Dân Việt

Nhà báo Mỹ chỉ ra lý do Ukraine không bao giờ giành lại được Crimea từ Nga

Phương Đăng (theo Antiwar) 04/04/2023 19:00 GMT+7
Mỹ từ lâu tuyên bố nước này sẽ "không bao giờ" công nhận Crimea là một phần của Nga. Ba tháng trước, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố sẽ "giành lại" Crimea từ Nga. Điều này có khả năng không?
Nhà báo Mỹ chỉ ra lý do Ukraine không bao giờ giành lại được Crimea từ Nga - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Zelensky đã nhiều lần tuyên bố về ý định giành lại Crimea từ Nga. Ảnh IT

Viết trên trang Antiwar, nhà báo Mỹ Rick Sterling đã nêu ra nhiều lý do ông cho rằng Tổng thống Zelensky không bao giờ có thể lấy lại được Crimea từ Nga.

Theo nhà báo Sterling, vào tháng 6/2016, ông đã đến thăm Crimea cùng với một phái đoàn từ Trung tâm Sáng kiến Công dân (CCI). Đây là một tổ chức của Mỹ đã giao lưu nhân dân với Nga trong nhiều thập kỷ. CCI chưa bao giờ nhận được hỗ trợ tài chính từ Nga nhưng đã nhận được một số khoản tài trợ từ USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ) vào những năm 1990. CCI đặc biệt đẩy mạnh hoạt động giao lưu với các câu lạc bộ Rotary (Rotary là tổ chức các câu lạc bộ phi lợi nhuận, bao gồm thành viên từ các ngành nghề khác nhau, được thành lập năm 1905 ở Chicago, Mỹ).

Đến Crimea, nhà báo Mỹ Sterling và phái đoàn CCI ở Yalta, một thành phố nhỏ trên Biển Đen. Từ Yalta, họ thực hiện các chuyến đi đến Simferopol, cảng hải quân ở Sebastopol, "thung lũng tử thần" và nhiều điểm đến khác.

Crimea rất đẹp và mọi người rất thân thiện, vui vẻ khi gặp đoàn khách đến từ Mỹ. Vào thời điểm đó, Crimea đã phải chịu lệnh trừng phạt của phương Tây trong 2 năm vì quyết định ly khai khỏi Ukraine vào tháng 3/2014.

Các tàu du lịch trước đây từng cập cảng của Crimea không còn dừng lại vì lệnh trừng phạt. Những sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ở Crimea không còn được châu Âu công nhận. Visa và Mastercard không sử dụng được. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã gây ra vô số vấn đề ở bán đảo Biển Đen này, nhà báo Sterling cho biết.

Nhà báo Mỹ chỉ ra lý do Ukraine không bao giờ giành lại được Crimea từ Nga - Ảnh 2.

Cảng Yalta ở Crimea. Ảnh Victoria Vasilieva/Laprogressive

"Chúng tôi đã gặp gỡ nhiều nhóm bao gồm hội đồng thành phố được bầu ở thủ đô Simferopol, sinh viên đại học, học sinh trung học, các nhóm dân tộc Armenia và Tatar, một nhóm doanh nghiệp Rotary, v.v. Tất cả họ đều cho biết quyết định ly khai khỏi Ukraine được đông đảo quần chúng nhân dân ở Crimea ủng hộ. Kết quả trưng cầu dân ý chính thức đã xác nhận những gì họ nói: 97% cử tri cho biết họ muốn "tái thống nhất" với Liên bang Nga", nhà báo Mỹ chia sẻ.

Khi Sterling hỏi tại sao họ muốn trở thành một phần của Nga, đã có nhiều cách giải thích khác nhau được đưa ra.

Mọi người đều nhắc đến cuộc đảo chính vào tháng 2/2014 để lật đổ Tổng thống Yanukovich. Hơn 75% dân số Crimea đã bỏ phiếu cho ông Yanukovich trong cuộc bầu cử năm 2010 được các nhà quan sát châu Âu cho là tự do và công bằng. Họ không thích cuộc đảo chính bạo lực đã lật đổ tổng thống được họ bầu lên.

Một lý do khác là vì chính phủ đảo chính ngay lập tức bãi bỏ luật cho phép sử dụng tiếng Nga trong các trường học và các cơ quan đoàn thể.

Phần lớn dân số ở miền đông Ukraine và Crimea có ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Nga. Sự thù địch của chính phủ đảo chính với họ là điều rõ ràng, không cần bàn cãi.

Lý do thứ ba là vì sự bạo lực của các lực lượng đã thúc đẩy cuộc đảo chính. Trong vài ngày, gần 100 người đã thiệt mạng trên quảng trường Maidan ở Kiev.

Có nhiều bằng chứng cho thấy, các vụ giết người do các tay súng bắn tỉa từ các phòng và mái nhà của các tòa nhà do phe đối lập kiểm soát thực hiện. Thực tế là cả người biểu tình và cảnh sát đều bị giết cho thấy ý định có chủ đích nhằm châm ngòi và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng - đó chính xác là những gì đã xảy ra - nhà báo Sterling viết.

