Sáng ngày 9/4, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng về các vấn đề nông nghiệp, nâng cao hiệu quả phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.
Tại buổi làm việc, báo cáo với Bộ trưởng Bộ NNPTNT, ông Võ Ngọc Hiệp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng luôn duy trì mức tăng trưởng khá, ngành nông nghiệp luôn đóng vai trò là trụ đỡ nền kinh tế. Năm 2022, tăng trưởng 5,02%, đạt 19,9 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 38,62% cơ cấu kinh tế của toàn tỉnh.
Ông Hiệp cũng cho biết, nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục có sự phát triển vượt bậc cả về chiều rộng, lẫn chiều sâu với hơn 65.300ha (chiếm 21,8% diện tích đất canh tác), giá trị sản xuất bình quân đạt 234,4 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng đã hình thành và công nhận được 8 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 14 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
"Toàn tỉnh Lâm Đồng đã phát triển được 213 chuỗi liên kết từ thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản, với tổng diện tích liên kết hơn 31.500 ha. Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã có 177 sản phẩm OCOP, trong đó có 9 sản phẩm 5 sao, 94 sản phẩm 4 sao, 74 sản phẩm 3 sao.
Trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 107/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 96,4%). Trong đó, có 33 xã nông thôn mới nâng cao (chiếm 29,7%), 9 xã nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 8,1%); 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà. Hai thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới", ông Võ Ngọc Hiệp phát biểu.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp, chế độ chính sách đối với lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng. Theo tỉnh Lâm Đồng, việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng rất nặng nề và chịu nhiều áp lực, nhất là tại các đơn vị quản lý bảo vệ rừng cấp cơ sở.
Trong 5 năm trở lại đây đã có 96 nhân viên, viên chức xin nghỉ việc, tuy nhiên, trong các đợt tuyển dụng số lượng không đạt so với kế hoạch đề ra, tính đến thời điểm hiện nay còn thiếu 96 biên chế hoạt động trong lực lượng lâm nghiệp.
Vì vậy, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ NNPTNT tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng như: Các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng được hưởng phụ cấp ngành như lực lượng kiểm lâm; không áp dụng tinh giản biên chế đối với cơ quan thực hiện chức năng quản lý bảo vệ rừng.
Tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Bộ NNPTNT tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc để tạo điều kiện được nhập khẩu trứng giống tằm chính ngạch, phục vụ sản xuất ngành dâu tằm tơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí cho tỉnh Lâm Đồng thực hiện Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2022-2025.
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục thực hiện các thủ tục theo quy định để cố gắng khởi công dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và bảo Lộc – Liên Khương. Vì vậy, địa phương cũng đề nghị Bộ NNPTNT xem xét, trình Chính phủ thống nhất một số nội dung liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng, như: Phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên như đối với rừng trồng tùy theo diện tích.
Bên cạnh đó, đối với dự án có đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng nhưng vừa có diện tích thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh, đề nghị phân cấp cho Hội đồng đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng đối với phần diện tích thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Gợi mở về điểm đến nông nghiệp xanh
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng giao cho các Cục Trồng trọt, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Văn phòng Bộ...ghi nhận và trao đổi những vấn đề mà tỉnh Lâm Đồng đang vướng mắc, đề xuất, kiến nghị.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp hiện nay đang chịu 3 biến: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Chính vì vậy, tỉnh Lâm Đồng cần có cái nhìn tích hợp, đa ngành để phát triển kinh tế, tích hợp du lịch nông nghiệp. Đồng thời, địa phương cũng cần thay đổi tư duy, cần có cách nhìn khác, cách tiếp cận nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, tích hợp đa giá trị, văn hoa bản địa, tri thức bản địa để phát triển kinh tế địa phương.
"Lâm Đồng cần tổ chức hệ sinh thái ngành hàng, định vị mục tiêu chung, kiến tạo tầm nhìn chiến lược, tạo dựng và phát triển hài hòa mối quan hệ Nhà nước – thị trường – xã hội. Bên cạnh đó, xây dựng trung tâm giáo dục nông nghiệp, hướng nghiệp nông nghiệp, toát lên hết những vấn đề của Lâm Đồng về nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, kết nối những tài nguyên du lịch sẵn có, tạo ra không gian du lịch, hành trình trải nghiệm mới, đưa các vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông trại, hợp tác xã, cơ sở sản xuất thành các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt, thời gian tới địa phương cũng cần gia tăng giá trị đa dạng sản phẩm từ hoa, dược phẩm từ hoa, du lịch trải nghiệm hoa, mỹ phẩm từ hoa. Khuyến khích sự hợp tác của người dân trong cuộc sống từ đó hướng đến sự hợp tác trong sản xuất kinh doanh, hình thành các tổ chức, nhóm nông dân tiên tiến, đồng bào dân tộc thiểu số để hỗ trợ, giúp đỡ nhau làm giàu, phát triển kinh tế.
"Làm sao khi nhắc đến Lâm Đồng thì người ta nghĩ ngay đến điểm đến nông nghiệp xanh", Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở.
Phát biểu cuối buổi làm việc, ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng xin tiếp thu ý kiến chỉ đạo, gợi mở của Bộ trưởng Bộ NNPTNT và các đơn vị thuộc Bộ. Ông Hiệp cũng yêu cầu Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng thường xuyên giữ mối quan hệ với các Cục để làm việc về các vấn đề liên quan, đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại địa phương.