Dân Việt

Giá xăng dầu hôm nay 2/4: Giá xăng trong nước ngày mai lại tăng?

Nguyễn Phương 02/04/2023 08:58 GMT+7
Giá xăng dầu hôm nay 2/4: Giá dầu trải nghiệm tuần tăng thứ hai với dầu Brent tăng vọt hơn 7%, dầu WTI tăng hơn 9%. Trong nước, giá xăng trong kỳ điều hành ngày mai (3/4) được dự báo tăng nhẹ. Trong khi đó, giá dầu diesel có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ; giá dầu hỏa và dầu mazut có khả năng giảm nhẹ.

Giá xăng dầu hôm nay 2/4: Tuần tăng mạnh của giá dầu

Tuần này, giá dầu Brent chốt phiên giao dịch cuối cùng ở mức 79,89 USD/thùng, tiến sát mốc 80 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ dừng ở mức 75,67 USD/thùng, tăng mạnh so với mức giảm dưới 70 USD/thùng hồi tuần trước.

Sự leo dốc của giá dầu tuần này chủ yếu được hỗ trợ bởi sự suy giảm trong nguồn cung, sự giảm trong dự trữ xăng dầu của Mỹ, và dữ liệu lạm phát của Mỹ thấp hơn dự kiến.

Cụ thể: Giá dầu thế giới đi lên trong hầu hết các phiên giao dịch của tuần này, qua đó ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp, khi nguồn cung khan hiếm ở một số nơi trên thế giới và dữ liệu lạm phát Mỹ cho thấy tốc độ tăng giá cả đang chậm lại. 

Tuy vậy, bất chấp đà tăng của tuần này, giá dầu Brent và dầu WTI lần lượt giảm 5% và 2% trong tháng 3, ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2022. Như vậy, giá dầu Brent giảm quý thứ 3 liên tiếp, lần đầu tiên kể từ năm 2015.

Trước đó, giá dầu tăng hơn 3 USD/thùng ngay trong phiên đầu tuần này (ngày 27/3) khi sự gián đoạn của hoạt động xuất khẩu tại Iraq làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung dầu thô. 

Đà tăng này được duy trì trong phiên giao dịch liền sau đó trước khi quay đầu giảm vào phiên 29/3, khi thị trường cố gắng tìm kiếm sự cân bằng với hoạt động chốt lời.

Bên cạnh đó, những lo ngại về nguồn cung đã dịu xuống phần nào khi có thông tin cho biết sản lượng dầu của Nga chỉ giảm khoảng 300.000 thùng/ngày trong 3 tuần đầu của tháng 3, thấp hơn mức giảm mục tiêu là 500.000 thùng/ngày.

Giá xăng dầu hôm nay 2/4: Giá xăng trong nước ngày mai lại tăng? - Ảnh 1.

Giá xăng dầu hôm nay 2/4: Giá dầu trải nghiệm tuần tăng thứ hai với dầu Brent tăng vọt hơn 7%, dầu WTI tăng hơn 9%

Tuy nhiên, giá “vàng đen” nhanh chóng lấy lại đà tăng trong hai phiên giao dịch cuối tuần này (30-31/3), khi vấn đề nguồn cung vẫn gây “nhức nhối” với báo cáo cho thấy lượng dầu dự trữ tại Mỹ thấp hơn dự kiến. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), cho thấy lượng dầu tại các kho dự trữ ở nước này đã bất ngờ giảm trong tuần kết thúc ngày 24/3 xuống mức thấp nhất của 2 năm. Lượng dầu tại các kho đã giảm khoảng 7,5 triệu thùng so với dự báo tăng 100.000 thùng theo khảo sát.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 31/3, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2023 tăng 1,29 USD (tương đương 1,6%) lên 79,89 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn tăng 1,30 USD (tương đương 1,8%) lên 75,67 USD/thùng, ghi nhận mức tăng 9% trong tuần qua.

Dữ liệu cùng ngày từ Chính phủ Mỹ cho thấy chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tăng 0,3% trong tháng 2/2023, thấp hơn so với mức tăng 0,6% trong tháng 1 và dự báo tăng 0,4% từ cuộc thăm dò trước đó.

Các dấu hiệu cho thấy lạm phát đang chậm lại có xu hướng hỗ trợ giá dầu vì điều này có thể dẫn đến Fed nâng lãi suất bớt quyết liệt hơn, thúc đẩy nhu cầu của nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro như hàng hoá và cổ phiếu.

Nhiều nguồn tin cho biết với việc giá dầu phục hồi từ các mức đáy gần đây, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh do Nga dẫn dầu có thể sẽ giữ nguyên thoả thuận về sản lượng dầuhiện tại ở cuộc họp vào ngày 3/4 tới.

OPEC đã bổ sung 28,90 triệu thùng/ngày trong tháng này, giảm 70.000 thùng/ngày so với tháng 2. Sản lượng giảm hơn 700.000 thùng/ngày so với tháng 9/2022.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước

Tại thị trường trong nước, ngày 21/3, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 21/3. 

