Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Quán xá người Kinh lên mở, uống rượu là chính vì "bia nó nhạt", ăn xong ra bàn nước chè tha hồ chọn điếu cày. Người Mông vốn không có tập quán thương nghiệp dịch vụ, nhưng khách sạn Dìn Cống, Dìn Vế, hàng điện thoại chỗ dốc cây xăng đắc địa đều của một gia tộc. Vào giờ đền Mẫu Thượng ngàn hành lễ, cả con phố lên đồng theo điệu chầu văn, trống điện tử phát qua loa, người Kinh từ Bảo Thắng vào, Phú Thọ lên hầu. Chiều tới, cả chục bàn nhựa ghi đề ra vỉa hè. Hàng cơm đóng sớm, chắc đàn ông độc thân không nhiều. Mở đến đêm chắc chỉ có quán ốc nướng, nem, chả mực đầu dốc của cô từ Đà Bắc Hòa Bình lên. Sáng ra muốn xem chợ với đủ sắc Mông, Nùng, La Chí phải ngược lên Phố mới, là chỗ đóng tòa huyện cũ. Ngược nữa là chợ phiên Cán Cáu nổi tiếng họp thứ bảy.
Tôi lên Si vì đây có những "tiêu chí" mình thích: người Mông chiếm khoảng tám phần mười số dân. Hẻo lánh, cụt đường, lưu giữ nhiều bản sắc cũ, tới đất Vân Nam Trung Quốc chỉ chừng chục cây. Trên mạng giới thiệu dịch vụ du lịch rất đơn sơ, vài chỗ nghỉ, không homestay để ngửi khói bếp và tha hồ hỏi chuyện chủ nhà như dưới Bắc Hà, nhưng lại dễ xin trọ nhà dân. Rủi là ông xe ôm người Mông chả kiêm nghề hướng dẫn, lại chập choạng rồi, nên bằng lòng với nhà Dìn Vế.
Đi một mình nên thời gian như dài ra, về phòng khách sạn lại muốn ra ngoài ngay. May là gia đình Mông đang cúng đầu xuân. Giữa ngôi nhà hiện đại mới làm, ông thầy còn trẻ rì rầm khấn, xong đốt những dải giấy màu ngoài cửa để trừ ma. Và Vế, cô chủ nhà trẻ mời ăn cỗ cúng. Mâm đàn ông, ngoài họ hàng có vài người Kinh trong phố. Thịt gà ngon, tiết canh đánh rất mặn "kẻo nó không đông". Bát nước xương thả đậu phụ không đóng thành bìa, gọi là canh óc đậu. Rau sống trông chả nõn nà như dưới xuôi nhưng đậm vị. Ai nấy cởi mở, mình tha hồ hỏi, ấn tượng "phố" tan dần, nhường chỗ cho sinh hoạt bản làng gần gũi.
Sáng ra, tôi được Dìn dẫn sang nhà ông Thều Dung Phù cựu phó chủ tịch huyện. Củ tỷ chuyện cũ bò ra, như Si Ma Cai, tiếng Mông đọc "Xênh Mùa Ca", là "Chợ ngựa mới". Cuối nhà em ngồi thêu váy/ Đầu nhà anh thổi sáo múa khèn/ Em thêu váy không có sáp anh ra chợ kiếm/ Em in hoa mới không biết đường anh cầm que vạch giúp. Câu ca về vợ chồng Mông không cảm thụ được vần điệu nhưng tình lai láng làm sao. Ông Phù lại đèo vào bản Nùng Nàn Sán, biết thêm tường trình, ngựa bạch, bánh chưng gù, tục thờ cúng, chỗ khách kiêng ngồi. Và nghe tích con gái vua Nùng ham chơi, bố bắt đeo vật nặng "như cối xay" ở cổ, chân váy cho khó đi, sau thành bộ xà tích rung rinh óng ánh. Đầu bản còn rừng cấm không được chặt củi, thả trâu, tháng sáu làm lễ cúng rất thành kính dưới gốc cây thiêng. Những nơi còn lưu khoảnh kiêng cữ thế này thường giữ được "tục" bảo vệ rừng đầu nguồn, khe nước sạch…
Phố huyện lúc ngái ngủ có một vẻ huyền hoặc. Mây mù giăng kín những ngọn núi quanh thung lũng hẹp có tòa hành chính, trường học, vẳng ra tiếng người ngàn ngạt. Quán cháo lòng Nga Trang còn vắng, tôi chung bàn với người xuôi, quãng hai chục năm trước nằm trong dự án đưa 600 cử nhân lên đóng xã vùng cao. Về Si 9 người thì 3 chuyển vùng, 2 về huyện, 4 chủ tịch xã trong đó có anh – đã xong thạc sĩ, tỷ lệ trụ lại thế là cao. Chuyện còn dài và trập trùng lắm, mà người kể lại tất bật…
Rồi Dìn đèo tôi vào nhà mẹ vợ, bỏ lại phố dốc xây dựng ngổn ngang. Không gian trong trẻo, gợi cảm dần dần, thấp thoáng câu "Người Thái ăn nước người Mông ăn sương". Bà Hoàng Thị Sông đang đốn cây sau hàng rào đá, tiếng Kinh không sõi nhưng đủ hiểu. Rằng từ đoạn ông chồng mất, bà không chịu ra phố với con, một mình lụi cụi ra vào ngôi nhà đơn giản, bếp củi, gà vịt. Việc làm không hết, con cháu vẫn phải nhờ. Sau nhà, dốc dần lên, đất đai rộng rãi bạt ngàn cây ăn quả. Đào cành còn hoa cành đã lúc lỉu quả má hồng bằng hòn cuội. Mận tam hoa quả xanh, đến tháng sáu ngả tim tím, tùy to nhỏ gọi mận ngố, mận bi. Những cây hoa to, trắng rất khỏe là lê. Quyến rũ nhất là chục gốc mận Tả Van, hoa trắng rộ lên tận ngọn. Giống này hợp chỗ lạnh, chín chậm như trái mùa, quả dầy cùi cắn ngập răng sần sật, nước rôn rốt tứa ra, bán đắt hơn tam hoa nhưng chỉ đang trồng thử. Ngần nấy đất trước chỉ cây ngô, chuyển sang vườn quả giờ cho năm sáu chục triệu mỗi năm, chưa kể "vụ" tham quan sau Tết, khách xuôi mê mẩn tự sướng bên cái đẹp quá mạnh. Ngược lên nữa là cỏ bò, sa nhân, tán sa mộc trên đỉnh mây đã quấn vào. Sức người đàn bà ghê thật.
Tháng 3/2023
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.