Phan Thanh Giản, tiến sĩ nho học đầu tiên của Nam kỳ, cuộc đời thăng trầm, chết ai oán
Phan Thanh Giản, tiến sĩ Nho học đầu tiên của Nam kỳ, làm đến Thượng thư, cái chết của ông còn nhiều ý kiến
Thứ năm, ngày 13/04/2023 05:06 AM (GMT+7)
Tiến sĩ Phan Thanh Giản là tiến sĩ Nho học đầu tiên của vùng đất Nam kỳ, một nhà trí thức lớn sinh ra và lớn lên trên đất cù lao tỉnh Bến Tre, người đã tự “sát thân” để mong được “thủ nghĩa”. Đời sau có nhiều ý kiến nhận xét về ông và xung quanh cái chết của ông ...
“Đỗ đạt cao, làm quan lớn, mà đối với dân thật gần gũi, ai có việc gì oan ức thì được tự nhiên đón cụ mà kêu nài, chớ không để cho dân mang cái hổ mà không được nói. Hỏi sản nghiệp của cụ thì không có gì cả. Cụ làm quan ở ngoài, phu nhân ở nhà phải ăn cần ở kiệm… trồng bông dệt vải lấy mà mặc, cấy lúa tỉa rau lấy mà ăn. Nhà thờ tổ tiên thì bằng cột mắm, phên tre, đến khi chết thì cụ ở trong lều một túp…”.
Đó là một đoạn nhận xét của học giả Lê Thọ Xuân, người xã Tân Hào, huyện Ba Tri, Bến Tre, nói về Tiến sĩ Phan Thanh Giản, một nhà trí thức lớn sinh ra và lớn lên trên đất cù lao Bến Tre, người đã tự “sát thân” để mong được “thủ nghĩa”. Đời sau có nhiều ý kiến nhận xét về ông và xung quanh cái chết của ông. Sách báo viết về ông có hàng trăm bài với nhiều ý kiến khác nhau.
Người thì cho ông là bậc trung thần, hết lòng vì nước, vì dân, người lại phê phán ông là người bất lực bất tài, khiếp sợ kẻ thù, đầu hàng, bán nước. Ông mất nay đã 127 năm, đất nước trải qua nhiều biến đổi, nhưng vấn đề đánh giá con người của ông vẫn còn đó. Kẻ chê, người khen.
Lắm người có chỗ phân vân. Như vậy quả là Phan Thanh Giản chết đã lâu nhưng ông chưa mất. Trên quê hương sinh ra và cũng là nơi vùi nắm xương tàn của ông, tài, đức và nghĩa của Phan Thanh Giản vẫn còn bàng bạc đây đó trong lòng người. Một con người chết hơn trăm năm mà còn có chỗ đứng trong lòng người, nhất là ở những bậc thức giả, âu cũng là việc hiếm thấy.
Những thế hệ con em có chút ít học vấn thường đọc lại câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu điếu ông Phan: Non nước tan tành hệ bởi đâu. Câu thơ đó, đồng thời cũng là một câu hỏi của thế hệ hiện tại và lớp hậu sinh nêu ra, để chờ sự giải đáp xác đáng của những nhà khoa học chân chính, những người chân tình kính trọng cuộc đời và nhân cách của ông Phan.
Chúng ta không nên vì định kiến hay mặc cảm vốn có trước nay mà để cho nhân vật sống trong hoàn cảnh lịch sử không may này mãi mãi chịu vùi lấp trong bao lớp sương mù của dư luận.
Người Bến Tre - quê hương Phan Thanh Giản từ trước đến nay vẫn kính trọng nhân cách, đức độ và tiết tháo của người “học trò già” sinh ra và chôn xác dưới Gãnh Mù U, không ai xúc phạm đến ông, coi ông là một kẻ phản bội, đầu hàng hay bán nước.
Tấm bia mộ lương Khê Phan lão nông chi mộ vẫn trơ gan cùng năm tháng, dù sau này qua mấy lần trùng tu người ta đã thêm thắt vào đó chức tước của ông, hoặc hai chữ “tiên công” để tỏ lòng kính trọng. Nhưng tấm minh sinh mà con cháu ông lưu giữ vẫn còn nguyên chữ viết của ông như một lời di chúc: Đại Nam hải nhai lão thơ sinh tánh Phan chi cửu, diệc dĩ thử chí mộ (nghĩa là quan tài của người học trò già họ Phan ở góc biển nước Đại Nam), rồi cũng dùng câu này ghi ở bia mộ. Người học trò già hay người làm ruộng già họ Phan đều phản ánh đúng thực chất con người ông. Con cháu ông hiểu đó là ý muốn cuối đời mà ông dặn lại.
Chân dung Phan Thanh Giản, tiến sĩ Nho học đầu tiên của vùng đất Nam kỳ. Ảnh: Tư liệu.
Dùng quốc hiệu Đại Nam (thông dụng thời triều Nguyễn) và danh hiệu người học trò ghi trên tấm minh sinh và bia mộ là ý định của Phan Thanh Giản sau bao ngày trăn trở trước khi nhắm mắt, và điều đó được ghi lại bằng hai chữ “truy tư” trên vách mộ của vị đại thần sống và chết không khác gì một người dân dã.
Gãnh Mù U nơi sinh ra Phan Thanh Giản xưa là thôn Tân Thạnh, huyện Tân An, dinh Long Hồ, sau là huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, ngày nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Vì vậy, Phan Thanh Giản là người Vĩnh Long hay Bến Tre đều chỉ về cùng một gốc. Xứ Gãnh gần cạnh Bãi Ngao, đất đai cằn cỗi, thiên nhiên khắc nghiệt.
Cuộc sống ở đây là trồng giồng và làm muối. Dòng họ Phan Thanh Giản nghèo khó, ba đời tha hương vào đất Đồng Nai - Cửu Long và cũng đến ba lần thay đổi chỗ ở, cuối cùng về định cư ở thôn Tân Thạnh, tức xã Bảo Thạnh ngày nay. Cha ông may mắn được làm một viên chức nhỏ dưới thời Gia Long, nhưng phải tội oan bị tù giam ba năm ở Vĩnh Long.
Đó là viên Thủ hạp Phan Thanh Ngạn tự Mai Dã. Mẹ đẻ, bà Lâm Thị Búp, người thôn Phú Ngãi, mất sớm lúc Phan Thanh Giản mới được bảy tuổi. Mẹ kế, bà Trần Thị Dưỡng, chăm lo cho ông ăn học vì cha ông bận công vụ phải xa nhà. Hằng tháng ông được bà mẹ kế cấp cho “học bổng” bằng ba mươi tô gạo và ba mươi con mắm.
Từ nhỏ đến 18 tuổi, Phan Thanh Giản theo học với sư thầy Nguyễn Văn Noa ở chùa Phú Lê. Năm 19 tuổi, cha bị tù ở Vĩnh Long, ông theo giúp đỡ khi cha hoạn nạn. Thấy ông nhà nghèo mà hiếu học, bà Ân ở Long Hồ giúp đỡ ông áo quần và tiền bạc, quan Hiệp trấn Vĩnh Long khuyến khích ông cố gắng, ông Đốc học Vĩnh Long tận tình dạy dỗ.
Nhờ chí thú học hành, năm 29 tuổi ông lên Gia Định thi Hương đỗ Cử nhân, năm sau ra Kinh đô thi Hội ông đỗ Đệ Tam giáp Tiến sĩ xuất thân. Đó là khoa thi Hội năm Bính Tuất 1826, khoa này có 10 người đỗ Tiến sĩ, Phan Thanh Giản đứng hàng thứ ba (3/10) và là vị tiến sĩ đầu tiên của xứ Nam kỳ.
Ngày thi đậu ông về quê quần áo, vải lạy tạ ơn cha mẹ, thầy Noa, ông Đốc học, ông Hiệp trấn tỉnh Vĩnh Long và bà mẹ đỡ đầu Nguyễn Thị Ân, những người đã nuôi dạy, giúp đỡ ông nên người. Không thấy ghi chép hay truyền thuyết nào nói rằng Tiến sĩ Phan Thanh Giản về quê vinh quy bái tổ, tiền hô hậu ủng, võng anh đi trước võng nàng đi sau.
Dưới ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Phan Thanh Giản được triền đình trọng dụng. Ông làm quan trong nội các, trấn nhậm ở các tỉnh, coi thi, đi sứ, làm Kinh lược sứ trấn Tây, Gia Định và ba tỉnh miền Tây Nam kỳ. Ông đã từng lãnh chức Thượng thư, Cơ mật viện Đại thần, Kinh diên Giản quan, Quốc tử giám sự vụ, Quốc sử quán Tổng tài, hàm hiệp biện Đại học sĩ. Điều đó chứng tỏ ông là người có chí, có tài trong mọi lĩnh vực và ông là một người học sâu, hiểu rộng.
Đời ông cũng trải qua lắm bước thăng trầm, làm quan nhiều năm, hết được thăng rồi lại giáng. Không phải ông bất tài hay phạm pháp, mà chính vì ông nói và làm những việc không hợp ý vua và đình thần đang nắm trong tay rất nhiều quyền lộc.
Nhân dân và các bậc thân sĩ ở quê Phan Thanh Giản hiểu biết và kính trọng ông không chỉ vì ông đỗ đại khoa làm quan lớn, mà vì ông là người có tâm, có chí, trọng hiếu nghĩa, gặp việc dám nói, liêm chính hơn người. Người ta cảm mến ông là một người sinh ra trên quê nghèo, sớm xa cha, mồ côi mẹ, nhưng hiếu nghĩa và hiếu học ít ai sánh bằng.
Ông đang làm quan, cha ông mất, ông về quê thọ tang cha. Những ngày chịu tang, ông mặc áo bô, hằng ngày ra mộ cha tự tay nhổ cỏ và gánh đất đắp mộ, không nhờ người khác làm thay. Người ta hỏi ông, ông trả lời, đây là phận sự của người làm con giữ đạo hiếu với cha mẹ.
Bà Lê Thị Mẫn ở Mỏ Cày, dạy con rất nghiêm khắc, ba người con trai đều thi đỗ cử nhân. Bà có tiếng là người hiền thục giúp đỡ mọi người, gia phong rất có nề nếp, vua Tự Đức sắc phong bà mỹ hiệu “Chánh Lục phẩm an nhơn” và tấm biển khắc 4 chữ vàng “Hảo nghĩa khả phong”. Bà Mẫn, qua đời, Phan Thanh Giản đang ở Vĩnh Long, được tin ông sai con trai là Phan Tôn đến làm lễ viếng. Trong thơ gởi cho con trai cả của bà Mẫn, ông viết: “Không được một lạy trước nơi linh cữu thật khả hận thay”.
Người ta khen Phan Thanh Giản tuy việc làm thông thường như những người dân bình thường nhưng nêu được tấm gương lớn cho mọi người về đạo hiếu.
Xứ Ba Tri, quê hương Phan Thanh Giản tuy rất nghèo nhưng con người có truyền tống thông minh và hiếu học. Chính Phan Thanh Giản là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học ấy.
Chân dung tiến sĩ Nho học đầu tiên của vùng đất Nam kỳ-Tiến sĩ Phan Thanh Giản. Sinh thời khi làm quan triều Nguyễn, có lúc ông đã làm đến chức Thượng thư.
Huyện Bảo An (huyện nay là Ba Tri, tỉnh Bến Tre) dưới triều Nguyễn có 10 người đỗ cử nhân, tỷ lệ người có khoa bảng cao nhất so với 4 huyện ở xứ cù lao Bến Tre hồi ấy. Trong đó Phan Thanh Giản vừa đỗ cử nhân vừa đỗ tiến sĩ và là ông tiến sĩ đầu tiên của các tỉnh Nam kỳ.
Tinh thần hiếu học ấy vẫn còn đến ngày nay. Xóm Giồng Giá, xã Vĩnh Hòa giáp ranh với xã Bảo Thạnh, bên cạnh Gãnh Mù U, làng quê của Phan Thanh Giản có khoảng 3.000 dân nhưng hiện tại có 70 người (kể cả con dâu và con rể) có trình độ đại học và trên đại học. Lớp trí thức mới này hiện đang làm việc ở nhiều ngành và nhiều nơi trong nước.
Truyền thống hiếu học và sự minh tâm của lớp người biết trọng đạo ấy có tấm gương của Tiến sĩ Phan Thanh Giản, công lao của ông thầy Noa ở Phú Ngãi, cựu Ngự sử Lê Đình Lượng ở Vĩnh Hòa, Đồ Chiểu ở An Đức… những con người đem tâm huyết ra làm việc trồng người ấy biết bao cực khổ nhưng âm thầm, mới vun đắp được cái tinh thần quý giá trọng đạo - lo người cho lớp hậu sinh trên đất cù lao.
Khi ông Phan chết trong một ngôi nhà tranh tại thành Vĩnh Long, bọn Pháp cho một toán quân gồm thuyền máy cùng với thân thuộc của ông đưa linh cữu về quê nhà, vì thời ấy chưa có đường bộ thông thương như bây giờ.
Trong cuộc hành quân sau đó 3 tháng, Paulin Vial, Giám đốc Nội vụ Nam kỳ có đến tại mộ ông Phan và kể lại trong quyển Những năm đầu ở xứ Nam kỳ: “Chiều ngày ấy gần tới Bảo Thạnh, quê hương của Phan Thanh Giản, người ta đi ngang qua những đám thuốc lá và bông vải, vài ngôi nhà của những người trồng trọt là thưa thớt giữa đám bông và thuốc lá ấy. Một trong nhiều nhà lợp bằng tranh là nhà của viên cựu Thượng thư triều Tự Đức trong một thời gian dài. Mộ của Phan Thanh Giản xây vừa xong nằm bên lề đường và chưa có chữ nào trên mộ bia. Một nho gia hạ bút đề trên mặt trước của ngôi mộ khiêm nhường ấy: các người con không vâng lời thân phụ…”.
Đoạn trên Paulin Vial viết gần như thật nhưng lại bịa ra câu chuyện nhà nho nào đã hạ bút viết vào bia mộ ông Phan những dòng chữ y hệt như luận điệu chiêu hàng của bọn chúng đối với con cháu của Phan Thanh Giản. Trong việc Pháp chiếm thành Vĩnh Long và ba tỉnh miền Tây có rất nhiều tình tiết không được rõ ràng.
Người Pháp chỉ viết những điều có lợi cho việc thực hiện âm mưu xâm lược của họ. Luận điệu của người Pháp cốt làm cho dư luận hiểu rằng chúng lấy được thành mà không phải đánh. Trong sự tráo trở của chúng lộ ra những mâu thuẫn trái ngược nhau, như Phan Thanh Giản uống thuốc độc ngày 1-8-1867, nhưng lại thừa nhận ông chết vào đêm 4 rạng ngày 5-8-1867.
Chúng nói Phan Thanh Giản nộp thành, gởi gắm con cháu lại cho người Pháp chăm nom trước khi uống thuốc độc tự tử trong khi sự thật thì ông Phan trả lời cho bọn chúng rằng: “Tôi có quyền giữ đất chứ không có quyền giao đất”, và trước khi chết dặn dò con cháu: “Hãy ráng phò vua giúp nước, toan lo cho hết sức người, họa may sau này đặng vẻ vang cho Tổ quốc”.
Đại tá người Pháp Thomazi viết trong quyển Cuộc chinh phục xứ Đông Dương: “Ta có thể nói Đề đốc Rigault de Genouilly phát minh ra Sài Gòn, còn Đề đốc Lagrandière thì chính là người sáng lập ra thuộc địa Nam kỳ”. Đọc câu này ta thấy thái độ hết sức trâng tráo của bọn xâm lược Pháp.
Hiện nay tại ấp Long Châu, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang (trước đây là cơ quan của lực lượng Gia Nghị, cánh quân Cần Vương miền Tây Nam bộ), nhân dân còn lưu giữ và thuộc lòng hai quyển cáo thị viết bằng chữ Nôm, do ông Trần Văn Nhơn, cháu nội ông Quản cơ Gia Nghị Trần Văn Thành viết và quyển cáo thị dài do ông Nguyễn Văn Thới (con nuôi ông Hai Nhu, cha ruột ông Hai Tuấn, cận vệ ông Trần Văn Nhu) viết.
Trong quyển cáo thị ngắn có đoạn viết:
Này lời cáo thị nói với chúng dân.
Chốn Nam triều quân chánh Nhơn ân.
Nam kỳ địa quân Phan trấn giả.
Năm Ngọ dậy sân chà bát loạn
Quan quân đều sao sác bốn phương
Gia Định Tường đều động đao thương
Lũy Mỹ Quí ngăn cờ đánh cản
Trong Thập Tháp gây nên phiến biến.
Lang sa đều thất trận trăm phen.
Tây mao chiếu quan Phan day rút.
Trong Thập Tháp quan sung binh túc
Vâng lệnh Trời cứ hiềm thâu binh
Đại sứ Tây thượng chỉ cáo trình
Đời Gia Nghị một cơ ứng nghĩa
Tớ đòi khắp tổng làng bốn phía
Vâng lệnh Trời nã tróc quan thiên
Lập quốc thơ giao hội đà yên
Chí Nam địa phân dị tam tỉnh
Nào ngờ đâu di địch trá hư
Ngôn thất ước thâu kỳ tam tỉnh.
Mấy chi tiết trên đây cho thấy luận điệu của bọn thực dân là có dụng ý, tráo trở và không trung thực. Nó chỉ nhằm ca ngợi chính sách xâm lược bằng cả chính trị, quân sự, ngoại giao của chủ nghĩa thực dân Pháp lúc bấy giờ mà thôi.
Theo tập quán của người Việt Nam , không ai sinh sự gây đổ máu trong lúc đang chịu tang. Nghĩa quân không đánh người Pháp khi họ đưa linh cữu của ông Phan về quê và khi họ đến mộ ông dù là một cử chỉ mị dân, bởi vì làm như vậy không phải là hành động của một người quân tử.
Sau lễ cúng tuần 100 ngày cho Phan Thanh Giản xong (tháng 11-1867), các con ông, Phan Liêm và Phan Tôn đã lãnh đạo nghĩa quân vùng Ba Tri nổi dậy. Chính người Pháp cũng cho rằng cuộc khởi nghĩa này là lớn nhất và nó đã lan ra khắp 3 tỉnh miền Tây mà chúng vừa chiếm đóng.
Như vậy, không có vấn đề các con Phan Thanh Giản ở Bến Tre không vâng lời thân phụ.
Đã từ lâu tại quê hương của Phan Thanh Giản, rất nhiều người băn khoăn về một câu sách về cuộc khởi nghĩa của Trương Định, mà một số người phẩm bình về Phan Thanh Giản thường hay trích dẫn để chứng minh cho tội bán nước của ông. Đó là câu chuyện về anh hùng Trương Định khi đề cờ khởi nghĩa đã nêu đích danh Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước, triều đình bỏ dân).
Ai đã viết câu này? Có đúng là Trương Định và viên cố vấn mà ông tin cậy hỏi ý kiến khi dựng cờ khởi nghĩa tức nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ở Ba Tri đã hiệp ý với nhau viết lên câu này để thóa mạ triều đình và nêu cao uy thế của nghĩa quân không?
Ông Ca Văn Thỉnh, một học giả lão thành người Bến Tre nay đã quá cố, khi còn sống ông có gởi một bài viết cho hội thảo khoa học về địa chí văn hoá Bến Tre tháng 6 năm 1985. Trong bài Các nhân vật cận đại tiêu biểu của Bến Tre ông viết: “Phê phán hành động của Phan Thanh Giản, nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 đã nhắc đến chi tiết Trương Định đề cờ “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”.
Theo chỗ tôi biết thì người kháng chiến đồng thời với Trương Định là Nguyễn Thông khi viết về truyện Trương Định không hề nói đến việc đề cờ này. Chúng ta tin tiểu sử của Trương Định do Nguyễn Thông viết thời Trương Định kháng Pháp cứu nước hay tin theo lời của nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục phát biểu nửa thế kỷ sau này?” (Kỷ yếu hội thảo khoa học về địa chí văn hoá Bến Tre năm 1985, trang 71, bản đánh máy).
Đâu là sự thật?
Người ta đặt ra câu hỏi, ông Phan mãi quốc để cầu vinh hay cầu lấy cái nhục và một chén thuốc độc để tự hủy cuộc đời mình ? Người trí thức có ai làm thế không ?
Ngày ông Phan mất, đám tang tại làng Bảo Thạnh, Nguyễn Đình Chiểu có cho người nhà đến phúng điếu và chính Đồ Chiểu đã viết hai bài thơ điếu ông Phan, một bằng chữ Nôm, một bảng chữ Hán. Nguyễn Đình Chiểu làm thơ bằng chữ Hán điếu Phan Thanh Giản là một biệt lệ. Cả đời ông chỉ làm toàn thơ Nôm, trừ bài Điếu Phan công viết về Phan Thanh Giản ông viết bằng chữ Hán.
Trong bài Văn tế Lục tỉnh sĩ dân trận vong đọc tại buổi lễ cử hành trọng thể trước hàng ngàn người tại chợ Đập, Ba Tri năm 1883, Nguyễn Đình Chiểu viết : ... « Phải trời cho mượn cán quyền phá lỗ, Trương tướng quân còn cuộc nghĩa binh.
Ít người đăng xem tấm bảng phong thần. Phan học sĩ hết lòng cứu quốc » ... (Văn tế Lục tĩnh sĩ dân trận vong, câu 29 và 30).
Đó là tiếng nói chính thức của nhà thơ yêu nước nổi tiếng ở Bến Tre sống cùng thời Phan Thanh Giản. Ngòi bút đâm mấy thằng gian bút chẳng tà ấy không hề có một lời lẽ nào xúc phạm đến nhân cách ông Phan hoặc quy tội ông Phan bán nước để cầu cái chết.
Nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông đã tâu với vua Tự Đức xin ban thụy hiệu cho Phan Thanh Giản vì Phan Thanh Giản xưa là người tiết liệt, nay xin ban cho tên Thụy. Với một người yêu nước có tiếng như Nguyễn Thông, ta không thể cho rằng lập trường yêu nước của ông không triệt để, lời nói mâu thuẫn với việc làm trong vấn đề xem xét và đánh giá về Phan Thanh Giản.
Không làm rõ chỗ này, lớp hậu sinh sẽ hiểu ra sao ?
Ông Phan đã chết, nước mất, nhà tan, nắm xương của ông tàn lụi theo thời gian, nhưng lịch sử vẫn tiếp tục.
Sau khi ông Phan chết hơn 3 tháng, con ông, Phan Liêm vả Phan Tôn đã nổi lên khởi nghĩa chống Pháp tại quê nhà suốt những tháng cuối năm 1867. Tiếp theo là những cuộc khởi nghĩa của Phan Ngọc Tòng, Tán Kế ở Ba Tri diễn ra suốt năm 1868. Đó là những cuộc khởi nghĩa chống Pháp có tiếng vang lớn ở Bến Tre và các tỉnh miền Tây.
Trong những năm 1926 – 1930, đất Ba Tri là nơi sớm có hoạt động của Thanh niên Cách mạng đồng chí hội và là nơi ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Bến Tre, những bậc tiền bối có nhiều công lao gầy dựng phong trào là những nhà thơ yêu nước : Lê Văn Đẩu, Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn... v.v.
Huỳnh Khắc Mẫn tục danh thầy Mười Mẫn ở xả Tân Xuân, một trong những người cộng sản lớp đầu tiên ở Bến Tre có kể lại chuyện ông đi vận động quần chúng gầy dựng phong trào trong những ngày đầu mới thành lập Đảng.
Ông kể lại rằng, khi đến xã Bảo Thạnh, hàng mấy trăm người kéo đến họp mặt tại nhà thờ ông Phan Thanh Giản để nghe nói chuyện cách mạng. Ông thắp ba cây nhang trên bàn thờ ông Phan Thanh Giản rồi vái : « Cố ngày xưa vì bọn Pháp xâm lược mà quyên sinh, bây giờ con cháu theo gương Cố chống Pháp đòi độc lập. Cố là người nghĩa khí, chết còn để lại tấm lòng thành, xin Cố giúp cho con cháu được đắc thành sở nguyện ».
Rồi ông Mười Mẫn nói với mọi người : Tây là bọn quan làng địa chủ áp bức mình, mình là dân nô lệ. Bây giờ mình chống lại chúng nó để giành độc lập. Không còn ai áp bức bóc lột mình, mọi người đều như nhau, thế giới đại đồng. Trước hết muốn giành độc lập phải chống Pháp, bà con đồng ý không ?
Mọi người có mặt đều rầm rộ giơ tay đồng ý. Họ tuyên thệ trước bàn thờ ông Phan làm cách mạng chống Pháp trong những ngày Đảng mới nhen nhóm ngọn lửa cách mạng ở Ba Tri.
Những người dân quê ở Gãnh Mù U, xã Bảo Thạnh từ khi có Đảng đã một lòng theo cách mạng chống Pháp rồi chống Mỹ. Cả làng chịu gian khổ bám rừng, bám đất để sản xuất và đánh giặc, không mấy người phản bội gây tội ác với nhân dân.
Con cháu Phan Thanh Giản còn lại tại quê thuộc dòng dõi của Phan Hương – con trai cả của ông - thờ phụng ông bà trông nom mồ mả. Suốt thời Pháp thuộc không ai hợp tác với giặc. Phan Thanh Hân con Phan Hương, cháu nội Phan Thanh Giản mất từ lâu, còn lại là cháu chắt mấy đời sau.
Năm 1946, sau ngày Pháp trở lại chiếm đóng tỉnh Bến Tre, Phan Thanh Khuông bị lính Pháp bắt về chặt đầu tại bót Tân Xuân. Con của Khuông là Phan Thanh Thinh đi kháng chiến chống Pháp, mấy năm làm cán bộ Phòng Thông tin tuyên truyền huyện Thạnh Phú.
Phan Thanh Khuyến, vào Đảng sau Cách mạng tháng Tám, thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ từng giữ chức vụ Chủ tịch, Bí thư xã Bảo Thạnh, Huyện ủy viên Ba Tri.
***
Chúng ta đều biết sau khi khôi phục chức hàm cho Phan Thanh Giản – cũng như cho cả Nguyễn Tri Phương, người cũng bị cách chức vì để mất thành Hà Nội - triều đình nhà Nguyễn đã có sắc phong thần cho ông ở làng Tương Bình Hiệp, tỉnh Thủ Dầu Một và lần thứ hai phong thần cho ông tại làng Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, nơi ông bị giặc Pháp cướp mất thành trì và uống thuốc độc tự tử.
Ở làng Long Hồ và làng Long Châu, tỉnh Vĩnh Long, hàng năm có lễ giỗ Phan Thanh Giản vào ngày ông mất. Người ta thờ ông trong miếu Quốc Công và trong Văn Xương các.
Tại Ba Tri, năm 1902 khi trùng tu ngôi mộ của Võ Trường Toản và ngôi mộ của Phan Thanh Giản tại làng Bảo Thạnh, thân hào, nhân sĩ và dân chúng quận Ba Tri và các tổng Bảo An, Bảo Thuận tổ chức lễ cúng tế tại đình làng rất trọng thể. Trong buổi lễ ông Nguyễn Trọng Tồn đọc bài văn tế bằng chữ Hán.
Bài văn có đoạn được dịch như sau :
« ... Lễ tua bày tỏ chốn quê mùa, nay kính nhớ hai ông công cả dựng triều Nam, danh cao tày sao Bắc. Một ông ra tài giúp nước, một ông giảng đạo dạy người... Mỗi đạo lý truyền năng nhiều lắm, theo dòng sông cũ Hà Phân, cây cam đường còn nhớ thật lâu, in tiếng khen ông Thiếu Bá, dạy trẻ đem tài ra giúp nước phò vua, công năng đức nhà nơi danh giáo. Giữ đạo làm tôi đến bỏ liều thác, lòng trung thành chói thể nhựt tinh, việc đạo đức chẳng ai bì kịp.. ».
Sự nghiệp trước tác văn chương của Phan Thanh Giản còn lại đến nay là bộ sách Lương Khê thi thảo, Lương Khê văn thảo và Thi văn thảo bổ di do Tùng Thiện vương Miên Thẩm biên soạn, đề tựa và cho in. Ngoài ra hiện còn bài văn bia được khắc đá và dựng tại mộ Võ Trường Toản ở Ba Tri, tại Văn Xương các ở Vĩnh Long và tại tháp bà Thiên Y Ana ở Nha Trang.
***
Khu mộ Phan Thanh Giản trước đây được Uỷ ban Quốc gia bảo tồn Cổ tích của chính quyền Sài Gòn xếp vào loại cổ tích liệt hạng. Trường Tiểu học Cộng đồng Bến Tre từ sau năm 1946 mang tên là Trường tiểu học Cộng đồng Phan Thanh Giản.
Tên ông cũng được đặt cho một con đường lớn trong thị xã Bến Tre, thị xã Vĩnh Long, Kiên Giang… Tượng ông đúc bằng đồng tại trung tâm công trường An Hội, thị xã Bến Tre. Phan Thanh Giản và Nguyễn Đình Chiểu là hai nhân vật được đặt tên cho nhiều công trình văn hoá trong tỉnh từ trước cho đến ngày giải phóng năm 1975.
Các tầng lớp trí thức nhân sĩ và nhân dân trong tỉnh Bến Tre nhiều người tỏ lòng kính trọng ông vì ông là người có phẩm chất đáng kính trọng chứ không phải chỉ vỉ ông là một vị quan to. Làm quan như Phan Thanh Giản mà cuộc sống nhà cây, vách lá, phên tre, không hầu thiếp, không của cải riêng tư, xưa nay có mấy người được như thế.
Phan Thanh Giản là một nhà trí thức lớn nhưng hệ tư tưởng chính thống của thời đại ông lại là hệ tư tưởng phong kiến ở vào thời kỳ suy tàn, đầy mâu thuẫn và bế tắc. Tiếc thay ánh sáng của chủ nghĩa nhân văn và tư tưởng dân chủ lúc bấy giờ chưa có điều kiện toả sáng tới khắp mọi nơi chân trời góc bể. Tầm nhìn của ông Phan không vượt qua khỏi sự hạn chế bởi ý thức hệ mà ông được đào tạo.
Người học trò già họ Phan ấy trở về gởi xác dưới Gãnh Mù U, nơi ông sinh ra và lớn lên, với tấm mộ chí gần như của một người dân thường, suốt đời tần tảo nhưng chết đi gia tư chẳng có tài sản, dinh cơ, ruộng sâu, trâu nái gì đáng kể.
Phải chăng đó cũng là di tích cuối cùng của một nhà trí thức lớn, có tâm huyết, có tài năng, đạo đức và nhân cách nổi tiếng một thời nhưng cuộc đời không trọn vẹn.
Thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cần xác định đúng vị trí của nhân vật lịch sử, đồng thời cũng là nhà văn hoá Phan Thanh Giản, khôi phục lại những gì trước đây người ta đã xây dựng lên để tỏ lòng kính trọng ông. Đó cũng là điều công bằng, đúng đắn và hợp lý.
Ví như: trường học, thư viện, đường phố, di tượng, khu mộ (trước đây đã công nhận là cổ tích liệt hạng) và tập hợp các tác phẩm trong Lương Khê thi thảo, Văn thảo và Thi văn thảo bổ di mà nhà thơ Tùng Thiện vương Miên Thẩm đã biên soạn và cho in 10 năm sau khi Phan Thanh Giản mất.
Hãy công bằng và đối xử đúng đắn với các nhân vật lịch sử, văn hoá với thái độ trân trọng của những người biết tôn trọng truyền thống lịch sử và văn hoá.
Đó là ý kiến cuối cùng của chúng tôi về Phan Thanh Giản - một con người có nhân cách đáng kính nhưng có nhiều đau thương và bất hạnh trong cuộc đời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.