Theo đó, tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) đối với các mặt hàng xăng dầu như kỳ điều hành trước, cụ thể: Với xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 300 đồng/lít; với dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít và dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (kỳ trước 0 đồng/kg). Đồng thời không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu (như kỳ trước).

Giá xăng dầu hôm nay 2/4: Giá xăng trong nước ngày mai lại tăng? - Ảnh 2.

Giá xăng trong nước ngày mai có thể quay đầu tăng.

Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 2/4 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 22.022 đồng/lít (giảm 784 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.016 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 23.038 đồng/lít (giảm 780 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 19.302 đồng/lít (giảm 1.200 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 19.462 đồng/lít (giảm 1.253 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.479 đồng/kg (giảm 800 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).

Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 13/3/2023-21/3/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: báo cáo lạm phát của Mỹ và lo ngại về việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed); mối lo ngại về biến cố của một số ngân hàng ở Mỹ và Châu Âu có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh…; các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 13/3/2023 và kỳ điều hành ngày 21/3/2023 là: 92,242 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 4,119 USD/thùng, tương đương giảm 4,27% so với kỳ trước); 96,512 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 3,741 USD/thùng, tương đương giảm 3,73% so với kỳ trước); 97,152 USD/thùng dầu hỏa (giảm 7,180 USD/thùng, tương đương giảm 6,88% so với kỳ trước); 96,317 USD/thùng dầu điêzen (giảm 6,828 USD/thùng, tương đương giảm 6,62% so với kỳ trước); 412,637 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 40,858 USD/tấn, tương đương giảm 9,01% so với kỳ trước).

Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm bảo đảm biến động giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu trong nước phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; tạo dư địa Quỹ BOG để điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới còn nhiều bất ổn; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).

Trong bối cảnh giá dầu thô thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương yêu cầu đầu mối phân phối xăng dầu chia sẻ nguồn cung, điều chỉnh chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ, tránh gây gián đoạn thị trường. 

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu đúng quy định, bám sát diễn biến giá thế giới. Trường hợp giá xăng dầu thế giới có biến động bất thường, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ thời điểm điều hành giá xăng dầu phù hợp.

Một thông tin mới được Bộ Công Thương đưa ra là cơ quan này đã báo cáo cấp có thẩm quyền rà soát tính toán lại các mức chi phí, gồm chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam cũng như các loại thuế, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, các chi phí sẽ được tính đúng, tính đủ, hài hoà giữa các đầu mối và các doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Công Thương yêu cầu các đầu mối xăng dầu triển khai ngay việc nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương giao từ đầu năm và lượng nhập khẩu giao bổ sung ngày 24/2/2023 để đảm bảo cung cấp cho thị trường. Việc này sẽ giúp bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước.

Được biết, theo lịch, chiều 1/4, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày một lần. Tuy nhiên, do trùng vào ngày nghỉ nên kỳ điều hành giá này sẽ được lùi sang ngày làm việc đầu tuần tiếp theo (ngày 3/4).

Dữ liệu cập nhật từ Bộ Công Thương ghi nhận giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở chu kỳ này tăng, giảm trái chiều so với kỳ điều hành trước đó (ngày 21/3).

Theo đó, bình quân giá xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5) tại Singapore cập nhật từ ngày 22-27/3 là 93,357 USD/thùng, bình quân giá xăng RON 95 là 97,905 USD/thùng. Trong khi ở chu kỳ trước, bình quân giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore là 92,242 USD/thùng, giá xăng RON 95 là 96,512 USD/thùng.

Như vậy, so với chu kỳ trước, bình quân giá xăng RON 92 từ ngày 22-27/3 tăng 1,115 USD/thùng, bình quân giá xăng RON 95 tăng 1,393 USD/thùng.

Trong khi đó, bình quân giá dầu trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 27/3 cũng tăng, giảm trái chiều so với chu kỳ trước.

Cụ thể, bình quân giá dầu diesel là 96,59 USD/thùng, dầu hỏa là 94,913 USD/thùng, dầu mazut là 401,128 USD/tấn. Ở chu kỳ trước, bình quân giá dầu diesel là 96,317 USD/thùng, dầu hỏa là 97,152 USD/thùng và dầu mazut là 412,637 USD/tấn.

So với chu kỳ trước, bình quân giá dầu diesel từ 22-27/3 tăng 0,273 USD/thùng, dầu hỏa giảm 2,239 USD/thùng, dầu mazut giảm 11,509 USD/tấn.

Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho hay, trong kỳ điều hành ngày 3/4, giá bán lẻ xăng trong nước có thể tăng nhẹ. Trong khi đó, giá dầu diesel có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ; giá dầu hỏa và dầu mazut có khả năng giảm nhẹ. Tuy nhiên, mức thay đổi cụ thể thế nào còn phụ thuộc vào việc điều hành Quỹ bình ổn giá.

Như vậy, nếu dự báo trên là chính xác, giá các mặt hàng xăng trong nước vào ngày mai sẽ quay đầu tăng. Từ đầu năm đến nay, giá xăng có 4 lần tăng, 3 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.