Lần đầu công bố 10 thương hiệu bánh mì lâu đời nhất Sài Gòn, toàn tên tuổi đình đám nghe là thèm

Hồng Phúc Thứ bảy, ngày 01/04/2023 06:59 AM (GMT+7)
Trong khuôn khổ Lễ hội Bánh mì, 10 thương hiệu bánh mì nổi tiếng và lâu đời, hoạt động trên 50 năm tại Sài Gòn - TP.HCM lần đầu tiên được công bố.
Bình luận 0

Trong khuôn khổ Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần I năm 2023, tối 31/3, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chính thức có quyết định xác lập Top 10 thương hiệu bánh mì nổi tiếng và lâu đời, hoạt động trên 50 năm tại Sài Gòn - TP.HCM.

Đại diện tổ chức Kỷ lục Việt Nam cho biết danh sách 10 thương hiệu bánh mì nổi tiếng và lâu đời, hoạt động trên 50 năm tại Sài Gòn - TP.HCM được công nhận sau thời gian kiểm tra, khảo sát các hồ sơ đề cử.

Lần đầu công bố 10 thương hiệu bánh mì lâu đời nhất Sài Gòn, toàn tên tuổi đình đám nghe là thèm - Ảnh 1.

Đại diện các thương bánh mì lâu đời nhất Sài Gòn - TP.HCM nhận chứng nhận của tổ chức Kỷ lục Việt Nam, tối 31/3. Ảnh: Hồng Phúc

Các thương hiệu bánh mì nổi tiếng và lâu đời tại TP.HCM chủ yếu nằm tại quận 1, quận 3 và một số ít rải rác tại quận 5, Bình Thạnh, Tân Bình, Thủ Đức.

Cụ thể, danh sách 10 thương hiệu bánh mì nổi tiếng và lâu đời, hoạt động trên 50 năm tại Sài Gòn - TP.HCM, TP.HCM lần 1, năm 2023 gồm:

1. Bánh mì cụ Lý, quận 3

2. Bánh mì Tăng, quận 5

3. Bánh mì Tuấn 7 Kẹo, TP.Thủ Đức

4. Bánh mì Bảy Hổ, quận 1

5. Bánh mì Nguyên Sinh Bistro, quận 1

6. Bánh mì Như Lan, quận 1

7. Bánh mì Bảy Quang, quận 1

8. Bánh mì Hoàng Oanh, quận Bình Thạnh

9. Bánh mì Hòa Mã, quận 3

10. Bánh mì Cô Điệp, quận Tân Bình

Bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho biết Lễ hội Bánh mì Việt Nam do Hiệp hội Du lịch TP.HCM và Sở Du lịch lần đầu tiên được tổ chức đang diễn ra và nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, du khách. Ban tổ chức cố gắng đảm bảo lễ hội diễn ra chỉn chu nhất có thể.

Nhiều thương hiệu bánh mì lâu đời, nổi tiếng tại TP.HCM như bánh mì Tăng, bánh mì Bảy Hổ, bánh mì Cụ Lý, bánh mì Tuấn 7 Kẹo, bánh mì Nguyên Sinh Bistro đều tham gia đồng hành cùng Lễ hội Bánh mì, phục vụ du khách. 

Theo bà Khánh, cùng với việc tiếp tục quảng bá, các thương hiệu lớn sẽ là động lực góp phần quan trọng đưa bánh mì Việt Nam ra thế giới.

Lần đầu công bố 10 thương hiệu bánh mì lâu đời nhất Sài Gòn, toàn tên tuổi đình đám nghe là thèm - Ảnh 2.

Truyền nhân đời thứ hai (bên trái) và thứ ba của ông Nguyễn Văn Miêu - người khai sinh bánh mì Nguyên Sinh Bistro tại quận 1, TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

Chiều cùng ngày, tại hội thảo “Hành trình phát triển bánh mì Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Khánh đã đề xuất lấy ngày 24/3 hàng năm là Ngày Bánh mì Việt Nam. Ngày 24/3 là ngày kỷ niệm từ “bánh mì” được đưa vào từ điển Oxford, năm 2011. 

Đồng thời, bà Khánh cũng đề xuất Lễ hội Bánh mì Việt Nam cũng sẽ diễn ra vào đúng ngày 24/3 hàng năm, để cộng hưởng, lan tỏa, hiệu quả hơn.

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đánh giá cao khi Lễ hội Bánh mì Việt Nam được TP.HCM tổ chức nhận được sự hưởng ứng  của xã hội, cho thấy đã chọn được một sản phẩm thực sự hấp dẫn và độc đáo.

Ông bày tỏ ủng hộ đề xuất ngày Bánh mì Việt Nam của Hiệp hội Du lịch TP.HCM. Đồng thời, theo ông Bình, quy mô Lễ hội Bánh mì trong những năm tới sẽ lớn hơn, sẽ triển khai trên cả nước, tổ chức ở các địa phương khác nhau để vinh danh bánh mì Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem