Mỗi lần như thế, khoé mắt má đều cay cay, khẽ khàng cất lời dặn dò: "Con nhớ kho mớ cá hủn hỉn má gởi, ăn kèm với cơm nha con. Đừng ăn uống kham khổ quá". Mấy lời giản đơn của má nhưng lần nào khiến tôi xúc động vô ngần. Món cá hủn hỉn kho, chẳng biết từ khi nào, trở thành một hoài niệm khó quên trong kí ức tôi.
Cá hủn hỉn ở làng quê Nam Bộ ngày ấy, không phải là tên riêng mà là cách gọi chung của sự góp mặt của nhiều loại cá đồng quê như: cá bóng, cá lòng tong, cá bảy chầu, cá sặc con, cá rô con, cá ròng ròng bị mất mẹ… Ông ngoại tôi, khi còn sinh thời thường gọi vui cá hủn hỉn vốn là loại dành cho "con nhà nghèo". Cũng bởi, thiên nhiên Nam Bộ vốn dĩ đa dạng và trù phú nên người nông dân dễ dàng thả lưới đánh bắt những con cá thật to. Nhiều hộ gia đình trở nên khá giả cũng nhờ biết cách đánh bắt thả lưới. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều người khá giả vẫn còn đó vô số những mảnh đời cơ cực. Nhiều người nông dân, dẫu cả đời gắn bó với nghề chài lưới, tần tảo cấy cày, vẫn cứ thiếu trước hụt sau.
Nghịch lý thay, đôi khi chính bản thân họ là người bắt được những con cá to, ngon nhưng chẳng dám ăn mà thường đem ra chợ bán để lấy ít tiền trang trải cuộc sống. Thay vào đó, họ hài lòng với những con cá đồng quê kiểu vụn vặt mà người ta thường gọi tên là cá hủn hỉn.
Gia đình tôi cũng không là ngoại lệ. Khi cha tôi không may qua đời sớm, má tần tảo buôn gánh bán bưng nuôi các con khôn lớn. Do đó, dẫu chỉ là một ít rau tập tàng, chút cá hủn hỉn nhỏ nhưng qua bàn tay chế biến khéo léo của má thì hương vị lại đậm đà khó quên.
Bà con ở quê tôi thường hứng cá hủn hỉn bằng cách giăng lưới dày, kéo lưới. Hoặc giản đơn có người sẽ lấy vải mùng giăng giữa lòng kênh, cá xuôi theo dòng nước sẽ tự động chui vào lưới. Bọn trẻ con trong làng chúng tôi khi ấy thi thoảng hay tới mấy nhà hàng xóm phụ các cô chú tát mương, tát đìa, dỡ chà để xin cá vụn về cho má kho tiêu. Bữa cơm có cá hủn hỉn kho tiêu với những đứa trẻ nghèo như chúng tôi đã là quá hạnh phúc thay vì chỉ ăn cơm trắng với nước tương và rau luộc. Sau khi đem về, má tôi thông thường sẽ lượm sạch cỏ rác, làm sạch cá với nước. Để cẩn thận hơn, má sẽ cho vào một ít muối rửa sạch rồi để ráo.
Muốn có một nồi cá hủn hỉn ngon, má tôi dùng nồi hay niêu đất, cho thêm chút dầu vào, phi hành mỡ tỏi cho thật thơm, đổ thêm miếng nước lạnh vào nồi, nghe âm thanh cái xèo nghe thật vui tai. Cá hủn hỉn thường phải kho lạt mới ngon. Hoặc chờ khi nước đang sôi, má sẽ đổ mớ cá cùng lá gừng vào nồi vào, lấy đũa đảo nhẹ cho đều, đậy nắp lại, nước sôi bừng là cá chín. Thông thường, do cá hủn hỉn nhỏ, rất mau chín nên không để cá sôi lâu, cá sẽ bị mềm, mất mùi, ăn không ngon.
Khi nồi cá sôi, má cho một ít tóp mỡ, ớt sừng xắt mỏng và không quên thêm vài muỗng nước cơm chắt vào để tăng vị béo, vị cay của cá, đặc biệt là nước kho có độ sền sệt, chan cơm hoặc chấm rau sẽ ngon hơn... Trước khi tắt lửa, má tỉ mỉ rắc chút hành lá xắt nhuyễn và một ít tiêu lên trên. Những khi đi học về, ngửi được mùi thơm của ơ cá hủn hỉn là đã thấy cồn cào trong bụng rồi.
Chúng tôi thường quây quần bên cạnh mâm cơm, nghe mùi gạo mới thơm lừng, nhấm nháp chút cá kho và dĩa rau để giữa mâm, nghe mùi gia vị hòa quyện cùng hương cá bay phảng phất. Khẽ khàng lùa nhanh miếng cơm, tôi gắp thêm mấy con cá chạm vào đầu lưỡi để cảm nhận rõ vị ngọt cay của lá gừng, chút mằn mặn của gia vị, cảm giác không có điều gì trên đời hạnh phúc bằng.
Những ngày đi học xa, ở trọ trong kí túc xá, tôi vẫn thường kho cá hủn hỉn để dành ăn mỗi khi nhớ má. Dù món cá tôi kho không thể sánh bằng má làm nhưng vẫn khiến lòng tôi ấm áp và bình yên vô cùng giữa phố thị đông đúc, đầy ắp sự hỗn độn.
Thi thoảng giữa những ngày mỏi mệt vì công việc ở Sài Gòn, tôi lại thèm được về quê với má. Tôi nhớ cảm giác hạnh phúc khi nhìn thấy má tỉ mẩn làm cá, ướp và kho cá trong sự háo hức chờ đợi của bầy con. Chỉ tiếc má tôi giờ đã theo mây trắng về trời, bỏ lại chúng tôi bơ vơ giữa dòng đời. Món cá hủn hỉn kho với lá gừng giản dị ngày nào bỗng trở nên hàng quý hiếm, muốn ăn cũng khó lòng tìm được.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.