"Chợ nhỏ an lành" - phiên chợ đặc biệt chỉ dành cho các nhà sản xuất nhỏ

Thùy Anh Chủ nhật, ngày 26/03/2023 15:19 PM (GMT+7)
Một phiên chợ đặc biệt không có sự cạnh tranh, hội tụ các nhà sản xuất nhỏ và siêu nhỏ. Các nhà sản xuất, đồng thời cũng là những lao động tìm đến nhau, học hỏi mô hình để từ đó tạo ra những sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, hướng đến phát triển cộng đồng nông nghiệp một cách bền vững.
Bình luận 0


Một góc của "Chợ nhỏ an lành". VD: N.T

Ý tưởng phiên chợ chỉ dành cho nhà sản xuất nhỏ và siêu nhỏ

"Các nhà sản xuất tới đây đều là các nhà sản xuất nhỏ và siêu nhỏ. Có thể nói, đây là sân chơi hiếm cho các nhà sản xuất nhỏ và siêu nhỏ. Bởi họ có nguồn vốn hạn hẹp, sản phẩm khó có thể cạnh tranh được với nhà sản xuất lớn. Thay vì chi phí thuê mặt bằng tại các hội chợ lớn, chi phí cho marketing, quảng cáo, thì tại phiên chợ này, những nhà sản xuất nhỏ và siêu nhỏ có thể gặp trực tiếp, trao đổi với khách hàng để họ hiểu hơn về các sản phẩm mà chúng tôi đang sản xuất. Đó là lợi thế để tìm kiếm khách hàng với chi phí thấp nhất", anh Lê Minh Cương – người đồng sáng lập Chợ nhỏ an lành tại TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cũng là nhà sản xuất tương ớt với thương hiệu Spico chia sẻ.

"Chợ nhỏ an lành" - Phiên chợ đặc biệt chỉ dành cho các nhà sản xuất nhỏ  - Ảnh 2.

Các nhà sản xuất vừa và nhỏ tụ họp tại "Chợ nhỏ an lành". Ảnh: NN

 Năm 2016, anh Cương từ bỏ công việc ổn định với mức lương nghìn đô ở TP.Hồ Chí Minh trở về quê hương lập nghiệp. Nhận thấy trên thị trường tương ớt truyền thống vắng bóng, thay thế vào đó là tương ớt công nghiệp, anh Cương đã lặn lội khắp nơi, học hỏi cách làm tương ớt truyền thống và trở về quê hương bắt đầu hành trình khởi nghiệp.

Trải qua 46 lần thất bại, cuối cùng, anh Lê Minh Cương đã thành công với loại tương ớt được lên men truyền thống. Khi đã hoàn thành khâu sản xuất, anh Cương nhận thấy cần phải tiếp cận khách hàng để phát triển sản phẩm. Thế nhưng, với một thương hiệu nhỏ, thiếu vốn sản xuất, anh Cương khó có thể cạnh tranh tại các hội chợ lớn. Để người tiêu dùng hiểu sản phẩm, để nhà sản xuất được giãi bày câu chuyện, anh Cương đã nảy sinh triển khai ý tưởng Chợ nhỏ an lành. Anh hy vọng đây là nơi tập trung các nhà sản xuất nhỏ, giúp họ có thể phát triển. Ý tưởng của anh đã ngay lập tức thu hút các bạn trẻ khởi nghiệp.

"Chợ nhỏ an lành" - Phiên chợ đặc biệt chỉ dành cho các nhà sản xuất nhỏ  - Ảnh 3.

"Chợ nhỏ an lành" là chợ dành cho những nhà sản xuất nhỏ, cam kết vì một nền nông nghiệp bền vững. Ảnh: N.N

 Anh Cương chia sẻ: “Đối với khách hàng khi chưa biết đến nhà sản xuất thì họ sẽ quan tâm đến thành phần trên bao bì và chứng nhận cho sản phẩm. Thế nhưng, tại Chợ nhỏ an lành, khách hàng đến đây sẽ có niềm tin với nhà sản xuất, được nghe câu chuyện về hành trình khởi nghiệp, về quy trình sản xuất họ sẽ có niềm tin với sản phẩm của chúng tôi hơn”.

Để tạo ra một sân chơi an toàn, anh Cương và những người sáng lập Chợ nhỏ an lành cũng đã đặt ra những quy tắc nhất định để người tham gia tuân thủ.

Thứ nhất nhà sản xuất phải trực tiếp đến phiên chợ để lắng nghe khách hàng. Thứ 2 họ chỉ được phép bán sản phẩm mà họ sản xuất ra. Bởi nếu nhà sản xuất sống được với sản phẩm của mình, thuyết phục được khách hàng tin dùng thì họ mới có thể thành công được.

Thứ 3 là xu hướng tiêu dùng xanh.

 Các gian hàng chợ nhỏ an lành sẽ sử dụng các sản phẩm với chất liệu an toàn, thân thiện với môi trường, đặc biệt không dùng sản phẩm nhựa.

13 phiên chợ thu hút hàng trăm nhà sản xuất nhỏ từ Bắc tới Nam, tạo việc làm cho hàng trăm lao động

Với ý tưởng về Chợ nhỏ an lành, anh Lê Minh Cương và nhóm bạn trẻ ở Thanh Hóa đã bắt đầu tạo ra sự chú ý và gây tiếng vang với cộng đồng những người làm nông nghiệp tử tế. Đến nay, Chợ nhỏ an lành đã diễn ra được 13 phiên. Đều đặn mỗi tháng, Chợ nhỏ an lành sẽ được tổ chức tại một tỉnh thành để tạo sự giao lưu kết nối nông sản các vùng miền.

Phiên chợ đầu xuân năm 2023 đã diễn ra tại TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, thu hút 45 nhà sản xuất từ Bắc tới Nam. Chị Nguyễn Thị Hiếu – một kỹ sư công nghệ thông tin đến từ vùng Đất Thép – Củ Chi đã lặn lội hàng nghìn cây số để mang đến phiên chợ những dòng sản phẩm cao cấp từ nấm linh chi giới thiệu tới khách hàng.

"Chợ nhỏ an lành" - Phiên chợ đặc biệt chỉ dành cho các nhà sản xuất nhỏ  - Ảnh 4.

Nụ nười hạnh phúc của chị Hiếu khi chia sẻ với PV về hành trình trồng nấm. Ảnh: NN

Chị Hiếu chia sẻ: “Đầu năm 2013, khi đang là nhân viên văn phòng, mình bị đau lưng rồi dần bệnh lan xuống chân phải khiến việc di chuyển gặp nhiều khó khăn. Sau quá trình châm cứu, vật lý trị liệu dài mà bệnh ít thuyên giảm, cả sức khỏe, tinh thần bị giảm sút nghiêm trọng. Tình cờ một người bạn gửi tặng nấm linh chi, uống khoảng 1 tuần mình thấy ngủ ngon hơn, giảm đau. Cũng từ đó, mình bắt đầu tìm hiểu và yêu thích loại dược phẩm này".

Kể từ đó chị Hiếu đã quyết định nghỉ hẳn công việc của một kỹ sư công nghệ thông tin để bắt đầu với nấm linh chi. Chị thuê trang trại rộng 200m2 ở huyện Hóc Môn -TP.Hồ Chí Minh, quyết tâm khởi nghiệp. Tới khoảng đầu năm 2017, mọi thứ dần đi vào ổn định, từ trang trại nuôi trồng tới kênh phân phối. Hiện nấm linh chi Đất Thép được đưa vào một số cửa hàng phân phối thực phẩm sạch, đại lý và kênh o­nline với sản lượng tiêu thụ khoảng 50kg/tháng. Chị Hiếu cũng đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ nấm linh chi để người tiêu dùng có thể sử dụng một cách tiện lợi hơn.

Mỗi một sản phẩm mang đến Chợ nhỏ an lành đều có những câu chuyện riêng. Thế nhưng điểm chung của các nhà sản xuất ở chợ là đều hướng tới những hoạt động ý nghĩa cho cộng đồng, bên cạnh lợi nhuận kinh tế.

Sản phẩm mật ong lên men Bản Thổ là một ví dụ. Ấp ủ giấc mơ phát triển kinh tế rừng ngay trên mảnh đất quê hương từ lâu, Nguyễn Lê Ngọc Linh, một bạn trẻ người dân tộc Thổ, ở xã Hoá Quỳ (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá) đã bỏ phố về rừng, xây dựng mô hình vườn rừng bản Thổ để tạo ra những sản phẩm thiên nhiên sạch và có giá trị kinh tế cao.

Từ một quả đồi trọc 3 không "không đường, không điện, không nước", Ngọc Linh đã ấp ủ mục tiêu khôi phục nguồn gen thực vật bản địa, tái sinh rừng và phủ xanh núi đồi… Sau hơn 3 năm triển khai, vườn rừng bản Thổ đã phủ xanh được 3ha đồi trọc với hơn 100 loài cây, bao gồm một số cây rừng bản địa như lim, trám, dẻ, sả sịa, mắc khén, dổi nếp.

Xen vào đó, Linh trồng các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi, ổi, mít, hồng xiêm, na, xoài, dứa, chuối, đu đủ, đào, các cây dược liệu như chùm ngây, thiên môn đông, gừng, tỏi, nghệ, cúc hoa, đậu biếc, bồ công anh hoàn toàn theo canh tác hữu cơ để không gây tổn hại cho con người và hệ sinh thái tự nhiên.

Ngọc Linh chia sẻ: “Khi thấy những tín hiệu tích cực từ dự án vườn rừng bản Thổ, Hợp tác xã Bản Thổ đã được thành lập để liên kết với bà con nuôi ong tại các bìa rừng. Mình đã cùng cộng sự xây dựng xưởng chế biến mật ong lên men. Mô hình mang lại doanh thu 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 400 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 15 thanh niên”.

"Chợ nhỏ an lành" - Phiên chợ đặc biệt chỉ dành cho các nhà sản xuất nhỏ  - Ảnh 5.

Những sản phẩm thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ được chào đón tại "Chợ nhỏ an lành". Ảnh: NN

Chợ nhỏ an lành quy tụ những bạn trẻ trở về quê hương, đánh thức sản vật quê nhà.

Bạn trẻ Vũ Minh Ngọc ở xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định khôi phục nghề sản xuất giấm mơ cổ truyền của làng cổ Bách Cốc. Hay chị Doãn Thị Thoa – sáng lập Hợp tác xã Khang Tường trích lợi nhuận từ việc khai thác thủy hải sản tự nhiên để trồng lại rừng ngập mặn tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Chị Thoa chia sẻ: “Phiên chợ là nơi chúng tôi đến để trao nhau nụ cười, trao nhau tinh thần vì một cộng đồng nông nghiệp tử tế. Hiếm có phiên chợ nào như phiên chợ này”.

Chị Lê Thị Nhung, chủ một trang trại trồng dưa lưới ở xã Hoằng Thắng (huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá) chia sẻ: “Mình đến đây tìm được nhiều nguồn cảm hứng. Phiên chợ là chỗ dựa, niềm tin, là động lực cho mình phát triển. Những anh chị em ở phiên chợ đến để chia sẻ khó khăn trong cuộc sống, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp phát triển bền vững”.

Một phiên chợ không có sự cạnh tranh mà chỉ có sự khích lệ tinh thần, học hỏi và cùng nhau phát triển. Trải qua 13 phiên chợ, hội tụ hàng chục nhà sản xuất từ Bắc tới Nam, Chợ nhỏ an lành đã truyền cảm hứng cho những bạn trẻ bước đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

 “Đi một mình có thể đi nhanh nhưng nếu cùng nhau mới có thể đi xa được để phát triển nền sản xuất nông nghiệp xanh sạch cho người tiêu dùng”, anh Lê Minh Cương – người đồng sáng lập Chợ nhỏ An lành chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem