Đã có một khoảng thời gian dài, đứa trẻ con miệt vườn là tôi khi ấy, mê đắm hương vị ngọt lành, thanh mát của những trái dừa nước. Hơn cả một thức quả, dừa nước gắn bó chặt chẽ với đời sống của người dân miệt vườn, tiêu biểu cho đặc trưng sinh thái của miền Tây.
Nhắc đến quả dừa nước miền Tây, bản thân tôi có một kỉ niệm rất vui khi dắt ông xã tôi, vốn là một người Pháp, chưa bao giờ biết đến dừa nước, về ra mắt gia đình. Mẹ tôi vì quý anh nên đích thân bơi xuồng đi tìm hái dừa nước để dành thiết đãi con rể. Tuy nhiên, chồng tôi do lần đầu nhìn thấy dừa nước nên liên tục lắc đầu từ chối. Mọi người càng giục anh uống, chồng tôi càng ra sức từ chối, vì cho rằng đây là một bông hoa lạ, có khả năng gây ngộ độc. Khi nghe chồng tôi thỏ thẻ những câu ngô nghê ấy bằng tiếng Việt, cả nhà tôi được phen cười lăn bò. Thế mới hay sự độc đáo của món dừa nước khiến bất kỳ ai lần đầu tiên được nhìn thấy cũng đều có những ấn tượng khó phai.
Miền Tây quê tôi nổi tiếng là vùng sông nước. Không chỉ có dòng Cửu Long đổ ra biển Đông bằng chín cửa mà quê tôi còn có hệ thống kênh rạch chằng chịt để mỗi năm khi mùa nước đến rồi đi, sông nước sẽ lưu giữ lại biết bao tôm cua cá đồng. Đó cũng là điều kiện sinh trưởng tuyệt vời cho dừa nước. Dừa nước, giống như tên gọi của mình, cũng mọc thành từng buồng sai trĩu như dừa cạn, nhưng có cách kết trái độc đáo hơn. Mỗi trái dừa nước thông thường sẽ kết chặt lại, ghép với nhau thành hình cầu với đường kính 25 - 30cm, gọi là quài dừa. Một quả cầu tương đương với một buồng dừa, mọc chi chít bên nhau đến hàng trăm trái. Trái dừa nước có kích thước bé hơn dừa cạn, chỉ bằng quả trứng với vỏ ngoài nâu sẫm như màu đất. Chỉ giản đơn như thế nhưng quả dừa nước là hồi ức thân thuộc, gợi nhớ biết bao kỉ niệm về quê nhà của những người đã từng sinh ra và lớn lên tại miền Tây.
Theo lời ông tôi kể lại thì dừa nước là loài tự sinh trưởng, ít ai chịu khó gieo trồng. Khi một quài dừa già đi, trái của nó sẽ bị cuốn trôi theo dòng nước đến một bãi bồi nào đó mọc mầm lên cây và tiếp tục hành trình sinh sôi phát triển. Hoặc với những nơi vừa được khai phá lên liếp lên vườn, bà con quê tôi theo thói quen cũng sẽ tìm một ít dừa nảy mầm đem về ghim ở đấy, chỉ cần chờ đợi sau vài năm sẽ có một hàng dừa nước ven bờ để giữ đất, ngăn lũ chống sạt lở.
Ở quê tôi, vào nhiều năm về trước, khi đời sống còn nghèo khó đại đa số người dân chọn cách lợp nhà bằng lá dừa nước. Thông thường, khi con cái thành gia lập thất ra ở riêng, cha mẹ sẽ cất cho một cái nhà cột gỗ, lợp thêm lá dừa nước. Một ngôi nhà nếu lợp bằng lá xé, người cư trú có thể ở được hơn 10 năm. Người dân quê tôi rất thích ở nhà lợp bằng lá dừa xé vì vừa mát mà chi phí lại thấp. Để có lá lợp nhà việc đầu tiên là đi đốn lá, nhà nào sắp thay mái mới mà người trong nhà bận quá không đốn được có thể mướn người đốn với tiền công thỏa thuận. Lá dừa đốn xong sẽ được "đổ" bằng một cái dao chét thiệt bén. Việc đổ lá tưởng chừng đơn giản nhưng người không quen chẳng dễ gì làm được. Thông thường, người đổ lá sẽ chặt tàu dừa thành từng đoạn khoảng mét rưỡi, một tay nắm chặt đầu một tay kia cầm dao làm một nhát thật dứt khoát nghe một cái "rẹt" sao cho lá dừa nằm gọn gàng và không bị dập rách.
Tiếp theo là công đoạn bó lá. Cái này thì lại càng khó vì nếu siết lỏng quá bó lá sẽ lỏng lẻo khó vận chuyển. Dây để bó lá được lấy từ vỏ xanh của tàu dừa nước, khi siết dây bó phải cẩn thận vì bề cạnh của nó rất bén lơ mơ có thể bị đứt tay như chơi. Phần thân của tàu dừa sẽ được người dân quê tôi tận dụng làm hom chầm lá. Người ta sẽ chẻ phần thân đó ra làm bốn, róc bỏ bớt phần thịt màu trắng bên trong. Nếu thích có thể đem chằm ngay hoặc phơi qua một hai nắng cho đến khi nó cuộn tròn lại rồi mới đem chằm. Phần lạt để chằm lá được lấy từ tàu dừa nước non chưa bung mà dân ở đây gọi là cà bắp hay tàu bắp. Phần chằm lá sẽ do những người phụ nữ trong nhà đảm nhận. Để lợp một cái nhà 50 m² cần khoảng 300, 400 tấm lá. Khi đó họ có thể chằm từ từ hoặc mướn người chằm. Nghề chằm lá mướn cũng vì lẽ đó mà ra đời, góp phần mang đến nhiều thu nhập hơn cho người dân. Cũng bởi, một người thợ lành nghề có thể chằm 100, 150 tấm một ngày với mức tiền công 60.000 đồng/ngày tùy nơi. Riêng bản thân tôi, khi lên tám tuổi, đã biết cầm dao chẻ hom. Mẹ tôi thường quy định nếu chẻ được 100 cây sẽ được cho hai ngàn đi học. Số tiền nhỏ nhoi mà khiến bất kỳ đứa trẻ nhà quê nào khi ấy cũng phải háo hức.
Ai có dịp về miền Tây nếu thích cứ xách dao đi dọc mé sông một vòng hay bơi xuồng ba lá xuôi theo con nước một lát là có vài quài dừa nước nạo. Dừa nước trổ bông quanh năm, sau một thời gian sẽ kết trái trên một buồng. Thông thường, một buồng dừa có thể kết trái từ vài chục đến cả trăm trái. Theo mẹo của người dân quê tôi thì muốn biết dừa có cơm chưa chỉ cần dùng dao vạc một trái trong quài là biết, nếu dừa mới trán cháo thì phải một tuần sau đốn là vừa vì khi đó nước dừa sẽ cô đặc lại, cơm dẻo, mềm ăn có vị ngọt.
Dừa nước sau khi đốn về, cha tôi thường cho lên nền cứng, dùng hai tay đập mạnh quài dừa xuống để tách lấy quả. Sau đó, mẹ sẽ lấy một cái thớt cây rồi để dừa lên đó dùng dao chẻ đôi ra. Rồi mẹ tỉ mỉ lấy cái muỗng ăn canh khạy cơm dừa cho vào thau sạch, gỡ bỏ phần vỏ còn dính lại bên ngoài cơm dừa. Cuối cùng, mẹ nhanh tay cho đường vào ngâm một lát cho thấm đều, khi ăn có thể cho thêm sữa và một ít đá. Chỉ đơn giản như thế là đã có món cơm dừa ngon khỏi chê. Cơm dừa còn được người quê tôi để dành nấu chè với đậu xanh và rong biển ăn rất mát.
Thi thoảng, có dịp về quê, tôi lại ra bến sông nhìn ngắm lục bình trôi dập dềnh trên sóng nước. Hàng dừa nước vẫn còn đó vẫn lao xao rì rào trong gió. Chợt nghe cái radio của nhà ai bên kia sông văng vẳng lên mấy câu vọng cổ: "Hàng dừa nước lung linh ru mình trong nắng mới, xuân đến xuân đi mấy mùa chờ đợi thời gian ơi chở nổi mong... chờ", thấy lòng mình nao nao bao hoài niệm xưa cũ.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.