Dân Việt

Nền kinh tế Nga “lên hương” hay suy thoái trong chiến sự với Ukraine?

Hồng Ngọc (The Guardian) 19/04/2023 21:06 GMT+7
IMF cho rằng các khoản đầu tư quân sự đã thúc đẩy tăng trưởng GDP của Nga, nhưng các chuyên gia lại cho rằng nền kinh tế này đang đi xuống.
Nền kinh tế Nga “lên hương” hay suy thoái trong chiến sự với Ukraine? - Ảnh 1.

Một người đi bộ đi qua một văn phòng thu đổi ngoại tệ ở Moscow. Vào tháng 02/2023, đồng rúp đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng đô la Mỹ và đồng euro kể từ cuối tháng 04/2022. (Nguồn: Yuri Kadobnov/AFP/Getty Images)

Tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ đánh giá nền kinh tế Nga đã duy trì tốt như thế nào trong chiến sự Ukraine. Theo dự đoán, nền kinh tế nước này đã trải qua một đợt suy thoái nhẹ vào năm ngoái, đối mặt với sự thu hẹp nhỏ trong năm nay và sẽ có mức tăng trưởng lành mạnh vào năm 2024.

Điều này dường như mâu thuẫn với cảnh báo Nga sẽ phải đối mặt với sự suy giảm tới 15%, cũng như đi ngược lại dự đoán của nhà tài phiệt Oleg Deripaska rằng các lệnh trừng phạt sẽ làm cạn kiệt tài chính của Nga vào năm tới.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đã chỉ trích việc IMF tập trung vào các biện pháp kinh tế truyền thống như tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là không phù hợp do Nga đang có chiến tranh – nghĩa là con số này bị thổi phồng do chi tiêu quân sự tăng vọt. Một phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách (CEPR) đã phát hiện ra rằng khi loại bỏ yếu tố này thì cuộc suy thoái năm ngoái tồi tệ gấp đôi so với những gì các số liệu chính thức thể hiện.

Những con số chính thức nói lên điều gì?

GDP của Nga có giảm vào năm 2022, nhưng không mạnh như nhiều người nghĩ. Vào tháng 2 năm nay, IMF dự kiến các số liệu cuối cùng sẽ cho thấy GDP của Nga giảm nhẹ 2% vào năm 2022, sau đó là mức tăng 0,3% vào năm 2023 trước khi phục hồi lên gần 2% vào năm 2024.

Tuy nhiên, đánh giá này đã bao gồm chi tiêu cho quân sự - vốn đã tăng vọt kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, đặc biệt sau khi Nga áp dụng nghĩa vụ quân sự đối với 120.000 người vào năm ngoái. Nhà kinh tế học Mikhail Mamonov, thành viên của CEPR, cảnh báo không nên sử dụng GDP làm số liệu đánh giá cho bất kỳ quốc gia đang trực tiếp tham gia vào một cuộc chiến. Theo ông, mức chi tiêu tại các cửa hàng đã giảm 10%, cho thấy nền kinh tế này thực sự đã bị suy thoái nghiêm trọng.

Còn các bộ phận khác của nền kinh tế thì sao?

Một nghiên cứu CEPR của các nhà kinh tế học Adrian Schmith đã sử dụng các dữ liệu ngoài sự chi tiêu của người tiêu dùng để tạo ra một “công cụ theo dõi nhu cầu trong nước” nhằm đo lường hoạt động của khu vực tư nhân dựa trên 15 nguồn riêng biệt, bao gồm các tìm kiếm trên Google, dữ liệu về việc mua vé máy bay và giá nhà.

Nghiên cứu kết luận rằng khi chỉ xét tới những hoạt động phi quân sự, cuộc suy thoái của Nga nghiêm trọng hơn nhiều so với các số liệu chính thức. Họ cho biết chi tiêu tiêu dùng cá nhân đã giảm 4% chứ không phải 1,8% như số liệu chính thức, mặc dù không thể loại bỏ hoàn toàn tất cả các khía cạnh của chi tiêu quân sự trong quá trình đánh giá.

Chính các số liệu chính thức cũng đưa ra ẩn ý về thiệt hại gây ra cho nền kinh tế nước này. Tổng nhập khẩu hàng hóa của Nga trong tháng 12/2022 đã giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu công nghệ giảm 30%. Sản lượng ô tô giảm 67%, máy móc đào đất giảm 53% và máy thu hình giảm 36%, và tình trạng cắt giảm sản lượng sẽ chưa thể kết thúc chừng nào các biện pháp trừng phạt vẫn được áp dụng.

Người dân nơi đây có đang chi tiêu như bình thường không?

Doanh số bán lẻ sụt giảm đã cho thấy tác động của chiến tranh và tâm lý của người mua sắm bình thường. Việc phong tỏa các mặt hàng rất cần thiết và đáng mua cũng góp phần làm giảm chi tiêu kể từ tháng 3 năm ngoái và dự kiến sẽ tiếp tục trong năm nay.

