Dân Việt

Xây khu sinh thái trên đất bãi, đóng cọc gỗ làm hư mái kè, Bộ NNPTNT đề nghị Hưng Yên, Hải Phòng xử lý nghiêm

Khương Lực 14/04/2023 17:34 GMT+7
Trước tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều như đóng cọc xuống mái kè ở Hưng Yên hay xây khu sinh thái, tập kết vật liệu trên bãi sông trái phép... tại Hưng Yên và TP. Hải Phòng, Bộ NNPTNT đã yêu cầu các địa phương giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật.

Mới đây, theo phản ánh của báo chí, khu vực bãi sông đê tả Lạch Tray trên địa bàn phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng đã xảy ra tình trạng san lấp mặt bằng, xây dựng công trình, nhà ở, khu sinh thái, tập kết vật liệu trên bãi sông trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật về đê điều. Nhiều hành vi đã xảy ra từ năm 2016 nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm.

Xây khu sinh thái trên đất bãi, đóng cọc gỗ làm hư mái kè, Bộ NNPTNT đề nghị Hưng Yên, Hải Phòng xử lý nghiêm - Ảnh 1.

UBND quận Lê Chân tổ chức cưỡng chế các công trình xây dựng vi phạm trên đất bãi bồi ven sông Lạch Tray thuộc khu vực phường Vĩnh Niệm ngày 10/4.

Qua công tác quản lý và báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Hưng Yên, tại khu vực kè Hàm Tử, huyện Khoái Châu hiện đang xảy ra tình trạng đào, san đất trong hành lang bảo vệ kè, đóng cọc gỗ xuống mái kè làm hư hỏng kè gây mất an toàn đê điều, vi phạm các quy định của pháp luật về đê điều. Sở NNPTNT tỉnh Hưng Yên đã kiểm tra và đề nghị UBND huyện Khoái Châu xử lý nhưng đến nay hành vi vi phạm nêu trên vẫn còn tồn tại.

Thực hiện quy định của pháp luật về đê điều và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, Bộ NNPTNT đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên và UBND TP. Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý dứt điểm hành vi vi phạm pháp luật về đê điều tại những khu vực trên.

Bộ NNPTNT cũng đề nghị tỉnh Hưng Yên, TP Hải Phòng tổ chức kiểm tra trên toàn bộ địa bàn tỉnh. Kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thông tin rộng rãi kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm qua các cơ quan thông tin truyền thông để cảnh báo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, chấp hành nghiêm quy định pháp luật về đê điều.

Bên cạnh đó, địa phương cũng cần tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện tuân thủ quy định của pháp luật.