Theo các chuyên gia kinh tế và hoạch định chính sách, nếu để các DN tiếp tục bị động dòng vốn giữa lúc tình hình tài chính kém sáng sủa, thì DN sẽ càng khó khăn trong trả nợ và càng khó nâng cao sức cạnh tranh.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, nhằm hỗ trợ các DN phục hồi sản xuất, 20 ngân hàng TP.HCM đã triển khai gói tín dụng ưu đãi với quy mô đạt hơn 453.000 tỷ đồng, tăng 4% so với gói tín dụng của năm 2022.
Các tiêu chí của gói tín dụng ưu đãi này là lãi suất cho vay hợp lý; cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên; cho vay ngoại tệ (theo quy định của Ngân hàng Nhà nước); cho vay hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ; cho vay kích cầu đầu tư và hỗ trợ lãi suất của UBND TP.HCM; cho vay lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ…
"Nếu triển khai đúng mục tiêu của chương trình, hiệu quả mang lại cho DN, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn rất lớn và thiết thực, cả về vốn, lãi suất cũng như mở rộng khả năng tiếp cận thuận lợi nhất các dịch vụ ngân hàng… Từ đó, hỗ trợ cho DN tăng trưởng và phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế", ông Lệnh cho biết.
Trong khi đó, số liệu của Tổng Cục Thống kê vừa công bố, trong quý 1/2023, bình quân một tháng có gần 20,1 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
Cụ thể, trong ba tháng đầu năm 2023, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 42,9 nghìn DN, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước; gần 12,8 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 4,6 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể.
Riêng tại TP.HCM, theo các chuyên gia, sở ngành thống nhất đánh giá, đà suy giảm kinh tế của quý 4/2022 vẫn còn ảnh hưởng đến quý 1/2023 và thậm chí đến hết quý 2/2023. Điều này đòi hỏi ngay từ trong tháng 4 này, các sở ngành thành phố tập trung giải quyết cơ bản các khó khăn, vướng mắc mà các DN đặt ra từ các cuộc gặp gỡ, đối thoại trước đó giữa lãnh đạo các sở ngành và các doanh nghiệp.
"Để hỗ trợ DN sản xuất và xuất khẩu gặp khó khăn về phát triển thị trường, sắp tới Sở Công Thương sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại như khuyến mãi tập trung, tổ chức khoảng 500 hội chợ trong năm 2023.
Đối với hoạt động xuất khẩu, đơn vị sẽ hỗ trợ tìm cơ hội vào các thị trường mới, trong đó phát triển ngày hội TP.HCM - Ngôi nhà Việt Nam ở các nước và một hội chợ chuyên hàng xuất khẩu…"
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, việc hạn chế đà suy giảm, giữ vững tăng trưởng phải là mục tiêu then chốt trong năm 2023 của TP.HCM. Bởi, trong điều kiện lạm phát dưới 4% và lãi suất cao như hiện tại sẽ làm thui chột mọi nỗ lực trong đầu tư phát triển TP.HCM.
"TP.HCM cần cố gắng giữ tốc độ tăng trưởng không suy giảm quá nhiều so với mức 8-8,5% đề ra bằng nhiều giải pháp. Nếu năm nay chúng ta không giữ được mức tăng trưởng 8-8,5% thì khó khăn sẽ chồng chất qua năm sau, chuyên đề phục hồi kinh tế TP.HCM sẽ bất lợi", ông Lịch nói.
Ông Lịch đề xuất, UBND TP cần giao Viện Nghiên cứu phát triển, Cục Thống kê, Sở Công Thương, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tập trung đánh giá rõ các ngành công nghiệp, dịch vụ có đóng góp nhiều nhất cho thành phố. Từ đó đề ra các biện pháp để thúc đẩy và tập trung là lĩnh vực thương mại, tài chính, bất động sản, du lịch, logistics, xây dựng...
Tình hình được dự báo khó khăn, cần sớm hỗ trợ DN phục hồi
Trong bối cảnh các DN sản xuất gặp khó khăn về dòng vốn, nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường còn nhận định tình hình sắp tới sẽ ngày càng khó khăn hơn khi sự sụt giảm mạnh của các đơn hàng ở các lĩnh vực dệt may, da giày, các ngành sản xuất đồ gỗ… Bên cạnh đó, với diễn biến, ứng xử của nhiều quốc gia trong vấn đề chống lạm phát khiến lãi suất bị đẩy lên cao tạo áp lực lớn cho DN.
Báo cáo mới đây từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect, Ngân hàng Nhà nước đã giảm một số lãi suất điều hành chủ chốt từ giữa tháng 3/2023 nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể là Quyết định số 313/QD-NHNN giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn, nhưng điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu 1% về 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng cũng giảm về mức 6%.
Cùng với đó là Quyết định số 314/QĐ-NHNN, quyết định giảm lãi suất 0,5% các khoản cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng với nhóm khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên bao gồm: Nông nghiệp, xuất khẩu, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao, DN vừa và nhỏ về mức 5%/năm.
Tuy nhiên, vẫn cần chờ thêm thời gian để xem hiệu ứng của các quyết định nêu trên sẽ như thế nào. Nhất là các DN vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng vì phải có tài sản thế chấp, trong khi đó DN nhỏ và vừa hoạt động thường đi thuê nhà xưởng nên không thể có tài sản thế chấp, vì thế việc vay vốn gần như rơi vào ngõ cụt.
Ông Nguyễn Hoàng Đăng, chủ một DN xuất khẩu rau củ tại TP.HCM nhận định, hiện nay, dù là khách hàng quen nhưng phía các ngân hàng khi đáo hạn sẽ đánh giá kỹ càng lại tỷ lệ nợ và một số chỉ số tài chính khác để quyết định có nên cho DN vay vốn tiếp hay không. Tuy nhiên, do bản thân tình hình tài chính của DN không mấy sáng sủa, ngân hàng cân nhắc không cho vay nên DN sẽ khó duy trì chuỗi cung ứng.
Hoặc trường hợp cần thu mua, nhập nguyên liệu khi đến kỳ thu mua tập trung với thời gian gấp, lượng vốn cần lớn. Tuy nhiên vì đã nợ trước đó khá nhiều, DN không thể tiếp cận được vốn vay nên sẽ càng khó cạnh tranh được với các đối thủ khác, trong khi đó nguyên liệu từ phía nông dân thì ứ đọng.
Trưởng phòng tín dụng khách hàng DN của một ngân hàng tại TP.HCM thẳng thắn, quả thật các ngân hàng có tâm lý ngại cho vay đối với nhóm SMEs (nhóm DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ) vì tốn kém chi phí tài chính, chi phí quản lý, không có tài sản đảm bảo.
Trong khi đó, nhiều đơn vị có phương án kinh doanh không khả thi, không chứng minh tính hiệu quả để ngân hàng phân tích, đánh giá nên cán bộ tín dụng sẽ không mặn mà vì quá rủi ro.