Trồng lựu đỏ ra quả mang hạt như ngọc Ruby ở Lâm Đồng, chỉ bán cành, nông dân đã thu tiền tỷ
Trồng thứ cây ra quả có hạt như ngọc Ruby ở Lâm Đồng, chỉ bán cành, nông dân này đã thu tiền tỷ
Văn Long
Thứ ba, ngày 14/03/2023 12:50 PM (GMT+7)
Trồng lựu đỏ Ấn Độ ra quả đẹp có hạt như ngọc Ruby trên diện tích 2ha, nông dân sản xuất giỏi tỉnh Lâm Đồng Võ Văn Hiệp (xã Tân Văn, huyện Lâm Hà) đã bán khoảng 4 vạn cành chiết, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.
Clip: Vườn lựu đỏ Ấn Độ mang lại thu nhập tiền tỷ của gia đình ông Võ Văn Hiệp (xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng).
Chuyển từ cà phê sang trồng lựu đỏ Ấn Độ
Trên chiếc xe gắn máy, từ trung tâm xã Tân Văn phóng viên được Chủ tịch Hội Nông xã dẫn băng qua con đường cấp phối đá lởm chởm. Đây là con đường tắt để đến khu vườn trồng lựu đỏ Ấn Độ của ông Võ Văn Hiệp mà bà Lương Nữ Hoài Thanh đã giới thiệu cho phóng viên.
Mô hình trồng lựu đỏ Ấn Độ của ông Hiệp là mô hình phát triển kinh tế mang lại thu nhập cao, ổn định tại địa phương. Ông Hiệp cũng là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2022.
Đón phóng viên khi vẫn đang dở tay cắt lô cành lựu chiết đã đến tuổi giao cho khách hàng, ông Hiệp cười nói: "Đấy, nhà nông mà anh chị, cứ ở trên vườn từ sớm đến tối thôi. Tôi cứ tỉa cành, chiết, làm cỏ cho đến thuốc nước cho chúng là đã hết ngày rồi. Vì vậy, phải thuê cố định vài người làm cùng, con trai cũng phụ mà cũng không hết việc".
Chỉ những hàng lựu đang canh tốt của mình, ông Hiệp cho biết, đầu năm 2019 ông đến TP.Đà Lạt thì vô tình mua được 3 cây lựu đỏ Ấn Độ. Sau đó, ông đưa về trồng khoảng 8 tháng thì cây đã có rất nhiều trái. Khi trái chín, gia đình ông ăn thử loại lựu này thì thấy rất ngon, ngọt, mềm, nhiều nước. Chính vì vậy, ông đã cất công tìm hiểu cây lựu đỏ Ấn Độ ở các nhà vườn khác nhau.
"Thời điểm đó, gia đình tôi đã phá 1ha cà phê để định trồng bơ. Bơ giống cũng đã được mang về nhà để trồng. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu về lựu đỏ Ấn Độ thì tôi đã bắt xe xuống tận Đồng Nai để tìm mua giống. Sau khi tìm được giống tôi đã quyết định dừng trồng bơ để trồng loại lựu rất ngon này. Thế nhưng, do lần đầu mua chưa đủ giống nên tôi đành phải trồng một nửa bơ, một nửa lựu.
Lần đầu tiên tôi trồng 700 cây lựu đỏ Ấn Độ trên diện tích 5.000m2. Sau đó 2 năm, tôi quyết định phá bỏ hết bơ để chỉ trồng lựu. Hiện nay, với 2ha trồng lựu tôi vẫn không đủ cung cấp giống để cung cấp cho thị trường. Có đơn vị tại miền Bắc còn đặt hàng lên đến 5.000-7.000 cây giống trong thời gian ngắn, vì vậy tôi phải tập trung nhân công để sản xuất", ông Võ Văn Hiệp chia sẻ với phóng viên.
Trồng lựu đỏ Ấn Độ cho thu tiền tỷ
Dẫn cán bộ Hội Nông dân xã Tân Văn và phóng viên đi tham quan vườn lựu của gia đình mình, ông Hiệp cho biết vườn của mình hiện cung cấp giống cho nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Tùy vào số lượng cây của đơn hàng mà sẽ có giá bán khác nhau để người trồng. Hiện nay, con trai của ông Hiệp là Võ Trung Nguyên (20 tuổi) còn giúp đỡ bố giới thiệu và bán giống cây lựu đỏ Ấn Độ qua mạng xã hội như Facebook, zalo, tiktok...
Ông Hiệp cho biết, đến nay sau 3 năm trồng lựu đỏ Ấn Độ, ông mới chỉ thu vài trăm kg quả để giới thiệu cho người quen, khách hàng biết đến. Còn lại, ông Hiệp chủ yếu chiết cành, làm giống để cung cấp cho thị trường. Trung bình, mỗi năm ông Hiệp làm được từ 5-6 lần giống. Với khoảng 4.000 gốc lựu đỏ Ấn Độ to trong vườn, mỗi năm ông Hiệp bán ra thị trường từ 35.000-40.000 cành lựu giống.
"Vừa qua, con trai tôi được tham gia lớp tập huấn đưa sản phẩm lên sàn thương mại giao dịch điện tử postmart.vn do Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức, từ đó có hướng đi mới để mở rộng sản xuất và kinh doanh. Với mỗi cành lựu đỏ Ấn Độ được bán ra, tôi sẽ lời khoảng 2/3, 1/3 còn lại là chi phí sản xuất, công nhân, phấn bón...", ông Hiệp cho hay.
Cũng theo ông Hiệp, lựu được ông sử dụng để làm giống là lựu trưởng thành khoảng 1 năm tuổi, những cành dùng để chiết là cành đủ lớn, cao khoảng 70cm.
Sau khi chọn được cành, ông Hiệp dùng kéo khoanh vỏ sau đó để 1 tuần để vết thương khô lại. Cuối cùng, ông Hiệp bôi thuốc kích rễ lên đoạn cây đã khoanh vỏ rồi bó lại bằng bịch giá thể xơ dừa. Sau khi bó giá thể, khoảng 2 tháng đoạn cây đó sẽ mọc rễ và có thể cắt để xuất bán.
Cũng có mặt tại vườn của ông Hiệp, bà Lương Nữ Hoài Thanh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Văn cho biết, mô hình trồng lựu của ông Hiệp là cách làm có triển vọng, hiện lại mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Năm 2022, gia đình ông Hiệp cũng được tặng bằng khen hộ sản xuất kinh doanh giỏi của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Trong thời gian qua, Hội Nông dân xã Tân Văn đã tổ chức cho các Chi hội trưởng tham quan, học hỏi cách làm của ông Hiệp để thấy được hiệu quả từ mô hình của ông Hiệp. Sau đó, các chi hội trưởng chi hội nông dân sẽ tư vấn, hỗ trợ cho các hộ gia đình trong vùng có hướng chuyển đổi diện tích để trồng lựu đỏ Ấn Độ hoặc trồng xen. Từ đó, người dân có thể tăng thêm thu nhập và đa dạng hóa cây trồng tại địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.