Lý do thứ tư cho quyết định của người Crimea là do một sự cố xảy ra vào đêm 20/2/2014. Trước đó, hàng trăm người dân Crimea đã đến Kiev để biểu tình ôn hòa ủng hộ chính phủ của ông Yanukovich và phản đối đám đông ngày càng bạo lực.

Khi các vụ giết người lên đến đỉnh điểm vào ngày 20/2, họ nhận ra rằng việc ở lại Kiev quá nguy hiểm và các cuộc biểu tình ôn hòa là vô vọng.

Họ đã quyết định về nhà trong một đoàn xe buýt gồm 8 chiếc. Cách Kiev 150km về phía nam, đoàn xe buýt bị chặn lại bởi những tên côn đồ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Tất cả các hành khách đều bị khủng bố, nhiều người bị đánh đập và đã có 7 người thiệt mạng. Tin tức về vụ bạo lực này nhanh chóng lan truyền và gây sốc cho người dân Crimea.

Cuộc trưng cầu dân ý nhanh chóng được tổ chức và diễn ra không có bạo lực vào ngày 16/3. Tỷ lệ cử tri đi bầu rất lớn và kết quả mang tính quyết định. Hai ngày sau, Nga chào đón Crimea vào Liên bang Nga.

"Khi chúng tôi đến thăm, chỉ hai năm sau cuộc đảo chính, chúng tôi biết rằng, người dân Crimea không có gì phải hối tiếc về quyết định rời khỏi Ukraine bất chấp họ gặp nhiều vấn đề do lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra. Mọi người nói với chúng tôi rằng Crimea đã bị lãng quên dưới thời Ukraine. Bây giờ, khi bán đảo là một phần của Liên bang Nga, tất cả các loại cải tiến cơ sở hạ tầng đã được thực hiện. Chúng tôi đã thấy điều này lần đầu tiên tại sân bay Simferopol mới. Chúng tôi nghe nói về cây cầu Kerch sắp được hoàn thành. Chúng tôi đã thấy việc tu sửa và xây dựng lại trại hè thanh niên Artek nổi tiếng", nhà báo Sterling cho biết.

Ông mô tả thêm rằng, thật thú vị khi gặp gỡ những người Tatar trẻ tuổi. Đây là một nhóm dân tộc bản địa theo đạo Hồi ở Crimea. Khi được hỏi liệu các tổ chức phi chính phủ phương Tây có tích cực thúc đẩy phe đối lập ở Crimea hay không, họ mỉm cười và nói "Có".

"Trong chuyến đi của chúng tôi, chúng tôi cũng đã tìm hiểu về lịch sử lâu đời của Crimea như một phần của Nga. Bán đảo Crimea và cảng hải quân tại Sebastopol đã thuộc về Nga kể từ năm 1783. Đây là cảng nước ngọt phía nam duy nhất của Hải quân Nga trong 240 năm", ông Sterling cho hay.

Năm 1954, Crimea được lãnh đạo Liên Xô Krushchev chỉ định thuộc về Nước cộng hòa Ukraine. Lúc đó tất cả họ đều là một phần của Liên Xô. Khi Liên Xô tan rã, 94% cử tri Crimea muốn rời Ukraine và tái lập Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Crimea. Nhưng những mong muốn đó đã bị Kiev phớt lờ.

Cuộc đảo chính năm 2014 là giọt nước tràn ly cuối cùng. Bạo lực Maidan, các quyết định của chính phủ đảo chính về ngôn ngữ và các cuộc tấn công vào dân thường đã buộc người Crimea phải nhanh chóng ly khai. Sau đó, cuộc trưng cầu dân ý đã diễn ra nhanh chóng và hòa bình.

"Đạo đức giả và tiêu chuẩn kép của phương Tây thật ngoạn mục. Phương Tây đã tích cực thúc đẩy việc Nam Tư tan rã, Kosovo ly khai khỏi Serbia và Nam Sudan rời khỏi Sudan. Ý chí phổ biến của người dân Crimea trong việc ly khai khỏi Ukraine và thống nhất với Nga là rất rõ ràng. Tuy nhiên, phương Tây vẫn tiếp tục tuyên bố sai sự thật rằng Nga "chiếm đóng" Crimea", nhà báo Sterling nhấn mạnh.

Vào tháng 11/2021, Mỹ đã ký "Điều lệ về quan hệ đối tác chiến lược" với Ukraine, trong đó nhấn mạnh "Mỹ hiện không và sẽ không bao giờ công nhận nỗ lực sáp nhập Crimea của Nga". Rõ ràng đối với Mỹ, người Crimea nghĩ gì và muốn gì không quan trọng.

Bất kỳ nỗ lực nào của chính phủ Ukraine nhằm "lấy lại" Crimea sẽ vấp phải sự phản đối và phản kháng quyết liệt từ những người dân sống ở đó. Vì thế, cơ hội để Ukraine giành lại Crimea là gần bằng không, theo ông Sterling.

Nhà báo Mỹ cũng lưu ý, thông tin sai lệch về Crimea là bằng chứng cho thấy phương tiện truyền thông phương Tây có khuynh hướng đưa tin sai lệch về toàn bộ cuộc xung đột ở Ukraine.