Chiều 29/3, theo thông tin từ Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm Hà Nội, tính đến 12h cùng ngày đã có 73 học sinh Trường tiểu học Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) có các biểu hiện ngộ độc phải vào viện cấp cứu và điều trị. Trong số đó, 58 cháu đã được ra viện, hiện còn 15 cháu đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Cụ thể, tại Bệnh viện Bạch Mai vào viện 38 ca, đã ra viện 33 ca, còn 5 ca đang theo dõi, hiện tình trạng sức khỏe ổn định. Tại Bệnh viện Xây dựng vào viện 25 ca, đã ra viện 23 còn 2 ca sức khỏe ổn định.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Xanh Pôn, mỗi nơi có có 1 ca vào viện, đã được thăm khám điều trị ổn định và cho ra viện. Tại Bệnh viện Đống Đa có 7 học sinh nhập viện, hiện sức khỏe ổn định, chờ kết quả xét nghiệm để ra viện.
Đại diện Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm cho hay, sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật báo cáo kịp thời. Dự kiến hết hôm nay sẽ có kết quả xét nghiệm của Viện kiểm nghiệm quốc gia.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, trong thời gian qua tại Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành khác đã tổ chức các đoàn cho trẻ nhiều chuyến đi dã ngoại. Việc này cũng nhận được sự đồng thuận của phụ huynh. Vậy nguyên nhân nào có thể gây ngộ độc thực phẩm cho trẻ? Làm thế nào để có chuyến đi đảm bảo an toàn?
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, nếu đồ ăn nấu xong để lâu thì có thể thức ăn chín đã bị nhiễm vi sinh vật. Trong quá trình để lâu vi sinh vật phát triển hình thành chất độc. Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc nấu xong mang cho học sinh ăn uống chỉ cách nhau một vài tiếng thì khả năng sinh độc tố do nhiễm khuẩn phát triển ít.
"Tôi cho rằng có thể sinh vật khác nhiễm vào trong quá trình bảo quản thực phẩm mà cụ thể là độc tố thịt (Clostridium botulinum). Khi nấu chín thức ăn vi sinh vật chết nhưng độc tố không mất dẫn đến trẻ ăn vào bị ngộ độc. Có thể quá trình bảo quản thực phẩm tại cơ sở chế biến không đúng quy trình nên đã bị nhiễm khuẩn", ông Thịnh phán đoán nguyên nhân.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, hiện nay nhiều trường tổ chức di tham quan vào ngày lễ, ngày nghỉ cho học sinh vui vẻ, thoả sức khám phá. Chính vì vậy trước mỗi chuyến đi dã ngoại như vậy cần chuẩn bị rất cẩn thận cho học sinh.
"Sự việc đáng tiếc trên chỉ mang tính cá biệt nhưng cũng đã gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ. Theo tôi, điều quan trọng nhất nhà trường khi tổ chức cho trẻ đi dã ngoại phải tổ chức cho tốt.
Việc thứ 2 nếu đã nghĩ đến chuyện mang thức ăn từ trường hoặc ký hợp đồng với đơn vị cung cấp cần phải kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ cơ sở đó. Qua sự việc này trách nhiệm phần lớn ở cơ sở nấu ăn nhưng nhà trường phải có trách nhiệm rút kinh nghiệm", ông Thịnh nêu.
Ông Thịnh cho rằng, muốn có chuyến đi tham quan trọn vẹn, ban giám hiệu nhà trường phải quá trình kiểm tra chứ không buông xuôi, qua loa. "Tôi cho rằng các trường cần yêu cầu rất rõ cơ sở nấu ăn phải tuân theo yêu cầu của mình, đồng thời yêu cầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm. Tin tưởng đơn vị cung cấp thực phẩm nhưng sinh mệnh của học sinh quan trọng hơn nhiều vì các cháu còn nhỏ, cơ thể còn mẫn cảm nên thực phẩm cần đặc biệt quan tâm", ông Thịnh nói thêm.