâu năm, kén đất và đòi hỏi công chăm sóc cầu kì nên chủ yếu được trồng và có thể phát triển tốt ở những khu đất rộng rãi, trong sân vườn thoáng mát. Vậy mà trên một khối đá lớn giữa lưng chừng núi Tướng (xã Sơn Hà, huyện Nho Quan) lại xuất hiện "cụ thị" tuổi đời lên tới nghìn năm vẫn xanh tốt mặc sự khắc nghiệt của thời tiết hay địa hình. Người dân nơi đây gọi cây là "thị ngậm ngọc".

Ninh Bình: "Cụ thị" ngậm ngọc nghìn năm tuổi giữa lưng chừng núi - Ảnh 1.

Cụ thị ngậm ngọc nằm trên khối đá khổng lồ giữa lưng chừng núi Tướng.

Sở dĩ có tên này bởi cách sinh trưởng độc đáo của cây. Nhớ lại thời điểm phát hiện ra "cụ thị", ông Hà Huy Lợi, quản lý khu du lịch động Thiên Hà thông tin: "Năm 2014, trong quá trình khai thác dự án, tôi phát hiện cây thị rất lạ. So với những loại cây khác, cây thị mọc ở vị trí đặc biệt: nằm trên hòn đá lớn, cách mặt nước khoảng 30 mét, xung quanh không hề có đất. Bộ rễ của cây len lỏi vào từng khối đá. Cái tên "thị ngậm ngọc" cũng ra đời vì thế".

"Cụ thị" ở xã Sơn Hà, huyện Nho Quan cao khoảng 10 mét, sự cổ thụ thể hiện rõ ở bộ rễ xù xì, phần thân sần sùi với những đường cong, hốc, hố và hình thù kỳ lạ. Thân cây phải 3 người ôm mới xuể, tán lá rộng che phủ một vùng.

Nhận thấy giá trị lịch sử của cây, ông Lợi đã mời các chuyên gia nghiên cứu thực vật ở Vườn quốc gia Cúc Phương về khảo sát, đánh giá tuổi cây và giống loài. Qua nghiên cứu, cây thị có tên khoa học là Diospyros decandra với tuổi đời lên tới hơn 1.000 năm. "Vì mọc ở vùng núi đá kinh đô Hoa Lư xưa nên đặt tên là cây thị Hoa Lư" - ông Lợi chia sẻ.

Cũng theo ông, có nhiều giả thuyết xung quanh sự ra đời của cây, một số nhà khoa học cho rằng: có thể loài chim nào đó ăn quả rồi làm rơi hạt vào kẽ đá nên mới mọc thành cây thị vì không thể có ai trồng được ở đó.

Sau khi phát hiện cây thị, ban quản lý khu du lịch động Thiên Hà đã lấy đất rừng đắp vào rễ để cây có chất dinh dưỡng đồng thời tuyên truyền cho người dân, du khách về giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của "cụ thị" từ đó họ có ý thức bảo vệ cây hơn.

Ninh Bình: "Cụ thị" ngậm ngọc nghìn năm tuổi giữa lưng chừng núi - Ảnh 2.

Có thể thấy những dấu tích thời gian trên thân và rễ cụ thị ngậm ngọc.

"Du khách mỗi lần ghé thăm động Thiên Hà, dừng chân trước gốc thị đều có ấn tượng đặc biệt. Nhiều người khẳng định đây là cây thị độc đáo nhất họ từng chiêm ngưỡng bởi cách sinh trưởng có một không hai. Cây nghìn năm tuổi đã khó nhưng có thể duy trì sức sống trong điều kiện môi trường khắc nghiệt như vậy thì càng hiếm hơn", ông Lợi tự hào nói.

Trải qua hàng ngàn năm tuổi cũng có không ít truyền thuyết, câu chuyện văn hóa, tâm linh được lưu truyền lại về cây thị ở Sơn Hà. Trong đó, cây thị được cho là có liên quan tới Phật hoàng Trần Nhân Tông - vua anh minh hết lòng vì nước, vị Tổ sáng lập thiền phái Trúc Lâm.

Cụ thể, trước khi sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, ngài đã có thời gian khất thực, tu hành, thực điền ở hành cung Vũ Lâm (thuộc Ninh Bình ngày nay). Trong bức họa - thư Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ vẽ về Phật hoàng, ngài thường ngồi thiền dưới một gốc cây và cấy lúa sau một ngọn núi. Bối cảnh trong tranh trùng khớp với phong cảnh tại khu vực núi Tướng.

Chính vì vậy, năm 2019, bộ phim tài liệu "Vua Bụt" - tái hiện chân thực về cuộc đời của Phật hoàng Trần Nhân Tông - đã lấy bối cảnh quay tại gốc cây thị này. Trong phim có phân đoạn Phật hoàng ngồi thiền dưới gốc cây thị, đưa tâm mình trở về trạng thái tĩnh lặng tuyệt đối, không nghĩ việc dữ lành, thoát ly những ý niệm sinh tử, tiến đến an trú vào cảnh giới tuyệt đối, dẹp trừ ý niệm và ngôn ngữ: trừ tuyệt tâm tư.

Ngoài ra, cây thị còn mọc trước Hang Bụt, bên dưới là khối đá lớn. Theo phong thủy, Hang Bụt như miệng rồng trong khi đá là viên ngọc nên còn gọi là "rồng ngậm ngọc".

Trải qua khắc nghiệt của thiên nhiên và những thăng trầm lịch sử, cây thị nghìn năm vẫn sừng sững như chứng minh các giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của vùng đất và con người Ninh Bình. Và ngày nay trở thành điểm thu hút, check-in không thể bỏ qua với du khách khi ghé thăm động Thiên Hà.


Hồng Minh (Báo Ninh Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem