Chị Đàm Hạnh Nguyên, chủ quán bún bò Huế tại địa chỉ 047, đường 3-10 (Thành phố) cho biết: Mỗi ngày quán bán trên 300 bát bún nên nguyên liệu luôn là loại ngon nhất, được lựa chọn kỹ lưỡng.
Ngoài chất lượng bán bún, chủ quán cũng luôn chú trọng về không gian, quán được thiết kế mang nét Huế, từ tông màu vàng chủ đạo, các bộ bàn ghế gỗ, bát đũa…thực khách khi đến ăn ngoài thưởng thức bát bún bò huế còn có thể tận hưởng không gian mang nét đặc trưng của đất và người cố đô.
Bún bò Huế tại số 047, đường 3-10 thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.
Một tô bún bò chuẩn vị Huế sẽ gồm bún sợi, thịt bò, tiết heo, chả cua và nước dùng. Nguyên liệu làm bún là bột gạo pha với bột lọc theo tỷ lệ chuẩn để sợi bún có độ dai vừa phải.
Thịt bò được chọn là phần bắp chân trước, nạm bò hoặc bắp hoa màu đỏ tươi, mỡ bò màu vàng nhạt. Chả cua màu vàng cam bắt mắt được làm từ gạch và thịt cua xay nhuyễn với vị béo, bùi tự nhiên.
Cũng như nhiều món ăn đặc trưng của Huế, cách chế biến bún bò rất cầu kỳ.
Đầu tiên, “linh hồn” của món bún bò chính là nước lèo, nước được hầm từ xương bò với các loại gia vị, nước lèo ngon phải trong và khi nếm chỉ thấy vị ngọt của nước xương thịt hầm.
Đặc biệt người nấu nước hầm phải có một bí quyết nêm gia vị, mà cụ thể là nghệ thuật nêm mắm ruốc đúng liều lượng để tạo mùi thơm phảng phất và vị ngọt đậm đà cho món ăn. Tinh dầu của sả có mùi thơm nồng, đủ mạnh để trung hòa mùi mắm ruốc và giúp cho mùi giò heo luộc vừa chín tới, mùi thịt bò trộn cùng mùi mắm ruốc, tiêu, hành, nước mắm trở nên dịu và ngạt ngào thơm.
Tuy nhiên, với một nồi bún Huế, người nấu phải chú ý theo mùa. Mùa hè vị nhạt hơn, còn mùa đông Huế đặc biệt với mưa dầm dề, lạnh cắt thịt da, người nấu bún phải chú ý nêm vị đậm hơn, bên cạnh đó, mùi thơm của sả cũng làm ấm lòng thực khách dù ngoài trời mưa tầm tã.
Sợi bún cho món bún bò Huế phải được làm bằng bột gạo pha chút bột lọc với tỷ lệ vừa phải để cho con bún ướt, ngon và dai hơn. Ngoài ra, phụ liệu không thể thiếu cho món ăn này là rau sống. Rau sống để ăn kèm với bún bò bao gồm hoa chuối thái mỏng ngâm nước có pha nước cốt chanh để được trắng, rau muống cọng chẻ nhỏ, quế, tía tô, húng lủi, giá đỗ, chanh.
Đặc biệt, khi ăn bún bò Huế, không thể thiếu chút ớt chưng cay nồng rất đậm chất Huế. Ai đã từng thưởng thức món bún bò Huế một lần thì khó có thể cưỡng lại hương vị hấp dẫn bốc lên ngào ngạt thơm nức, lát thịt bò thăn thái mỏng nhìn rõ từng thớ gân trên những sợi bún to tròn trắng tinh.
Lớp váng hỗn hợp xả, ớt được xào chung với hạt điều vàng óng, phủ sóng sánh lên bề mặt bát bún kích thích vị giác.
Là một người con xứ Huế, anh Phạm Hoàng Tài, tổ 10, phường Ngọc Xuân (Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) chia sẻ: Nếu như phở là niềm tự hào của người Hà Nội thì bún bò Huế chính là niềm tự hào của người dân vùng đất cố đô. Là người Việt Nam nhất định ai cũng phải thưởng thức món ăn này ít nhất một lần trong đời.
Tuy rằng ăn tô bún bò Huế không phải trên mảnh đất quê hương, nhưng với những chủ quán có tay nghề, muốn truyền cảm hứng cho thực khách, bạn vẫn sẽ cảm nhận được tinh hoa của ẩm thực xứ Huế.
Ngày nay, dù ở bất kỳ đâu trên mảnh đất hình chữ S này, du khách cũng có thể có cơ hội thưởng thức một bát bún bò Huế.
Hiện nay, mức gia để thưởng thức món ăn này tại Cao Bằng từ 40 - 50 nghìn đồng/bát, mức giá nhỉnh hơn một chút cho một suất ăn sáng so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, bát bún bò Huế thường đầy đặn hơn so với một bát phở thông thường, lượng bún và lượng thực ăn cũng nhiều hơn đáng kể. Hãy cùng chào buổi sáng trên phố núi với hương vị cố đô.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.