Nguyễn Phương
Thứ bảy, ngày 01/04/2023 08:16 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 1/4: Giá dầu tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch sáng nay và ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp, nhờ nguồn cung thắt chặt tại một số khu vực trên thế giới và lạm phát Mỹ chậm lại. Giá dầu Brent tiến sát mốc 80 USD/thùng...
Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 1/4 (giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ ổn định ở mức 75,67 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent ở mức 78,95 USD/thùng.
Dữ liệu đưa ra trong ngày 31/3 cho thấy chỉ số Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã tăng 0,3% trong tháng 2 trên cơ sở hàng tháng, giảm so với mức tăng 0,6% trong tháng 1 và kỳ vọng tăng 0,4% trong cuộc thăm dò ý kiến trước đó.
Các dấu hiệu cho thấy lạm phát ở Mỹ đang có xu hướng chậm lại đã hỗ trợ giá dầu hôm nay tiếp đà tăng. Lạm phát ở Mỹ giảm cũng đồng nghĩa với việc Fed sẽ tăng lãi suất ít mạnh mẽ hơn, nâng cao nhu cầu của nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro như hàng hóa và cổ phiếu.
Giá dầu cũng tăng sau khi các nhà sản xuất đóng cửa hoặc giảm sản lượng tại một số mỏ dầu ở khu vực bán tự trị người Kurd ở miền Bắc Iraq sau khi đường ống xuất khẩu phía bắc bị dừng hoạt động.
Với việc giá dầu nhanh chóng phục hồi từ mức thấp thời gian qua, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) có thể sẽ giữ nguyên thỏa thuận sản lượng hiện tại của họ tại cuộc họp vào thứ hai tới.
Một cuộc khảo sát cho thấy, sản lượng của OPEC trong tháng này là 28,9 triệu thùng/ngày, giảm 70.000 thùng/ngày so với tháng 2 và giảm hơn 700.000 thùng/ngày so với tháng 9 năm ngoái.
Tính chung, giá dầu Brent và WTI tăng lần lượt khoảng 8% và 6% từ đầu tuần tới thời điểm hiện tại.
Giá dầu đang trên đà ghi nhận mức tăng tuần thứ hai liên tiếp do tâm lý lạc quan xung quanh đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Hoạt động sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trong tháng 3/2023. Tuy tốc độ tăng chậm hơn so với mức tăng kỷ lục trong tháng 2, nhưng vẫn cao hơn dự báo của các nhà kinh tế.
Hai vụ phá sản của ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank – thuộc hàng lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 – đã khiến các nhà giao dịch hoảng sợ và khiến thị trường “dậy sóng”. Sang tuần này, những lo lắng về một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu đã giảm bớt sau khi hai ngân hàng lớn gặp khó khăn ở Mỹ và châu Âu lần lượt được giải cứu.
Tại thị trường trong nước, ngày 21/3, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 21/3.
Theo đó, tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) đối với các mặt hàng xăng dầu như kỳ điều hành trước, cụ thể: Với xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 300 đồng/lít; với dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít và dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (kỳ trước 0 đồng/kg). Đồng thời không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu (như kỳ trước).
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 1/4 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 22.022 đồng/lít (giảm 784 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.016 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 23.038 đồng/lít (giảm 780 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 19.302 đồng/lít (giảm 1.200 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 19.462 đồng/lít (giảm 1.253 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.479 đồng/kg (giảm 800 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 13/3/2023-21/3/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: báo cáo lạm phát của Mỹ và lo ngại về việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed); mối lo ngại về biến cố của một số ngân hàng ở Mỹ và Châu Âu có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh…; các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 13/3/2023 và kỳ điều hành ngày 21/3/2023 là: 92,242 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 4,119 USD/thùng, tương đương giảm 4,27% so với kỳ trước); 96,512 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 3,741 USD/thùng, tương đương giảm 3,73% so với kỳ trước); 97,152 USD/thùng dầu hỏa (giảm 7,180 USD/thùng, tương đương giảm 6,88% so với kỳ trước); 96,317 USD/thùng dầu điêzen (giảm 6,828 USD/thùng, tương đương giảm 6,62% so với kỳ trước); 412,637 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 40,858 USD/tấn, tương đương giảm 9,01% so với kỳ trước).
Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm bảo đảm biến động giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu trong nước phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; tạo dư địa Quỹ BOG để điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới còn nhiều bất ổn; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).
Trong bối cảnh giá dầu thô thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương yêu cầu đầu mối phân phối xăng dầu chia sẻ nguồn cung, điều chỉnh chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ, tránh gây gián đoạn thị trường.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu đúng quy định, bám sát diễn biến giá thế giới. Trường hợp giá xăng dầu thế giới có biến động bất thường, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ thời điểm điều hành giá xăng dầu phù hợp.
Một thông tin mới được Bộ Công Thương đưa ra là cơ quan này đã báo cáo cấp có thẩm quyền rà soát tính toán lại các mức chi phí, gồm chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam cũng như các loại thuế, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, các chi phí sẽ được tính đúng, tính đủ, hài hoà giữa các đầu mối và các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương yêu cầu các đầu mối xăng dầu triển khai ngay việc nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương giao từ đầu năm và lượng nhập khẩu giao bổ sung ngày 24/2/2023 để đảm bảo cung cấp cho thị trường. Việc này sẽ giúp bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước.
Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia, ngày 30/3, Bộ Công Thương cho hay, Việt Nam muốn nâng dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu đạt 75-80 ngày nhập ròng đến 2030, và 90 ngày nhập khẩu ròng, đáp ứng tiêu chí của Tổ chức Năng lượng quốc tế; đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt tối thiểu đáp ứng 15 ngày tiêu thụ.
Bộ Công Thương ước tính tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng (gần 12 tỷ USD), được huy động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn của doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Còn nguồn vốn ngân sách nhà nước ưu tiên cho việc nâng mức dự trữ quốc gia cho mặt hàng xăng dầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.