Bình Dương: Không hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công, hạ bậc thi đua người đứng đầu

Trần Khánh Thứ tư, ngày 29/03/2023 15:03 PM (GMT+7)
Giải ngân vốn đầu tư công quý I/2023 của Bình Dương đạt tỷ lệ thấp. UBND tỉnh đề nghị hạ một bậc thi đua với người đứng đầu và người liên quan trực tiếp nếu không hoàn thành chỉ tiêu giải ngân cuối năm.
Bình luận 0

Tại cuộc họp về kết quả thực hiện đầu tư công quý I/2023, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, kế hoạch vốn năm 2023 được tỉnh giao hơn 21.782 tỷ đồng.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công

Báo cáo mới nhất, tính đến ngày 28/3, giá trị giải ngân mới được hơn 924 tỷ đồng, bằng 4,2% kế hoạch tỉnh giao và 7,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Còn so với cùng kỳ năm 2022, tỷ lê này đạt thấp hơn về cả giá trị giải ngân tuyệt đối và số tương đối.

Với các chủ đầu tư, đến ngày 28/3, Bình Dương mới có 9 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân của tỉnh. Có 6 đơn vị giải ngân thấp hơn mức bình quân và 16 đơn vị chưa giải ngân.

Năm 2023, tỉnh Bình Dương bố trí vốn cho 36 dự án trọng điểm, với tổng số vốn hơn 14.558 tỷ đồng. Ảnh: Trần Khánh

Năm 2023, tỉnh Bình Dương bố trí vốn cho 36 dự án trọng điểm, với tổng số vốn hơn 14.558 tỷ đồng. Ảnh: Trần Khánh

Năm 2023, tỉnh Bình Dương bố trí vốn cho 36 dự án trọng điểm, với tổng số vốn hơn 14.558 tỷ đồng. Khối lượng thực hiện các dự án trọng điểm đến 28/3 mới được hơn 192 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giải ngân gần 147 tỷ đồng, chỉ đạt hơn 1% kế hoạch.

Trước đó, năm 2022, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công của Bình Dương hơn 7.661 tỷ đồng; đạt 84,6% kế hoạch HĐND tỉnh giao và đạt 85,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Kết thúc quý I năm nay, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức ký giao ước thi đua thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023. Các chủ đầu tư cam kết phấn đấu tỷ lệ giải ngân đến quý IV đạt tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao.

Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị, phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Ông Minh đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng đưa nội dung Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 vào chỉ tiêu thi đua.

Các chủ đầu tư phải tập trung triển khai các chiến dịch thực hiện dự án. Trường hợp các chủ đầu tư không hoàn thành chỉ tiêu giải ngân cuối năm, người đứng đầu và người liên quan trực tiếp sẽ tự hạ một bậc thi đua cuối năm.

Tập trung triển khai các dự án giao thông trọng điểm

Ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, Bình Dương đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm. Như, Dự án đường Vành đai 3 qua tỉnh Bình Dương có chiều dài 26,06km. Trong đó, đoạn trùng với đường Mỹ Phước – Tân Vạn dài 15,3km; đoạn chưa đầu tư dài 10,76km.

Dự án đường Vành đai 3 đoạn trùng với đường Mỹ Phước – Tân Vạn trên địa bàn TP.Dĩ An, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Dự án đường Vành đai 3 đoạn trùng với đường Mỹ Phước – Tân Vạn trên địa bàn TP.Dĩ An, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Dự án đường Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương có tổng chiều dài khoảng 48,3km. Trong đó, các đoạn tuyến đã đầu tư có chiều dài 22,64km; các đoạn tuyến chưa đầu tư có chiều dài 25,66km.

UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận đề xuất lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn theo hình thức PPP.

Giai đoạn 1, dự án đường Vành đai 4 có tổng mức đầu tư khoảng 20.331 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 8.667 tỷ đồng, chi phí xây dựng và các chi phí khác là 11.664 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2023-2026.

Dự án Đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành gồm: Đoạn nối cao tốc dài khoảng 8,8km từ cầu Gò Dưa đến đường Vành đai 3; và đoạn cao tốc dài khoảng 60,4km.

UBND tỉnh Bình Dương đã báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương cho dự án này, khoảng 6.160 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trung ương, phương án đầu tư theo hình thức PPP.

Theo ông Nguyễn Anh Minh, các dự án đã bố trí đủ nguồn vốn để triển khai. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án đang gặp khó khăn trong công tác xác định giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng; xây dựng các khu tái định cư tại địa bàn TP.Thuận An, TP.Dĩ An.

Ùn tắc giao thông trên đường Quốc lộ 13, đoạn qua TP.Thuận An. Ảnh: Trần Khánh

Ùn tắc giao thông trên đường Quốc lộ 13, đoạn qua TP.Thuận An. Ảnh: Trần Khánh

Ông Phạm Trọng Nhân – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để phấn đấu thực hiện giải ngân ở mức cao nhất kế hoạch vốn được giao, Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành chỉ thị về kế hoạch đầu tư công. Từ đó, Sở giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ngành, các địa phương, các chủ đầu tư tổ chức thực hiện.

Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng chủ động hướng dẫn các đơn vị, chủ đầu tư lập kế hoạch triển khai từng dự án, cho từng tháng, từng quý để theo dõi và tham mưu tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ông Minh yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở bố trí vốn thực hiện theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị tập trung thực hiện các giải pháp thu ngân sách, nhất là thu từ nguồn đấu giá đất để bảo đảm nguồn vốn cho công tác đầu tư công trong năm.

Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị, các ngành, các cấp phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm; tháo gỡ khó khăn trong xác định giá đất, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh.

"Đặc biệt, các tuyến đường Vành đai 3, 4, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; thực hiện tốt chính sách tái định cư, đền bù giải tỏa", Bí thư tỉnh ủy nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem