Dân Việt

Thứ rác lúc trước ở An Giang dân bỏ đầy đồng, nay đem gom lại bán mà khối người kiếm ra tiền

Ánh Minh 10/04/2023 13:02 GMT+7
Từ nguồn rơm rạ sau thu hoạch lúa 3 vụ, nông dân nhiều địa phương ở An Giang tận dụng bằng cách cuộn lại và bán cho thương lái. Như vậy, với các chủ ruộng, ngoài chuyện tránh được việc đốt rơm rạ trên đồng, làm ngộ độc đất, gây ô nhiễm môi trường, bà con còn có thêm tiền trả công xới, công cắt.

Việc bán rơm cuộn mang lại thu nhập đáng kể cho chủ máy cuộn rơm cũng như lực lượng lao động thời vụ ở địa phương.

Những năm gần đây, rơm rạ được nhiều nông dân tận dụng để trồng nấm, ủ làm thức ăn cho gia súc, trồng hoa màu hoặc đem lót nông sản khi vận chuyển tránh được việc hao hụt… Từ đó, nghề thu gom rơm sau thu hoạch lúa trở nên rất “hot” vì bắt kịp xu hướng của thị trường, giúp mang lại thu nhập ổn định, được ví von là nghề “làm chơi, ăn thiệt”.

Gần 5 năm nay, ngoài thời gian làm nông, anh Trần Văn Tán (ngụ huyện Châu Thành) còn đầu tư thêm máy cuộn rơm để kiếm thêm thu nhập sau mỗi vụ thu hoạch lúa. 

Thông thường, công việc cuộn rơm của anh Tán kéo dài khoảng nửa tháng. Sau thời gian này, nông dân tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo. Vụ nào cuộn rơm được nhiều, sau khi trừ hết chi phí, anh Tán cũng bỏ túi được hơn 10 triệu đồng.

Theo anh Tán, vụ đông xuân, nhờ thời tiết thuận lợi nên lượng rơm cuộn được nhiều và chất lượng hơn so 2 vụ còn lại. Rơm được mua theo công, dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/công tùy thời điểm và lượng rơm trên đồng. Trung bình, mỗi công tầm lớn (1.300m2) thu được từ 10 - 12 cuộn rơm (khoảng 17kg/cuộn). 

Nếu có mối đặt trước, khi cuộn xong, anh Tán giao trong ngày hoặc chở về kho dự trữ lại, bán sau. Việc trữ rơm cần vốn nhiều, tốn diện tích kho bãi nên đa số rơm được cuộn xong thường được bán ngay tại ruộng.

Tuy nhiên, khi vào những đợt thị trường hút hàng, giá rơm tăng cao, việc dự trữ rơm giúp anh Tán có thêm lợi nhuận đáng kể. “Trong vụ đông xuân, rơm được nông dân trồng nấm, làm rẫy, chăn nuôi bò… ở trong và ngoài địa phương đặt hàng nhiều. 

Nếu đến tận nhà lấy, tùy thời điểm, giá dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/cuộn, khi giao hàng tùy quãng đường xa gần sẽ được tính thêm chi phí. Có hộ mua về sử dụng liền, có người mua về trữ để vài tháng sau sử dụng, tránh việc lên giá lúc rơm hút hàng” - anh Tán thông tin.

Thứ rác lúc trước ở An Giang dân bỏ đầy đồng, nay đem gom lại bán mà khối người kiếm ra tiền - Ảnh 2.

Vận chuyển rơm cũng giúp nhiều lao động ở nhiều địa phương của tỉnh An Giang có thu nhập ổn định


Vợ chồng của chị Phan Thị Hiền (ngụ xã Long An, TX Tân Châ, tỉnh An Giang) đã đầu tư máy cuộn rơm được 5 năm, chủ yếu thu gom rơm ở các cánh đồng trong thị xã. Nhờ kết nối nhiều đầu mối thu mua rơm ở TP. Hồ Chí Minh, nên số lượng rơm thu được giao liền trong ngày. 

Chị Hiền cho biết, lúa vụ đông xuân rất dày dặn nên lượng rơm thu được nhiều, chất lượng tốt. Nhờ vậy, thương lái chốt đơn rất nhanh. Đa phần, rơm thu mua từ đồng ruộng được chuyển trực tiếp lên TP. Hồ Chí Minh, sau đó tiếp tục bán ra miền Đông, miền Trung để phục vụ cho nông nghiệp. 

\Chồng chị Hiền trực tiếp lái máy cuộn rơm, còn các công đoạn khuân, vác, vận chuyển đều thuê nhân công cùng làm để kịp giao cho các đầu mối. Từ công việc cuộn và bán rơm, sau khi trừ hết chi phí nhân công, vận chuyển… mỗi công chị Hiền bỏ túi trên 1 triệu đồng.

“Hiện nay, nông dân trồng lúa không bỏ gì, từ bán rơm rồi cho thuê vịt chạy đồng, nhà nông có thu nhập và những người làm nghề cuộn rơm cũng kiếm sống được. Ban đầu, khi đầu tư máy cuộn rơm tốn kha khá tiền, vợ chồng lo lắng không biết lúc nào lấy lại vốn nhưng giờ chúng tôi đã có lời” - chị Hiền vui mừng nói.

Mấy năm nay, nhờ rơm mà anh Nguyễn Văn Hùng (ngụ xã Long An, TX. Tân Châu) cùng anh em trong xóm kiếm được không ít tiền. Trước đây, anh Hùng chủ yếu đi làm thuê, công việc và thu nhập không ổn định. 

Hiện nay, công việc chính của anh Hùng là vận chuyển rơm từ ruộng lên đường lớn để thuận tiện cho xe tải đến lấy hàng. Tùy thỏa thuận với chủ máy cuộn rơm, tiền công dao động từ 1.000 - 3.000 đồng/cuộn. Ngoài ra, công việc chuyển rơm lên xe tải giúp những nhân công như anh Hùng có thêm thu nhập.

Trời càng về chiều, công việc của anh Hùng và mấy anh em trong nhóm càng thêm bận rộn, gấp rút hơn để kịp chuyến xe. 

Áo ướt đẫm mồ hôi nhưng ai cũng hăng say, khuân vác liên tục. “Hàng ngày, tôi và mọi người đều bận rộn khuân vác rơm từ ruộng lên xe kéo, từ xe kéo lên xe tải. Ai có sức làm nhiều thì tiền nhiều, trung bình mỗi người thu nhập khoảng 300.000 - 400.000 đồng/ngày, cao nhất có khi kiếm được gần 600.000 đồng/ngày” - anh Hùng chia sẻ. 

Khi đồng lúa ở địa phương thu hoạch xong, nhóm của anh Hùng khăn gói qua các địa phương của tỉnh Đồng Tháp để tiếp tục công việc. Đối với anh Hùng, đây không còn là công việc thời vụ, mà trở thành nguồn thu nhập chính giúp kinh tế gia đình ổn định hơn.