Dân Việt

Vùng đất cổ này ở Cao Bằng có hang Dơi đẹp như thần tiên, cùng truyền thuyết về nàng "Tô Thị Hoạn"

Dạ Đăng 13/04/2023 18:44 GMT+7
Những năm gần đây, xã Đồng Loan (huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng) được biết đến nhiều hơn với tiềm năng du lịch được quan tâm, trong đó phải kể đến Phja Roan (núi đá) gắn với truyền thuyết "nàng tiên" và "nàng Tô Thị Hoạn" cùng nhiều hang động như: Ngườm Bang, Ngườm Én, đặc biệt là ngườm Ca Khào (Hang Dơi) có 3 tầng..

Xã Đồng Loan (huyện Hạ Lang) là xã vùng cao biên giới của tỉnh Cao Bằng. Địa danh xã Đồng Loan đã có từ xưa. 

Trong danh mục tên các làng xã Việt Nam từ đầu thế kỷ XIX ghi: "Xã Đồng Loan, tổng Phong Đằng, châu Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng". 

Thời Pháp thuộc, tổng Phong Đằng thuộc phủ Trùng Khánh (không thuộc châu Hạ Lang). Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, các xã thuộc tổng Phong Đằng hợp nhất với các xã thuộc tổng Lệnh Cấm, châu Hạ Lang thành lập huyện Hạ Lang của tỉnh Cao Bằng.

    Vùng đất cổ này ở Cao Bằng có hang Dơi đẹp như thần tiên, cùng truyền thuyết về nàng "Tô Thị Hoạn" - Ảnh 1.

    Nhũ đá đẹp quyến rũ như chốn thần tiên trong hang Dơi, xã Đồng Loan (huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng).

    Cơ sở Việt Minh xuất hiện ở xã vào cuối năm 1942. Lúc đó ở Bản Thuộc có 3 người tham gia hoạt động Việt Minh: Hoàng Văn Lùng (Khánh Long), Hoàng Văn Chúc (Đức Cao), Hoàng Văn Eng. 

    Việt Minh tổ chức lực lượng vũ trang, mua sắm vũ khí về cất giấu chờ thời cơ, Pháp vẫn còn đang đóng ở Bằng Ca. Thời kỳ Mặt trận Việt Minh, địa phương có Hội Nông dân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc. 

    Ngày 9/3/1945, Pháp rút khỏi đồn Bằng Ca, bọn phỉ từ địa phận Trung Quốc tràn sang cướp bóc nhân dân biên giới, nhưng các xóm thuộc xã Đồng Loan hiện nay bọn phỉ không dám đến quấy phá. 

    Ngay khi Pháp rút chạy, cách mạng đã xây dựng phòng tuyến Ngườm Bang do ông Hoàng Văn Lùng chỉ huy để bảo vệ khu căn cứ địa xã Thắng Lợi, các xóm khác cũng tổ chức lực lượng dân quân, tuần tra canh gác bảo vệ xóm làng. Xã giành chính quyền cách mạng ngay từ khi Pháp rút khỏi Bằng Ca.

    Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ cho đến lúc toàn thắng, địa phương là vùng giải phóng hoàn toàn, là hậu phương vững chắc. 

    Trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, xã có 20 người tham gia chiến đấu và hàng trăm người đi dân công phục vụ chiến dịch. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ xã có 30 người tham gia quân đội và hàng trăm dân công phục vụ chiến dịch.

    Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hầu hết các xóm trên địa bàn xã có tổ chức Đảng hoặc đảng viên sinh hoạt ở chi bộ ghép. Chiến tranh biên giới năm 1979 xảy ra, xã Đồng Loan trở thành hậu cứ của khu vực cụm xã Bằng Ca lúc đó gồm Minh Long, Lý Quốc, Thắng Lợi.

    Trải qua các thời kỳ, xã Đồng Loan có 2 cán bộ tiền khởi nghĩa, 1 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 10 thương binh, 49 liệt sĩ.

    Những năm gần đây, xã Đồng Loan được biết đến nhiều hơn với tiềm năng du lịch đang được huyện, tỉnh quan tâm, đẩy mạnh khai thác, trong đó phải kể đến Phja Roan (núi đá) gắn với truyền thuyết "nàng tiên" và "nàng Tô Thị Hoạn"...

    Xã Đồng Loan còn có nhiều hang động như: Ngườm Bang, Ngườm Én, đặc biệt là ngườm Ca Khào (Hang Dơi) có 3 tầng, trong hang có các nhũ đá hình thù đẹp và 5 "đám ruộng" xếp như bậc thang liền nhau. 

    Đây là những danh lam thắng cảnh đẹp có tiếng tại huyện Hạ Lang nói riêng và của tỉnh Cao Bằng nói chung.