Tồi tệ hơn, do lo sợ về khủng hoảng kinh tế, các gia đình nơi đây đã ồ ạt gửi tiết kiệm, khiến Nga trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm cao nhất trong thế giới với mức 32%. 

Liệu các chi phí ngoài lề do chiến tranh có đang dần gây ảnh hưởng?

Oleg Itskhoki, chuyên gia tại Đại học California, cho biết: “Chúng tôi không biết ngân sách của Nga còn lại bao nhiêu, nhưng không hề vô lý khi tin rằng số tiền đó không còn nhiều.” Được biết, chi phí cho việc chiêu mộ binh lính cũng như trang thiết bị quân sự cần thiết đã đẩy chi tiêu quốc phòng của Nga từ 4,1% GDP vào năm 2021 lên 7% vào 2022.

Các khoản phúc lợi cho những gia đình mất người thân trong cuộc xung đột và các khoản phúc lợi toàn diện cho gia đình có con nhỏ cũng đang ngày càng làm cạn kiệt ngân sách của Nga. Những ảnh hưởng của các khoản ngoài lề đối với tổng chi tiêu đã được chứng minh là rất nghiêm trọng. Vào tháng 1, con số này đã tăng lên 59%, và đó có thể là một sự đánh giá thấp.

Vậy là Nga đang hết tiền?

Không chỉ chi tiêu tăng lên, thu nhập của chính phủ còn giảm và giảm nhanh. Công nhân Nga có thu nhập trung bình thấp, đóng rất ít thuế và ít về số lượng so với dân số đã nghỉ hưu. Động lực này được phản ánh trong số liệu của Ngân hàng Thế giới về thu nhập bình quân đầu người chỉ 12.200 USD vào năm 2021.

Thuế suất thuế thu nhập đối với người lao động Nga là 13% cố định, với sự thay đổi vào năm 2021 áp dụng thuế suất 15% cho những người kiếm được hơn 5 triệu rúp một năm. Mặc dù điều này đã huy động thêm 83 tỷ rúp trong năm đầu tiên, nhưng khoản thu đó chỉ là một phần nhỏ so với khoản thu được từ việc bán dầu khí, vốn chiếm phần lớn doanh thu của nhà nước Nga.

Điều này đã mang lại hiệu quả trong đại dịch Covid-19 và năm ngoái, khi giá nhiên liệu cao ở mức lịch sử. Tuy nhiên, những thất bại gần đây đang tước đi cơ hội của Nga để bổ sung ngân quỹ chi cho cuộc chiến. Vào tháng 1 năm nay, doanh thu thuế từ dầu khí đã giảm 46% so với một năm trước đó, theo văn phòng thống kê nhà nước

Theo Bộ Tài chính, sự kết hợp giữa chi phí cao hơn và thu nhập giảm có nghĩa là thâm hụt chi tiêu công của Nga lên tới 25 tỷ USD vào tháng 1. Điều đó có nghĩa là thâm hụt hàng năm có thể tăng vọt so với mức 2,5% hiện tại, trong khi thặng dư tài khoản vãng lai 250 tỷ USD vào cuối năm 2022 có nguy cơ bị xóa sổ vào cuối năm 2023.

Tổng thống Putin đang có động thái gì để củng cố tài chính?

Ông Putin đã phản ứng bằng cách nói với các công ty dầu mỏ của Nga rằng ông sẽ đánh thuế như thể họ bán dầu với giá cao cho dầu thô Brent, chứ không phải giá rẻ cho dầu thô Urals.

Một nghiên cứu của một nhóm các nhà kinh tế cho thấy giá bán mỗi thùng mà một số công ty dầu mỏ của Nga đạt được tốt hơn so với tiêu chuẩn của Urals, nhưng không nhiều. Báo cáo cho biết: “Lệnh cấm vận của EU đối với các sản phẩm dầu mỏ, có hiệu lực từ ngày 05/02/2023, sẽ chứng tỏ là một công cụ bổ sung mạnh mẽ để hạn chế hơn nữa hoạt động xuất khẩu và doanh thu tài chính của Nga”.

Doanh số bán khí đốt bị cản trở là do thiếu các đường ống dẫn khí ở  phía đông và phía nam, buộc ngành công nghiệp này phải giữ phần lớn khí đốt trong lòng đất. Điều này được hiểu rằng các công ty khai thác mỏ và công ty phân bón đã kiếm được lợi nhuận bất ngờ từ việc giá hàng hóa thế giới tăng đột biến trong hai năm qua đã trả phụ phí thuế một lần.

Các biện pháp khác đang được xem xét bao gồm việc tăng thuế thu nhập và đánh thuế tiết kiệm. Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ thường được coi là đường dẫn cho các quỹ của Nga vượt qua rào cản sử dụng hệ thống thanh toán Swift để chuyển tiền quốc tế, nhưng EU và Hoa Kỳ đang tìm cách đóng tuyến đường này.