Dân Việt

Khi baguette Pháp đến Sài Gòn, người Việt đã biến tấu thành bánh mì thế nào để quốc tế hết lời khen ngợi?

Hồng Phúc 01/04/2023 14:38 GMT+7
Bánh mì Sài Gòn nói riêng, bánh mì Việt Nam nói chung xuất thân từ baguette Pháp. Người Việt đã biến tấu, bản địa hóa một món ăn rất châu Âu thành “bánh mì”, và đưa nó thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Không đâu như ở Sài Gòn, người ta muốn ăn bánh mì với loại nhân gì thì đều sẽ có.

Bên cạnh cơm tấm, hủ tíu, bún bò... ở Sài Gòn, người ta có thể gặp bất cứ một xe bánh mì ở đâu từ phố lớn đến hẻm nhỏ. Người Sài Gòn có thể ăn bánh mì với đủ hình thức khác nhau, tại bất kỳ bữa ăn nào trong ngày. Bánh mì Sài Gòn đã trở thành thương hiệu. Người Sài Gòn chứ không phải nơi nào khác, đã đưa bánh mì trở thành một món đặc trưng trong ẩm thực đô thị. Đó cũng là lý do vì sao tại Lễ hội Bánh mì đang diễn ra ở TP.HCM, nhiều chuyên gia đề xuất nên có ngày Bánh mì Việt Nam và TP.HCM là thủ phủ của bánh mì.

Từ baguette Pháp - chiếc bánh dài, cứng với cách ăn cầu kỳ, được người Việt biến thành chiếc bánh mì giòn bên ngoài xốp bên trong, độ dài vừa phải đủ cầm trên tay ăn ngon lành bất cứ ở đâu. 

Ngày 24/3/2011, bánh mì Việt Nam được ghi nhận là danh từ riêng "banh mi" trong từ điển Oxford. 

Bánh mì có mặt ở Việt Nam từ bao giờ?

PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho biết, bánh mì Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm qua, cùng sự hiện diện của người Pháp, với tên gọi ban đầu là baguette. Theo thời gian, món bánh này được người Việt đón nhận và thưởng thức theo phong cách ẩm thực riêng tùy theo vùng miền. 

Người Việt đã biến tấu baguette Pháp thành bánh mì Việt Nam thế nào để truyền thông quốc tế hết lời khen ngợi? - Ảnh 1.

Bánh mì Huỳnh Hoa nổi tiếng tại trung tâm quận 1, TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

Trước năm 1945, bánh mì đã xuất hiện trên các trang báo như Lục Tỉnh tân văn, Phụ Nữ tân văn, Tràng An báo, Sài Gòn, Phóng Sự, Đông Pháp, Công Luận, Khai hóa nhật báo… Với những giá trị có thực của nó trong đời sống văn hóa ẩm thực dân tộc, bánh mì lần hồi trở thành một món ăn quen thuộc không thể thiếu trong ẩm thực từ bình dân cho đến cao cấp của người Việt Nam. 

“Từ góc nhìn lịch sử, bánh mì đôi khi chỉ đơn thuần là món điểm tâm, song bằng cách nào đó, bánh mì lại trở thành nét tiêu biểu cho ẩm thực bình dân của người Việt, thật sự là một di sản văn hóa hiếm hoi từ thời Pháp thuộc vẫn còn tồn tại và không ngừng phát triển cho đến ngày hôm nay”, PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng nói.

Theo TS Hồ Văn Tường (Trường ĐH Bình Dương), nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bánh mì đã xuất hiện ở Việt Nam trước năm 1859, nhưng được biết đến nhiều là sau khi đội quân viễn chinh chiếm thành Gia Định và cai trị Việt Nam.

img
img

Bánh baguette (trái) thuôn, dài và bánh mì Việt Nam (phải) ngắn, vỏ ngoài giòn, bên trong mềm xốp.

Theo ông Tường, người Pháp đã mang bánh mì đến Việt Nam phục vụ nhu cầu ăn uống, trước hết là của lính Pháp, và sau đó là của giới chức cầm quyền và những tư sản người Pháp đến Việt Nam làm ăn. Cách làm bánh mì baguette của người Pháp đã được người Hoa và người Việt bản xứ tiếp thu, sản xuất bán ra thị trường. Và trong số khách hàng mua bánh mì thời kỳ đó, có cả người Việt: bồi bàn, thông ngôn, thầy lý... có lẽ là những người nếm bánh mì đầu tiên; kế đó là công chức tân trào, rồi đến tầng lớp Tây học, thị dân và dần dần tỏa rộng phổ biến cả thành thị lẫn nông thôn.

Ban đầu, món ăn này trong cái nhìn của người Việt chỉ là bánh - theo cách hiểu là món ăn chơi, không phải là thực phẩm thường xuyên như cơm! Thế nhưng dần dà, bánh mì đã trở thành “cơm tay cầm”, tức không ăn bằng chén đũa mà cầm trên tay. Dần dà, bánh mì trở nên quen thuộc, phổ biến khắp Việt Nam, với nhiều biến tấu khác nhau, được nhiều người ưa thích.

Người Việt đã sáng tạo bánh mì thế nào?

Các chuyên gia đều có chung quan điểm bánh mì Việt Nam có nguồn gốc từ baguette châu Âu, tiêu biểu là Pháp. Tuy nhiên, để phù hợp văn hóa, lối sống, thậm chí là cơ địa, người Việt đã sáng tạo nên chiếc bánh mì hoàn toàn khác.

Người Việt đã biến tấu baguette Pháp thành bánh mì Việt Nam thế nào để truyền thông quốc tế hết lời khen ngợi? - Ảnh 3.

Bánh mì chảo Hòa Mã, nổi tiếng tại quận 3, TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

ThS Nguyễn Hiếu Tín (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) cho rằng đầu tiên là hình dáng. Chiếc bánh baguette châu Âu thuôn dài đến 70-80 cm, người Việt đã thu gọn lại chỉ còn 20 - 30cm. Tiếp theo, thay vì đặc ruột như những chiếc baguette, người Việt đã làm chiếc bánh mì có lớp vỏ ngoài mỏng giòn, phần ruột xốp nhẹ mềm mại, để dành chỗ cho phần nhân bên trong.

“Phần nhân bánh được phối trộn hoàn hảo giữa các loại thịt, chả, rau, dưa chua, nước sốt... theo khẩu vị từng vùng miền và từng đầu bếp khác nhau. Từ ngoài vào trong, bánh mì Việt Nam đưa người ăn đi từ tầng lớp hương vị này đến tầng hương vị kia. Sự giòn mỏng ấm nóng bên ngoài sẽ nhanh chóng được thay thế và lấp đầy bởi hương vị tươi mới của rau xanh, rau thơm. Mùi thơm đặc trưng của nhân thịt hòa lẫn với nước sốt bí truyền thấm đẫm tạo ra một món ăn có sức hút khó cưỡng”, ông Hiếu nói thêm.

Dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu văn hóa, bánh mì Việt Nam đã thể hiện rõ sự thay đổi từ tính cá nhân đến tính cộng đồng; từ tính nguyên tắc đến tính linh hoạt hóa trong văn hóa ẩm thực; tính dung hòa, tổng hợp trong ổ bánh mì. Đây đều là những tính cách tiêu biểu của người Việt. 

Chiếc bánh mì Việt Nam tuy được du nhập từ châu Âu nhưng người Việt đã biến tấu gần như hoàn toàn khác, khiến khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phải ngạc nhiên.

Ở góc nhìn thị trường, “Vua bánh mì” Kao Siêu Lực cho biết ngay cả chiếc bánh mì không nhân cũng được các đầu bếp trên thế giới đánh giá cao, vì sự độc lạ, ngon miệng không giống với baguette. 

Nhưng theo ông Lực, không phải chỉ như vậy mà bánh mì có thể chiếm được thị trường. Phần “ăn điểm” của bánh mì Việt Nam, theo “Vua bánh mì” Kao Siêu Lực, chính là nhân thịt, pate, bơ, nước sốt, đặc biệt không thể thiếu rau, hành, ớt xanh. Các loại vị và dinh dưỡng, cảm giác giòn, xốp, mềm tổng hòa trong một ổ bánh mì. Điều này mới làm nên sức hấp dẫn của bánh mì đối với khách quốc tế.

Ngày 24/3/2011, bánh mì Việt Nam được ghi nhận là danh từ riêng trong từ điển Oxford. “Banh mi” được Oxford giải thích là một món ăn nhẹ, bên trong kẹp một hoặc nhiều loại thịt, pate, rau củ như cà rốt, dưa leo, rau mùi cùng với các loại gia vị tiêu, ớt theo kiểu của người Việt Nam.

Sau đó, bánh mì liên tục được truyền thông quốc tế nhắc đến, khen ngợi và giới thiệu với du khách quốc tế.

Năm 2013, bánh mì Việt Nam được Tạp chí National Geographic bình chọn là một trong 11 món ăn đường phố ngon nhất thế giới, là món ăn đứng đầu trong danh sách 12 món ăn đường phố do Tạp chí Du lịch Mỹ Conde’ Nast Traveler bầu chọn.

Năm 2014, bánh mì Việt Nam tạo nên cơn sốt khi lọt vào top 20 món ăn đường phố ngon nhất thế giới của Huffington Post.

Năm 2017, bánh mì Việt Nam lọt top 10 món sandwich hấp dẫn nhất thế giới theo trang Traveller.

Năm 2018, trang CNN ưu ái gọi tên bánh mì ở Hội An là “Vua của các sandwich trên thế giới”.

Ngày 24/3/2020, Google đã tôn vinh Bánh mì Việt Nam nhân kỷ niệm 9 năm ngày từ “banh mi” được đưa vào từ điển Oxford. Hình ảnh bánh mì Việt Nam, lấy cảm hứng dựa trên những chiếc xe bánh mì khắp mọi nẻo đường ở Việt Nam, xuất hiện trên trang chủ Google ở hơn 10 quốc gia.