Nguyễn Văn Chung (SN 1984, huyện Thường Tín, Hà Nội) là con út trong một gia đình nghèo với sáu anh chị em. Bố mất sớm, thương mẹ vất vả, nên từ khi còn nhỏ, anh Chung đã cố gắng tự kiếm tiền để theo đuổi việc học, mơ về một tương lai tươi sáng. Thế nhưng, năm 18 tuổi, trong một lần lặn ở trạm bơm của xã, anh bất ngờ bị hút vào chiếc máy bơm công suất lớn và mất đi đôi chân. Cánh cửa tương lai của anh như đã bị đóng chặt từ đây.
“Trong suốt sáu tháng, mình chỉ nằm một chỗ và khóc. Nghĩ đến việc không thể đi lại, hàng loạt suy nghĩ tiêu cực hiện ra trong đầu mình. Mình muốn buông xuôi tất cả vì không biết phải sống tiếp thế nào”, anh Chung bồi hồi nhớ lại.
Thế nhưng, đối diện với hình ảnh mẹ già vất vả lo tiền chạy chữa cho con khiến anh không khỏi chạnh lòng. Anh Chung kể: “Mỗi ngày đi làm đồng về, mẹ đều ôm mình rồi khóc. Ở tuổi 18, mình chưa báo hiếu được cho mẹ, vậy mà đã trở thành gánh nặng của mẹ. Nghĩ đến mẹ, mình dặn lòng phải cố gắng bước tiếp. Bởi so với nỗi đau của mẹ, những gì mình đã và đang trải qua không là gì cả”.
May mắn cũng tại thời điểm đó, anh nhận được một bức thư từ Bệnh viện Bạch Mai với nội dung hỗ trợ anh tập đi chân giả. Đồng thời, anh cũng được gợi ý tham gia "Câu lạc bộ Thể thao Người khuyết tật". Trong một lần tham dự lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật tổ chức tại Công viên nước Hồ Tây, anh đứng trước bể bơi và tự hỏi: “Không biết mình còn bơi được không?”. Mất nửa giờ do dự, anh mới quyết định nhảy xuống hồ, nhưng bị chìm nghỉm. Sau khi bình tĩnh lại, anh cố gắng bơi ếch, rồi cũng vào được bờ. Lúc này, anh vui sướng hét lên “Ơ mình vẫn còn biết bơi!”.
Khi mới gia nhập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật, anh tham gia bộ môn ném lao và đẩy tạ, sau đó vì quá yêu thích nên mới xin tập thêm bộ môn bơi. Cơ hội một lần nữa đến với anh khi Para Games 2003 được tổ chức tại Việt Nam. Anh tâm niệm “Ngã ở đâu đứng lên ở đó”, vì bơi mà anh mất đi đôi chân nên anh quyết định chọn bơi để tìm lại chính bản thân mình. Qua kỳ Para Games đó, anh đã xuất sắc giành được hai huy chương bạc cho đội tuyển nước nhà. Với số tiền thưởng hơn 30 triệu đồng, anh đã dành để xây một căn nhà mới cho mẹ.
Trở thành một vận động viên cừ khôi với nhiều thành tích nổi bật, song anh Chung suy nghĩ công việc này cũng chỉ có giới hạn. Khi không còn sức lực, bản thân bắt buộc phải có nghề khác để kiếm sống.
Thời điểm bắt đầu ở riêng, anh tình cờ thuê chung nhà với một bạn sinh viên hóa dược của trường Đại học Bách Khoa. Do phải tập luyện bơi lội thường xuyên nên anh cảm thấy rất khó chịu khi tiếp xúc với nước tẩy Javen trong hồ. Dù đã dùng qua nhiều loại xà bông, song tình trạng da và tóc của anh vẫn không cải thiện. Thấy vậy, bạn của anh thường xuyên tặng anh xà bông tự làm. Sau khi sử dụng, biết những ưu điểm thân thiện của sản phẩm này, anh Chung quyết định khởi nghiệp thương hiệu xà bông thảo dược Sam-Sôn. Xuyên suốt quá trình, anh nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của người bạn đó từ khâu chuẩn bị nguồn vốn, nhập nguyên liệu cho tới công thức làm ra sản phẩm.
Khi bắt tay vào làm, anh Chung gặp rất nhiều khó khăn. Sản xuất xà bông cần sự tỉ mỉ, nếu sơ suất một chút thì rất có thể phải làm lại từ đầu. Bên cạnh đó, còn là câu chuyện làm sao để tiếp cận thị trường. Anh Chung bộc bạch: “Vào thời điểm đó, xà bông thảo dược chưa được nhiều người biết đến và sử dụng. Khách hàng cũng sẽ đắn đo hơn khi xà bông thảo dược có giá cao hơn xà bông công nghiệp. May mắn, ông trời cũng không phụ lòng mình khi các khách hàng đã sử dụng qua đều rất thích yêu thích sản phẩm”.
Khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp với một người khuyết tật như anh còn khó khăn gấp bội. Mỗi ngày, anh phải vượt hàng chục cây số để học hỏi công thức chế biến xà bông thảo dược. Để tìm kiếm các nguyên liệu thảo dược phù hợp cho cho sản xuất xà bông, anh Chung phải theo bạn về tận Ninh Bình để tìm hiểu, đồng thời trau dồi thêm kiến thức về các loại thảo dược.
"Những ngày đầu tiên khi mới bắt tay vào sản xuất, tôi phải làm mọi thứ hoàn toàn thủ công với những dụng cụ nấu ăn thường ngày tại phòng trọ. Việc đong đếm nhiệt lượng và thời gian là vô cùng khó, có khi mất đến cả chục lần mới hoàn thành công thức cụ thể, phải mất tới một năm anh mới có thể thành thạo", anh Chung chia sẻ.
Nhờ những nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của các cộng sự, hiện nay, thương hiệu Sam-Sôn của anh Chung đang cung cấp tới thị trường 8 loại xà bông: Mướp đắng, sáp ong, trà xanh, bạc hà… Không chỉ phát triển đa dạng các dòng sản phẩm phù hợp với nhiều lứa tuổi, nhiều loại da, anh còn nghiên cứu đem tới nhiều màu sắc và mùi hương khác nhau cho sản phẩm.
Công việc kinh doanh hiện tại của anh Chung đang rất ổn định. Thỉnh thoảng, anh vẫn tham gia các hội chợ ở trong thành phố Hồ Chí Minh để khách hàng thực tế quan sát, trải nghiệm sản phẩm. Anh chia sẻ, trong một hội chợ diễn ra từ 5 đến 7 ngày, số lượng xà bông được tiêu thụ có thể lên tới 2000 bánh.
Hiện tại, anh Chung vẫn đang liên kết với Hợp tác xã sinh dược để được hỗ trợ từ khâu nguyên liệu cho tới sản xuất, đưa ra thị trường các sản phẩm bánh xà bông.
Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, anh Chung cho biết, anh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, phát triển đa dạng các sản phẩm chiết xuất từ thiên nhiên, hướng tới chất lượng tốt nhất cho sức khỏe của người tiêu dùng.