Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội, quốc phong an ninh quý I/2023 ngày 4/4, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết tính đến ngày 15/3, giá trị giải ngân vốn đầu tư công mới được 769 tỷ đồng; bằng 3,5% kế hoạch HĐND tỉnh giao.
Tính đến ngày 28/3, Bình Dương mới có 9 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân của tỉnh. Có 6 đơn vị giải ngân thấp hơn mức bình quân, 16 đơn vị chưa giải ngân.
Các vướng mắc trong đầu tư công được Bình Dương tập trung chỉ đạo tháo gỡ từ đầu năm. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra, là 25% mỗi quý.
Trả lời câu hỏi của báo Dân Việt về nguyên nhân đầu tư công đạt thấp, ông Lai Xuân Đạt – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, có nhiều lý do mang tính đặc thù khiến giải ngân vốn đầu tư công của Bình Dương đạt thấp.
Theo ông Đạt, tháng đầu tiên năm 2023, các đơn vị, chủ đầu tư tập trung thanh toán cho năm 2022. Tiếp đến là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nên quý I/2023 chỉ còn khoảng 1 tháng 20 ngày.
"Vì thế, phần lớn khối lượng đầu tư công đã thực hiện là để thanh toán các hợp đồng đã ứng trước. Phần giải ngân quý I vì thế thấp hơn các quý khác", ông Đạt giải thích.
Ông Đạt cũng thông tin thêm, tính đến hôm nay (ngày 4/4), giải ngân đầu tư công của tỉnh đã thực hiện được hơn 5%. UBND tỉnh Bình Dương cũng đã chỉ đạo các cấp ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến cuối năm 2023 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt hơn 95%.
Để giải ngân đầu tư công hiệu quả hơn, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết trong năm 2023, có khoảng 60% vốn tập trung cho các công trình trọng điểm. Vì thế, các giải pháp cũng sẽ tập trung các công trình trọng điểm.
Năm 2023, tỉnh Bình Dương bố trí vốn cho 36 dự án trọng điểm, với tổng số vốn hơn 14.558 tỷ đồng. Trong đó, Sở tập trung vào 3 giải pháp chính: Hoàn thiện thủ tục đầu tư của các công trình trọng điểm để tiến hành chọn nhà thầu. Bình Dương cần tập trung giải ngân đối với các công trình trọng điểm này.
Giải quyết dứt điểm vướng mắc về chi phí di dời hạ tầng, kỹ thuật điện. Đây là phần này ảnh hưởng tới tiến độ thi công của các con đường lớn.
"Cuối cùng, Sở tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh kiến nghị các Bộ, ngành trung ương có hướng dẫn định mức về chi phí cụ thể khi làm thẩm định, phê duyệt dự toán", ông Đạt chia sẻ.